17h: Quốc hội kết thúc 2 ngày thảo luận về các vấn đề kinh tế- xã hội. Theo kế hoạch dự kiến, ngày mai (6/11), các thành viên Chính phủ sẽ bắt đầu phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Trước khi chất vấn, các đại biểu sẽ nghe: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Sau khi nghe các báo cáo, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan. Nội dung quan trọng này sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.
16h25: Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đề xuất xem xét bổ sung quy định quốc tang cho đồng bào tử nạn do thiên tai.
16h20:Đại biểu Sùng Thìn Cò cho hay, trước khi có dịch tả lợn châu Phi, giá thịt lợn 60.000 đến 70.000 đồng/kg. Nhưng trong và sau dịch, giá lên 200.000-220.000 đồng/kg.
Chính phủ đã chỉ đạo tái phát triển đàn lợn, nhập khẩu thịt lợn để cân đối nhu cầu, giảm giá thịt. Tuy nhiên đến nay giá vẫn giảm chậm.
15h15: Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết chỉ tiêu chất lượng nợ công được cải thiện tốt, cơ cấu nợ vay được điều chỉnh bền vững hơn, góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
“Thu ngân sách 10 tháng đầu năm đạt 75,2% dự toán - giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây”, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.
Bộ trưởng đánh giá sự phục hồi kinh tế thế giới phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch COVID-19. Từ đó, Bộ trưởng nêu các điều chỉnh bội chi, nợ công, thu ngân sách trong năm 2021.
15h10: Về phần giải trình của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vào sáng nay, đại biểu Ksor H'Bơ Khăp (đoàn Gia Lai) cho rằng Bộ trưởng chưa làm đúng trách nhiệm của mình.
“Bộ trưởng không thể đổ thừa cho địa phương, cũng không thể nói rằng có quy định của luật về việc xử lý hay chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm xử lý pin năng lượng mặt trời. Cái cần là người đứng đầu ngành đã có phương án gì đối với vấn đề này chưa?”, đại biểu nói.
Đại biểu đoàn Gia Lai cho biết hiện nay nhiều cán bộ và nhân dân địa phương có những tấm pin năng lượng này cũng rất hoang mang.
“Ngay cả bản thân tôi cũng rất lo lắng về vấn đề này. Bây giờ pin năng lượng tràn lan. Vậy sau này, pin đó dùng để làm gì, dùng để nướng bò 1 nắng là đặc sản ở Gia Lai hay đưa lên Mặt trăng", bà đặt câu hỏi.
15h: Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho rằng cần đưa ra các kịch bản về dịch COVID-19 trong năm 2021 để có phương án điều chỉnh cho phù hợp.
Để kiểm soát dịch bệnh tốt, đại biểu Ngân cho rằng cần đầu tư nhiều hơn cho y tế cơ sở, y tế công cộng và y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát dịch bệnh.
14h40: Đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) mong muốn Chính phủ chỉ đạo để các tỉnh Tây Nguyên sớm có các tuyến cao tốc nối xuống duyên hải miền Trung như Đắk Lắk - Nha Trang, Đắc Nông - Bình Phước, Gia Lai - Bình Định, Kon Tum - Quảng Nam. Đây là những tuyến huyết mạch giúp hàng hóa của Tây Nguyên lưu thông cho thị trường trong nước và quốc tế.
14h20: Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết diện tích rừng tự nhiên của nước ta đã tăng hơn 1 triệu ha so với 30 năm trước. Tuy nhiên, chất lượng rừng tự nhiên giảm, đa phần là rừng nghèo, suy kiệt. Vì thế, trong thời gian tới, sẽ cần có nhiều chính sách khuyến khích dân giữ rừng, trồng, phát triển rừng.
“Chính phủ đã lấy ý kiến các bộ ngành và địa phương về dự án phát triển rừng 2021-2030, tới đây sẽ trình phê duyệt. Chúng ta sẽ cố gắng hết khả năng để có tỷ lệ rừng đảm bảo chất lượng”, Bộ trưởng Nông nghiệp nói.
14h10: Đại biểu Dương Văn Thống (đoàn Yên Bái) đề nghị có thể đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế chậm hơn, không nhất thiết đặt ra chỉ tiêu cao sau đó điều chỉnh liên tục, bởi COVID-19 sẽ tiếp tục có ảnh hưởng xấu đến kinh tế toàn cầu.
11h30: Quốc hội ngừng phiên thảo luận sáng. Phiên thảo luận buổi chiều tại hội trường tiếp tục lúc 14h.
