Trung Quốc và Nga có thể sẽ khởi động hợp tác trong lĩnh vực phát triển tàu phá băng và tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân. Hiện nay, Trung Quốc đang có trong tay tiềm lực hải quân hùng hậu, nhưng lại rất yếu về vi hình hóa hạt nhân – một quá trình cần thiết để trạm phát năng lượng hạt nhân có thể phù hợp với tàu sân bay.
Trong khi đó, Nga lại có rất nhiều kinh nghiệm trong việc vi hình hóa hạt nhân và sẵn sàng chia sẻ cho các đồng nghiệp Trung Quốc - tờ The National Interest khẳng định.
Hiện tại, Hải quân Trung Quốc được biên chế 2 chiếc tàu sân bay thông thường và đang trong quá trình đóng thêm 1 chiếc nữa. Theo chuyên gia hải quân Trung Quốc Li Jie, nước này còn thiếu một chiếc tàu có khả năng tạo ra nhiều năng lượng và có tốc độ cao để có thể là điểm đỗ, phóng những loại máy bay cỡ lớn.
“Trung Quốc thực sự cần một chiếc tàu sân bay hạt nhân mạnh hơn để có thể là điểm cất cánh của chiếc máy bay chiến đấu siêu nặng J-15” - ông Li nói.
Một chuyên gia quân sự khác, ông Zhou Chenming, cũng nhấn mạnh rằng các lò phản ứng trên những chiếc tàu ngầm hiện đang trong biên chế của quân đội Trung Quốc hầu như không phù hợp với tàu sân bay.
Lấy ví dụ về nước Pháp với chiếc tàu sân bay hạt nhân đầu tiên và cũng là duy nhất của nước này là “Charles de Gaulle”, ông Zhou lưu ý đây là con tàu được mệnh danh “tàu sân bay chậm nhất thế giới”. Điều này là do sai lầm của các nhà thiết kế “Charles de Gaulle” – họ đã sử dụng hai lò phản ứng hạt nhân của tàu ngầm để làm động cơ đẩy chính. Kết quả là, con tàu có kích cỡ khổng lồ nhưng lại không đủ mạnh khi chỉ có thể đạt được tốc độ tối đa là 27 hải lý/giờ, trong khi để phóng được máy bay thì cần đến vận tốc tối thiểu là 30 hải lý/giờ.
“Khả năng chiến đấu của Charles de Gaulle đã bị sụt giảm đáng kể chỉ vì tốc độ thấp. Đó là một bài học đau đớn cho người Pháp” - chuyên gia Zhou Chenming nói.
Chính phủ Nga hồi tháng 6 năm ngoái đã mời Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc tham gia đấu thầu dự án tàu phá băng hạt nhân mới. Theo thông báo, con tàu có chiều dài 152m, rộng 30m và lượng giãn nước khoảng 30.000 tấn này sẽ hoạt động dựa trên các lò phản ứng mô-đun nổi.
Theo chuyên gia Li Jie, Trung Quốc sẽ thu về những lợi ích rõ ràng khi bắt tay với Nga trong dự án này: con tàu phá băng của Nga cũng cần các hệ thống đẩy mạnh mẽ chẳng khác gì tàu sân bay. Con tàu này có thể được sử dụng như nền tảng thử nghiệm để phát triển các lò phản ứng hạt nhân có thể áp dụng cho tàu sân bay.
“Nga có công nghệ, nhưng không có tiền. Trung Quốc thì lại có tiền, nhưng không có công nghệ. Bắt tay với Nga, Trung Quốc sẽ có thể tiến gần hơn tới việc hạ thủy một con tàu sân bay hạt nhân” - các chuyên gia khẳng định.
Theo dự đoán của các chuyên gia, đến năm 2030, Hải quân Trung Quốc sẽ tiếp nhận khoảng 6 chiếc tàu sân bay mới: điều này sẽ cho phép Bắc Kinh trang bị cho mỗi Hạm đội của mình 2 chiếc tàu sân bay. Đây là mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc trong thời gian tới, nhất là khi 2 chiếc tàu sân bay “nội địa” của nước này chưa mang lại hiệu quả: chiếc “Liêu Ninh” đang được đại tu, nâng cấp, trong khi chiếc Type-001A vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ
Bình luận