Phát biểu tại phiên thảo luận các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước sáng 4/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Sách giáo khoa sai đến đâu, đến mức nào thì phải có cơ quan chuyên môn đánh giá. Bởi vì các đại biểu, kể cả Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng chưa đủ kiến thức, kinh nghiệm dạy tiếng Việt lớp 1. Nhưng qua những lần làm việc có thể thấy sách Tiếng Việt lớp 1- bộ sách Cánh Diều có sai sót”.
Rút kinh nghiệm nghiêm túc
Từ những sai sót trong sách Tiếng Việt 1, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phải rút kinh nghiệm nghiêm túc và nghiêm khắc, để quy trình biên soạn, thẩm định sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 năm nay và những năm tiếp theo không để xảy ra tình trạng như vậy.
"Bộ trưởng đã báo cáo với Thủ tướng, với Chính phủ và với cá nhân tôi là đồng chí Bộ trưởng đã nhìn nhận rõ là có sai sót và trách nhiệm thuộc về Bộ, trong đó trách nhiệm theo luật định là thuộc về Bộ trưởng, phải chỉ đạo và Bộ trưởng cũng đã có các bước chỉ đạo.
Theo như chúng tôi được báo cáo thì cũng khá cương quyết. Ví dụ, Bộ trưởng đã thay Chủ tịch Hội đồng thẩm định. Việc này tiếp tục Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng nói riêng và cả Bộ nói chung phải hết sức lưu ý, bởi vì những sai sót đấy có thể tránh được thì chúng ta phải rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc", Phó Thủ tướng nói.

GS Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1.
Nói về chủ trương thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, Phó Thủ tướng cho biết, trước kia chúng ta dùng 1 chương trình, 1 bộ sách giáo khoa, không có sự phân biệt và coi như bắt buộc.
Việc này giống như quy định các cô giáo chỉ dùng một bộ áo dài đồng phục, một màu, một kiểu thì bây giờ một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa để phát huy sáng tạo, không độc quyền, giống như quy định vẫn là áo dài nhưng màu sắc, chất liệu, kiểu dáng khác nhau. “Nhiều bộ hơn nhưng đó vẫn là áo dài và chất liệu, đường kim mũi chỉ đẹp hơn, tốt hơn áo dài đồng phục trước đây”.
Vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, dù có một bộ sách giáo khoa hay nhiều bộ sách giáo khoa thì chất lượng ít nhất bằng hoặc tốt hơn ngày xưa. Đây là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT và Bộ không thể hoàn thành được nếu không có sự đóng góp ý kiến của đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học giáo dục và toàn thể nhân dân.

(Ảnh minh hoạ: Đ.L)
Phó Thủ tướng tiếp tục đề nghị Bộ GD&ĐT cần tận dụng công nghệ thông tin để công khai các bản thảo sách giáo khoa trước và trong quá trình thẩm định thẩm định, để mọi người dân, giáo viên, người có kinh nghiệm dạy trẻ, góp ý. Từ đó, Bộ sẽ chắt lọc, tiếp thu những ý kiến đúng, giải thích lại những ý kiến chưa đúng để toàn xã hội đồng thuận.
Sai sót là không tránh khỏi
Ông Nguyễn Ngọc Phương, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng, đây là lần đầu tiên thực hiện đổi mới một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa và xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa theo hướng phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh nên không tránh khỏi những sai sót mà cần phải rút kinh nghiệm.
Rất nhiều người dân đã cùng góp ý, nhằm mục đích để những bộ sách hoàn chỉnh hơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều đối tượng chỉ soi vào sai phạm không đáng chú ý mà phủ nhận thành tích, sự cố gắng của Bộ GD&ĐT.
Theo ông Phương, khi các đại biểu tiếp xúc với cử tri, việc gì nên ghi nhận thì ghi nhận, cần giải thích thì phải giải thích rõ ràng, những nỗ lực đáng ghi nhận thì phải ghi nhận, việc gì chưa thỏa mãn thì nên trao đổi và có kiến nghị. Các đại biểu nên có nhận thức đúng, đừng đẩy cao vấn đề khiến người dân thiếu niềm tin vào giáo dục mà đề nghị trì hoãn không cần thiết đối với công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay.
"Chúng ta nên nhớ rằng, Quốc hội thông qua dự án Luật với quy trình hết sức chặt chẽ, chu đáo nhưng vẫn có những sơ suất. Ngành giáo dục mới năm đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa chắc chắn sẽ không tránh khỏi sơ suất. Chúng ta cần có những chia sẻ, cùng chung sức, đồng lòng với ngành giáo dục thực hiện thành công Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới giáo dục", đại biểu tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh.

