Video: Vân sốc nặng khi phát hiện mẹ chồng 'làm trò' khiến cô có thai
Sống chung với mẹ chồng đang vấp phải khá nhiều luồng ý trái chiều từ phía khán giả theo dõi. Nhiều người cho rằng, bộ phim tạo một cách nhìn tiêu cực về mối quan hệ giữa mẹ chồng - nàng dâu. Và cả bộ phim, không có lấy một nhân vật tử tế.
TS. tâm lý Nguyễn Thị Minh còn thẳng thắn gọi Sống chung với mẹ chồng là bộ phim xúc phạm những giá trị truyền thống của Việt Nam, đẩy mọi nhân vật xấu xa đến mức không tưởng tượng được.
- Trên sóng truyền hình đang chiếu bộ phim "Sống chung với mẹ chồng" thu hút được nhiều sự chú ý của khán giả. Theo chị những nhân vật trong bộ phim có gần gũi với thực tế hay không?
Ví dụ như đoạn Vân (Bảo Thanh) về nhà lấy lại số tiền gửi mẹ chồng để mang về quê lo viện phí cho em trai. Thì về mặt tâm lý, tôi cho rằng rõ ràng mẹ chồng đã đưa tiền vào tay cho cô ấy nhưng Vân không cầm mà để rơi nhưng cô ta lại bảo mẹ chồng ném tiền xuống đất. Theo tôi thấy thì hành vi đó không phải ném cho nên nó không hợp lý với tình tiết của bộ phim.
Trong trường hợp như vậy, tính chất "điêu ngoa" bị đặt lên quá mức và tình tiết như vậy không phù hợp với thực tiễn của Việt Nam đang diễn ra.
Bởi đầu tiên là không có bà mẹ chồng nào vô duyên đến mức vào tận phòng con trai trong đêm tân hôn và nói "đàn bà không được ngồi lên đầu đàn ông". Điều đó hoàn toàn không đúng vì chẳng có cha mẹ nào xâm phạm vào chuyện riêng tư của con cái đến mức như thế ở Việt Nam.
Điều thứ hai, tình tiết của bộ phim đang làm hơi quá, điều đó không hay bởi nó làm cho con người ta trở nên xấu xa đến mức không tưởng tượng được. Ví dụ, phân cảnh đó đạo diễn có thể cho đó là một sự tình cờ chứ không nên để bà mẹ rình mò trước phòng con trai và con dâu. Bản thân tôi thấy điều đó rất vớ vẩn.
- Như vậy, tính giáo dục cho người xem của bộ phim nằm ở đâu?
Tôi mới chỉ xem được vài đoạn, nhưng theo tôi cái giáo dục trong bộ phim không phù hợp tại Việt Nam chúng ta hiện nay. Bộ phim khiến cho người xem trở nên bức xúc và những cảm xúc này không làm cho con người ta phấn đấu như những bộ phim khác.
Ví dụ một số bộ phim của Việt Nam cũng đề cập đến vấn đề mẹ chồng nàng dâu, thường thì người xem cũng bức xúc nhưng đều rút ra được nhiều bài học và làm nó theo hướng tốt hơn.
Bộ phim đang xúc phạm giá trị truyền thống, không thể hiện giá trị tương phản trong nghệ thuật và không hề phù hợp với văn hoá Việt Nam.
TS. Nguyễn Thị Minh
Ví dụ như người mẹ chồng ứng xử không hề phù hợp với thực tế, vô hình chung lại làm cho mọi người lên án. Người con dâu thì quá quắt và ứng xử quá tệ không phù hợp với đạo đức của người Việt.
Về mặt đạo hiếu, thì cha mẹ có như thế nào thì phận làm con cũng phải kính cha, nhường mẹ. Trong trường hợp của Vân (Bảo Thanh) trong phim sẽ rất dễ khiến nhiều người bắt trước và tỏ ra hả hê trước hành động của Vân. Vậy ý nghĩa giáo dục của bộ phim là chưa có!
