Phân tích của nhóm nghiên cứu đến từ các trường Đại học Bonn, Jena, Freiburg và RWTH Aachen chỉ ra khu vực ven biển Oman cần có hệ thống cảnh báo sớm sóng thần. Nhưng ngay cả khi được báo trước, người dân địa phương cũng chỉ có tối đa 30 phút để tới nơi an toàn khi thảm họa tương tự xảy ra. Kết quả nghiên cứu được công bố hôm 19/11 trên tạp chí Science Daily.
Oman nằm ở phía đông bán đảo Arab. Vùng ven biển nước này thường xuyên hứng chịu các đợt sóng thần, thảm họa gần đây nhất xảy ra vào năm 2013. Trong trận sóng thần Makran năm 1945, thiệt hại tương đối nhỏ do độ cao sóng thần chỉ ở mức 3 mét. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tìm thấy bằng chứng sóng thần có thể trở nên mạnh hơn nhiều, đạt độ cao gấp 5 lần. Họ tập trung khảo sát địa hình ở dải đất dài 200 km ven biển phía đông bắc Oman và xác định 41 tảng đá cuội lớn bị nước biển đẩy vào bờ.
Theo tiến sĩ Gösta Hoffmann ở Viện Khoa học Địa chất thuộc Đại học Bonn, một số tảng đá cuội có thể hình thành khi sóng thần làm vỡ vách đá. Tảng đá cuội lớn nhất trong số đó nặng khoảng 100 tấn. Những tảng đá còn lại có dấu vết của những tổ chức sinh vật biển như trai và hàu. Điều này cho phép họ xác định mốc thời gian sinh vật biển chết, từ đó suy ra thời điểm đá cuội bị cuốn vào đất liền.
Tinh thể thạch anh trong đá cũng góp phần đánh dấu thời gian. Loại khoáng thạch này cung cấp thông tin về lần cuối cùng chúng tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời. Nhờ đó, nhóm nghiên cứu có thể tính toán các tảng đá đã ở vị trí hiện nay trong bao lâu.
Hai mảng kiến tạo Arab và Á - Âu đâm vào nhau ở biển Arab. Chúng di chuyển về phía nhau ở tốc độ khoảng 4 cm mỗi năm. Trong suốt quá trình này, một trong hai mảng kiến tạo trượt dưới mảng còn lại. Đôi khi, chúng bị kẹt ở vùng hút chìm, tạo ra áp lực ngày càng lớn hơn theo thời gian. Nếu đột nhiên chúng không lèn chặt nữa, cột nước bên dưới hai mảng kiến tạo sẽ bắt đầu dịch chuyển. Điều này có thể dẫn tới những cơn sóng thần cực mạnh.
Bình luận