11h20:Chủ tịch Hội chữ đỏ Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết Hội đã thành lập được 1 đội ứng phó khẩn cấp quốc gia và 35 đội ứng phó cấp tỉnh, huyện và 400 đội cấp xã, với tổng số 600 thành viên được đào tạo kỹ năng chuyên nghiệp, được trang bị ca nô, thuyền cứu hộ tham gia cứu hộ, cứu nạn. Bà mong muốn, trong tương lai, Chính phủ sẽ sử dụng đội ứng phó khẩn cấp của Hội để tăng thêm nguồn lực cứu trợ hiện nay.
Cũng theo bà Thu, những ngày gần đây, cụm từ "văn hoá từ thiện" được nhắc nhiều trên báo chí và mạng xã hội với những ý kiến trái chiều khi một hoạt động từ thiện đã là văn hóa cao và thước đo văn minh của cá nhân, tổ chức và đất nước.
“Nhưng làm từ thiện cũng cần phải có văn hóa, văn hóa từ thiện. Đừng mang danh từ thiện để đánh bóng tên tuổi, phô trương đạo đức.
Nhiều người mang quần áo không còn dùng được hoặc đã lỗi thời, sách giáo khoa hay đồ dùng đã cũ, đồ ăn hết hạn sử dụng để cho người nghèo, làm tổn thương họ vì họ là người giàu lòng tự trọng và dễ bị tổn thương”, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chia sẻ.
10h45: Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (tỉnh Ninh Thuận) bày tỏ lo ngại trước tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp, an toàn giao thông, tệ nạn xã hội, tội phạm đang gây nhiều bức xúc và chúng ta cần xác định nhiệm vụ giải pháp căn cơ. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống, các cấp các ngành, toàn xã hội và từng người dân dể lành mạnh hóa đời sống văn hóa xã hội, bài trừ những lối sống, cách hành xử đang đi ngược lại đạo đức truyền thống.
Ông Nguyễn Bắc Việt cũng đề nghị Chính phủ xem xét về quy hoạch điện hạt nhân, đồng thời đề nghị cho tỉnh Ninh Thuận bổ sung dự án vào sơ đồ điện 8.
10h30: Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đặt câu hỏi bây giờ Việt Nam có 14 triệu ha rừng thì bao nhiêu là rừng tự nhiên, bao nhiêu là rừng trồng. Bởi vì tính chất của hai loại rừng này khác hẳn nhau. Ông đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho báo cáo kỹ lưỡng.
Liên quan đến chuyện xây dựng thuỷ điện nhỏ, vị đại biểu TP.HCM cho rằng chưa thấy được bàn tay điều tiết của Nhà nước.
"Một dòng sông có thể chịu được bao nhiêu dự án thủy điện, 3 công trình sẽ khác với 8 công trình. Những dự án đầu tiên chúng ta có thể xét duyệt khác, nhưng khi đến dự án thứ 4, 5, 6 thì phải xem xét khác", đại biểu Nghĩa nói.
10h10: Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà trao đổi thêm về vấn đề lũ lụt, sạt lở đất. Theo Bộ trưởng, từ những báo cáo quốc tế, đây là thời điểm môi trường thế giới xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan và Việt Nam nằm trong nhóm các nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự thay đổi thời tiết này.
Ông cũng khẳng định các hồ chứa ở miền Trung đã thực hiện tốt nhiệm vụ điều tiết nước trong thời gian qua.
"Nhờ sự điều tiết khoa học, hồ chứa ở miền Trung cắt được đỉnh lũ từ 30 đến 70%. Hầu hết các hồ chứa lớn đều có hai chức năng là bổ sung nước cho mùa cạn bên cạnh mục tiêu phát điện", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Lấy Na Uy làm ví dụ về làm thuỷ điện nhỏ tốt, Bộ trưởng khẳng định nếu tính toán được các công trình thuỷ điện nhỏ hài hoà với thiên nhiên thì sẽ vừa phát triển được kinh tế vừa giữ an toàn cho cuộc sống.
Bộ trưởng nhấn mạnh, nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra thách thức về tư duy phát triển, về phát triển bền vững, về tăng trrưởng xanh. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh không đánh đổi môi trường lấy kinh tế; lúc này dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng Bộ trưởng cho rằng cần sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, đầu tư nguồn lực để thực hiện các mục tiêu môi trường trong thực tế.