-Trong quá trình tư vấn tâm lý, chị đã bao giờ gặp phải tình huống giống trong bộ phim hay chưa? Nếu có, chị sẽ đưa ra lời khuyên nào cho cả mẹ chồng lẫn con dâu?
Tôi chưa gặp tình huống nào như vậy trong thực tế. Thường thì họ chỉ gọi điện cho tôi để than phiên rằng mẹ chồng quá khắt khe chứ chưa bao giờ gặp phải tình huống mẹ chồng quá quắt như trong bộ phim. Bởi vậy, lời khuyên tốt nhất cho cả mẹ chồng và nàng dâu là phải biết học cách hoà đồng, giúp đỡ và kính trọng nhau thì gia đình mới êm ấm.
Về phía mẹ chồng thì nên giúp đỡ con dâu làm tròn trách nhiệm bởi mẹ là người về nhà chồng trước nên hiểu được những quy định của gia đình chồng. Bên cạnh đó, mẹ chồng nên gương mẫu để con dâu học hỏi thì đó mới là điều tốt nhất.
Còn về phần con dâu, thì nên tìm hiểu văn hoá nhà chồng và coi mẹ chồng như mẹ ruột của mình. Cha mẹ có làm gì sai thì cũng không nên cãi, phải biết khiêm tốn học hỏi thì cha mẹ sẽ kính trọng lại mình.
Nếu điều đó chưa phù hợp thì bản thân phải có gắng thay đổi điều đó chứ không nên lên án bởi không có tục lệ gì mà thay đổi được một sớm một chiều. Muốn người khác thay đổi thì mình phải tạo được sự tin tưởng từ phía họ. Giai đoạn đầu khi mới về nhà chồng nên rèn sức chịu đựng để thích ứng với cuộc sống hôn nhân.
- Trên thực tế hình tượng một người con dâu như Vân vì quá u uất bởi mẹ chồng cay nghiệt, chồng thì nhu nhược nghe lời mẹ bạo hành vợ... dẫn đến hôn nhân tan vỡ sau một năm kết hôn. Liệu tâm lý này có giống với suy nghĩ của giới trẻ hiện nay?
Tôi khẳng định là có, bởi giới trẻ hiện nay luôn có ý nghĩ phải sống cho chính mình, họ hiểu nhầm việc sống cho chính mình là sẽ tốt cho bản thân.
Nhưng thật sự sống cho chính mình là phải chăm sóc cho mình lấy sức khoẻ để phục vụ và hy sinh cho người khác đó mới là điều đúng đắn. Làm tất cả mọi việc cho mình sung sướng là sự ích kỉ, như vậy sẽ khiến gia đình tan nát.
Một điều nữa, giới trẻ hiện nay coi việc ly hôn là chuyện bình thường và nên làm khi cần, cho nên vô hình chung tạo cho họ ý nghĩ ly hôn là chuyện đơn giản. Nhưng theo tôi khi đau khổ trong mối quan hệ hôn nhân mà không lo giải quyết chỉ nghĩ đến việc ly hôn cho xong thì đó không phải giải pháp tốt. Người ta gọi đó là sự né tránh vì vấn đề không hề được giải quyết, về lâu về dài sẽ khiến nó trở nên nghiêm trọng hơn.
Ví dụ sau này cô Vân lại gặp người như thế thì chắc chắn sẽ lại chọn giải pháp lý hôn thì vấn đề vẫn mãi không được giải quyết. Vì vậy, khi gặp phải vấn đề này chúng ta nên phải tự lập và tìm cách giải quyết để biết cách cư xử như thế nào cho tốt, học hỏi để giải quyết được mâu thuẫn với mẹ chồng.
- Là một người tư vấn tâm lý học và theo diễn biến của bộ phim hiện nay, theo chị bộ phim sẽ có cái kết như thế nào?
Theo tư duy của tôi thì sẽ tuyệt vời hơn cả là cô con dâu nhận ra giá trị và hiểu được người mẹ chồng thì đó sẽ là kết cục hay nhất để người xem thấy được người ta phải thay đổi như thế nào để thích ứng với cuộc sống gia đình.
Bình luận