Ông Bùi Văn Phương, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình (Ảnh: Quochoi.vn)
Đồng tình với quan điểm, ông Bùi Văn Phương, đại biểu tỉnh Ninh Bình cho biết, chúng ta phải thừa nhận sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 có lỗi, có sạn, nhưng việc đó không phải đến mức độ nghiêm trọng như một số ý kiến phát biểu.
Theo ông nhận định, việc sai sót là không tránh khỏi khi một chương trình giáo dục mới bắt đầu. Những lỗi, sạn đó có thể khắc phục được bằng các giáo viên chủ động sửa, thay thế những ngữ liệu khác để phù hợp với bài giảng chứ không phải gì nghiêm trọng lắm.
Ông Phương cũng cho rằng, trước đó, đại biểu Quốc hội Đặng Phương Thảo (đoàn Nam Định) có phát biểu: “Để tránh làm tăng bức xúc trong nhân dân, tôi đề nghị cần có sự vào cuộc của cơ quan điều tra. Bên cạnh đó cũng cần đẩy nhanh tiến độ điều tra đưa ra xét xử, truy cứu trách nhiệm đối với các hành vi in ấn trái phép, làm giả sách giáo khoa”.
Ông Phương phản đối đề nghị này và cho rằng, việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa từ tác giả đến Hội đồng thẩm định, đại biểu Đặng Phương Thảo nên phát biểu ở mức độ khách quan.
"Việc đưa cơ quan điều tra việc in sai, in lậu là hoàn toàn chính xác, tôi không có ý kiến về vấn đề này. Nhưng tôi băn khoăn việc một số lỗi mà phải chuyển cơ quan điều tra để truy trách nhiệm của tác giả, hội đồng thẩm định, thì tôi thấy như vậy hơi quá mức", đại biểu Ninh Bình nhấn mạnh.
Bình luận (8)
Tôi không rõ lắm về quy chế của Bộ GD-ĐT, nghĩa là HĐ thẩm định có quyền đến đâu. Một số bài báo viết rằng các lỗi được công chúng phát hiện đã được cảnh báo nhưng Tập thể TG vẫn bảo lưu.
Nếu có quy định, nếu HĐ thẩm định không đồng ý thì không được xuất bản thì mới quy lỗi cho HĐ.
Trước mắt, trách nhiệm thuộc về nhóm TG. Nếu sách có quá nhiều vấn đề thì nên thu hồi. Nếu sách cho ĐH có thế chấp nhận quan điểm riêng, thậm chí trái chiều của TG thì sách cho học sinh phổ thông, nhất là các lớp đầu đời phải đưa chuẩn mực lên hàng đầu.
Tôi cho rằng không sửa được đâu, vì những "hạt sạn" đó không phải lỗi do nhầm lẫn, in ấn,... mà thuộc về cốt cách của tác giả. Người viết sách cho trẻ thơ phải có tâm hồn của trẻ thơ, phải tắm mình trong thế giới ấy, không thể cứ "cưa sừng làm nghé" là được. Nói thế không phải hạ thấp tác giả mà để khẳng định một điều: mỗi người có thế mạnh riêng của mình.
Vậy theo ý tôi là viết lại, bắt đầu từ chọn đội ngũ tác giả. Không phải cứ các chuyên gia ngôn ngữ là nói hay, không phải các nhà lý luận là viết hay. Nói hay, viết hay phải có khiếu.
Không những thay mà còn làm rõ trách nhiệm của ông Sử vì đã duyệt thẩm định, để SGK lỗi như vậy vẫn được phát hành...
Lẽ ra phải làm sớm hơn. Từ nay sẽ giảm chuyện "có ý kiến nhưng họ không sửa". Có bác gì nói sai sót không tránh khỏi thì đúng nhưng đừng sai sót nghiêm trọng quá nhiều. Lần đầu tiên thẩm định nhưng là học sinh cách đây hàng mấy chục năm, làm giáo viên mấy chục năm, thẩm định bao nhiêu đề tài Thạc sĩ, Tiến Sĩ, Cấp Bộ, ...chả nhẽ sách lớp một khó hơn đề tài Thạc sĩ, Tiến sĩ?
Bắt đầu đây , lại là tranh cãi lùm xùm (mà toàn những người trên mức tầm văn hóa của xã hội hiện thời) . Xin thưa rằng đã sai thì nhận là sai chứ đừng tranh luận lí sự làm gì. Thử hỏi có bao nhiêu là GS TS rồi học hàm học vị , rồi bao nhiêu là tiền, bao nhiêu là thời gian cùng thực tế để cho ra lò một sản phẩm, chỉ cần sai một lỗi thôi đã có thể nói là bị loại giống như qui trình sản xuất vậy . Việc đại sự ntn mà cứ đùn đẩy để dư luận càng thêm nỗi thêm niềm ... kết cục chẳng biết ra sao.
Rút kinh nghiệm đến bao giờ???
Thay ông Sử là cần thiết vì không đủ trình độ thẩm định, để SGK sai sót quá nhiều nhưng vẫn được phát hành, gây bức xúc cho xã hội...