9h: Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu, tiếp tục giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu Dương Trung Quốc, Lưu Bình Nhưỡng nêu trong phiên thảo luận chiều qua.
Bộ trưởng cho biết, khi có chủ trương đầu tư một dự án thủy điện, trước hết các dự án này đều phải được bổ sung vào quy hoạch, trong đó có các tiêu chí về sử dụng đất thực hiện dự án. Địa phương quyết định việc bổ sung quy hoạch. Sau khi được thông qua, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xin ý kiến các bộ ngành liên quan để đảm bảo phù hợp với các quy hoạch khác nhau. Các dự án thủy điện phải đăng công khai đánh giá tác động về môi trường…
Đối với các dự án thủy điện hết vòng đời dự án, luật và các văn bản dưới luật đã quy định chủ đầu tư phải đánh giá lại an toàn hồ đập, có phương án tháo dỡ cụ thể. Chủ đầu tư dự án điện mặt trời có trách nhiệm xử lý các tấm pin khi đã hết thời gian sử dụng.
Trong phiên thảo luận hôm qua, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng các Bộ, ban ngành cần có tầm nhìn dài hạn về việc xây dựng và quản lý các công trình thủy điện nhỏ.
"Khi bàn đến cái lợi, cái hại của hệ thống thủy điện nhỏ, chúng ta mới bàn đến câu chuyện hôm nay thôi. Nhưng giả dụ 40, 50 năm nữa khi đã hết khấu hao, hết giá trị kinh tế, tất cả những công trình xây ở rừng sâu, núi thẳm này sẽ trở thành những quả bom nổ chậm. Nguồn tài lực nào, nguồn nhân lực nào quản lý chúng. Tôi thấy ngay từ bây giờ khi xây dựng chúng ta phải thấy được kết cục nó như thế nào. Chắc chắn đó là di sản mà con cháu chúng ta phải lo", ông Dương Trung Quốc phát biểu.
8h30: Đại biểu Trần Quang Triều (đoàn Nam Định) khẳng định vượt qua rất nhiều khó khăn, dịch bệnh, với sự điều hành chủ động, sát sao, quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép chúng ta đã đạt được thành tích kép.
Cùng với việc dịch bệnh được kiểm soát, các kết quả phát triển kinh tế xã hội đạt được rất tích cực khi Việt Nam là số ít nước đạt mức tăng trưởng dương, quy mô GDP đứng thứ tư ASEAN, công tác an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân ổn định…
8h20: Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng với rất nhiều khó khăn thiên tai, dịch bệnh chưa từng gặp phải trong nhiều năm trở lại đây nhưng chúng ta đã vượt lên khó khăn đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, có niềm tin vào khát vọng phồn vinh.
Theo đại biểu, để đạt được các mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển vào năm 2030, năm 2045, trong đó có hai chỉ số rất quan trọng là Chỉ số phát triển con người (HDI) và thu nhập bình quân đầu người/GDP.
Hiện nay, chỉ số HDI của Việt Nam đạt được là 0,693 thuộc nhóm các nước phát triển khá, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của giáo dục, được thế giới đánh giá cao cho dù chúng ta vẫn chưa hài lòng và cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa.
Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cần tập trung đầu tư đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, phát triển các tập đoàn lớn làm trụ cột chuỗi giá trị, tăng đầu tư phát triển…
Đại biểu cho biết hiện nay, mức chi cho giáo dục của 1 sinh viên đại học lớn ở Việt Nam chỉ bằng 1/10-1/15 sinh viên đại học ở các nước phát triển, nhưng trình độ của sinh viên Việt Nam được đánh giá tương đương (trừ ngoại ngữ). Đại học đang được coi là lĩnh vực đầu tư có hiệu quả cao nhất để đào tạo nhân lực chất lượng cao, vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo vì vậy chúng ta cần đầu tư mạnh mẽ để có những trường đại học ngang tầm quốc tế.
Bên cạnh nguồn vốn FDI, đại biểu cũng đề nghị xem xét việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay, dù có thể làm tăng tỷ lệ nợ công, để hỗ trợ các DN trong nước phát triển đủ sức cạnh tranh với DN FDI.
8h: Quốc hội bắt đầu thảo luận
Hôm nay (5/11), Quốc hội tiếp tục ngày làm việc toàn thể thứ 3, với 29 đại biểu đã đăng ký và sẽ tham gia thảo luận, trong đó tập trung vào dự thảo Nghị quyết về kinh tế - xã hội, điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 và các nội dung quan trọng khác.
Bình luận