• Zalo

Trung Quốc có kho vũ khí hạt nhân nghìn tấn?

Thế giớiThứ Tư, 09/01/2013 08:44:00 +07:00Google News

Defense News trích báo cáo cho rằng Trung Quốc hiện có tới 3.000 đầu đạn hạt nhân được cất kỹ trong hệ thống hầm ngầm, nhiều gấp 10 lần so với dự đoán trước đó.

Quân đội Mỹ được lệnh tìm cách vô hiệu hóa các cơ sở ngầm của Trung Quốc, được cho là có thể chứa đến 3.000 vũ khí hạt nhân, khi cần thiết.

Lầu Năm Góc sẽ phải xem xét cách đối phó thích hợp, nếu cần thiết thì vận dụng cả vũ khí thường lẫn công cụ hạt nhân để đối phó cái được cho là kho vũ khí ngầm trong lòng đất của Trung Quốc.

Đó là yêu cầu nêu rõ trong luật Cấp phép quân sự quốc gia (NDAA) năm 2013, được Tổng thống Barack Obama ký ban hành vào tuần trước, theo nội dung của luật mới đăng toàn văn trên website GovTrack.us.


Kho vũ khí hạt nhân ?

Lo ngại của Mỹ về hệ thống đường hầm dưới lòng đất của Trung Quốc xuất phát từ một báo cáo do các chuyên gia Mỹ thực hiện.

Hệ thống đường hầm ngầm theo nghiên cứu của các chuyên gia Mỹ - Ảnh: ĐH Georgetown 

Theo trang tin Defense News, đội nghiên cứu thuộc Đại học Georgetown do Giáo sư Phillip Karber dẫn đầu đã tiến hành cuộc nghiên cứu kéo dài 3 năm để phân tích và lập bản đồ về hệ thống hầm phức hợp có tổng chiều dài gần 5.000 km của Trung Quốc.

Báo cáo của nhóm chuyên gia mang tên “Những hàm ý chiến lược về Vạn Lý Trường Thành ngầm của Trung Quốc”, cho biết hệ thống trên trải dài gần như toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc với độ sâu và quy mô khác nhau, đồng thời chỉ ra một số vị trí và cửa vào tại Nam Dương thuộc tỉnh Hà Nam hay Côn Minh ở tỉnh Vân Nam. Khu vực hầm tại Côn Minh còn được cho là nơi cất giấu tên lửa liên lục địa DF-31.


Bên cạnh đó, Defense News trích báo cáo cho rằng Trung Quốc hiện có tới 3.000 đầu đạn hạt nhân được cất kỹ trong hệ thống hầm ngầm, nhiều gấp 10 lần so với dự đoán trước đó của giới tình báo Mỹ.

Thật ra, những thông tin đầu tiên về hệ thống hầm ngầm của Trung Quốc đã xuất hiện từ năm 2008. Khi đó, theo tờ Chosun Ilbo, trận động đất kinh hoàng 7,8 độ Richter tại Tứ Xuyên đã làm lộ ra đầu mối về đường hầm trong khu vực này.

Các nhân chứng kể lại rằng hàng ngàn chuyên gia đã xuất hiện trong vùng và rộ lên đồn đoán rằng kho vũ khí hạt nhân ngầm dưới đất đã bị ảnh hưởng bởi địa chấn.

Sau đó, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) chiếu phim tài liệu giới thiệu về hệ thống đường hầm dưới lòng đất được quân đội xây dựng từ năm 1995 và “có thể chịu được các cuộc tấn công hạt nhân”.

Theo CCTV, các chuyên gia và người dân gọi đây là “Vạn Lý Trường Thành ngầm” nhưng không nói rõ mục đích của nó.

Tạp chí Asia-Pacific Defense của Đài Loan thì bình luận: “Các vũ khí chiến lược của Trung Quốc sẽ khó bị phát hiện và đánh chặn sớm vì chúng được cất giấu và di chuyển trong những boong ke sâu hàng trăm mét dưới lòng đất”.


Lo ngại của Mỹ

Đạo luật NDAA 2013 có đến 3 mục 1045, 1271 và 3119 nêu bật sự quan ngại của Quốc hội Mỹ về những nỗ lực hạt nhân và hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc.

Bên trong một đường hầm của Trung Quốc - Ảnh: Defence.pk 

Chậm nhất là đến ngày 15/8/2013, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Chiến lược (STRATCOM), một trong 10 bộ tư lệnh tác chiến thống nhất của Mỹ, phải nộp báo cáo về “hệ thống đường hầm dưới đất được Trung Quốc sử dụng” và đưa ra kết luận rằng liệu Mỹ có đánh giá quá thấp năng lực hạt nhân của Trung Quốc hay không.

Bên cạnh việc cung cấp thông tin về đường hầm trên, STRATCOM còn phải đưa ra những phương pháp cần thiết nhằm “vô hiệu hóa những đường hầm đó và những gì đang được cất giấu bên trong”, bao gồm cả vũ khí thường và hạt nhân.

Bản báo cáo cũng sẽ phải đưa ra tương quan giữa các lực lượng hạt nhân giữa Mỹ với Trung Quốc, dự đoán diễn biến trong tương lai.


Đánh giá về NDAA 2013, Defense News dẫn lời Giám đốc dự án Thông tin hạt nhân thuộc Liên đoàn Khoa học gia Mỹ Hans Kristensen cho rằng nội dung của nó phản ánh lo ngại chung của chính quyền Washington và cộng đồng tình báo nước này đối với diễn biến tại Trung Quốc.

Nếu báo cáo của chuyên gia Karber là đúng và Mỹ quyết xóa sổ hệ thống đường hầm nói trên, ông Kristensen cho rằng phải dùng ít nhất vài trái bom hạng nặng mới thực hiện được mục tiêu.


Trung Quốc chưa có phản ứng về đạo luật mới của Mỹ, nhưng chuyên gia Kristensen cho rằng NDAA 2013 có thể gây ra căng thẳng mới trong quan hệ song phương, tạo nên nguy cơ Chiến tranh lạnh tại Thái Bình Dương, nhất là trong bối cảnh các chuyên gia đang quan ngại về viễn cảnh chạy đua vũ trang trong khu vực.

TheoThụy Miên/ Thanh Niên

Bình luận