• Zalo

Thuốc Tamiflu khan hiếm: Găm hàng, tăng giá trục lợi có thể bị phạt tù đến 15 năm

Sức khỏeThứ Sáu, 20/12/2019 14:05:00 +07:00Google News

Luật sư cho rằng, các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình trạng khan hiếm thuốc Tamiflu để đầu cơ trục lợi có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Những ngày gần đây, số bệnh nhân mắc cúm A nhập viện gia tăng, nhu cầu sử dụng thuốc Tamiflu vì thế càng nhiều, dẫn đến tình trạng khan hiếm và giá thuốc bị đội giá chóng mặt. Nhiều người lo ngại một số hiệu thuốc có thể sẽ găm hàng để thu lợi, gây khó khăn cho điều trị bệnh. 

Trao đổi với VTC News, luật sư Hoàng Tùng (Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP Hà Nội) khẳng định, hành vi găm hàng, hoặc những hành vi khác lợi dụng tình trạng khó khăn để tự ý tăng giá thuốc Tamiflu lên cao có thể bị phạt tù đến 15 năm.

Luật sư Hoàng Tùng cho biết, Tamiflu là hàng hóa thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Luật Giá 2012, vì thế giá thuốc nói chung và Tamiflu nói riêng sẽ phải kê khai với cơ quan quản lý (theo thông tin thì Tamiflu là 45.000 đồng/viên). Cung và cầu chênh lệch, cung nhỏ hơn cầu tạo ra cơ hội cho các cá nhân, tổ chức lợi dụng để găm hàng, tăng giá trục lợi cho mình.

"Hành vi găm hàng, hoặc có những hành vi khác lợi dụng tình trạng khó khăn để tự ý tăng giá thuốc lên cao, thậm chí là cao gấp nhiều lần so với giá kê khai là hành vi vi phạm pháp luật. Với những hành vi này cần phải nghiêm khắc xử lý" - luật sư Tùng nói.

tamiflu

Lượng thuốc Tamiflu đang khan hiếm khiến nhiều hiệu thuốc đẩy giá tăng cao chóng mặt.

Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa phân tích, với hành vi găm hàng (cắt giảm địa điểm bán hàng; cắt giảm phương thức bán hàng;…) sẽ bị xử phạt vi hành chánh tại Điều 47 Nghị định 185/2013.

Tùy vào những hành vi cụ thể sẽ có mức phạt tiền cụ thể và cao nhất là đến 30 triệu đồng, tịch thu tang vật với hành vi vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 3 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm rong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa  nhằm bán lại thu lợi bất chính được xác định là hành vi đầu cơ (trưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự).

Hành vi đầu cơ sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 46 Nghị định 185/2013 "Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng". Trường hợp giá trị hàng hóa càng lớn thì mức phạt càng cao, cao nhất lên đến 100 triệu đồng (theo khoản 5).

Đồng thời, tịch thu tang vật; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 6 tháng hoặc đến 1 năm đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm từ 6 tháng đến 1 năm đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

ls

Luật sư Hoàng Tùng.

Với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc Tamiflu hoặc có những hành vi tạo ra hoặc đẩy mạnh hiện trạng này trong tình hình hiện nay để tiến hành thu mua thuốc, bán lại với giá cao hơn để thu lợi nhuận thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Đầu cơ" theo Điều 196 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) thì phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (theo khoản 1 Điều 196).

Đặc biệt, với trường hợp có những tình tiết định khung tăng nặng hơn như: giá trị hàng hóa lớn, thu lợi bất chính lớn theo quy định cụ thể; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;…. thì có thể bị phạt lên đến 1,5 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm (khoản 2 Điều 196).

Nếu là pháp nhân thương mại phạm tội thì hình phạt sẽ là tiền, mức cao nhất có thể lên đến 9 tỷ đồng và có thể bị cấm kinh doanh trong một số lĩnh vực và huy động vốn trong vòng từ 1 năm đến 3 năm.

"Thuốc là mặt hàng được coi như là thiết yếu với người dân, là một mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo vệ sức khỏe của người dân.

Do đó đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi lợi dụng tình trạng khó khăn, khan hiếm để kiếm lợi, trục lợi trên sức khỏe của người khác là hành vi cần lên án và phải xử lý kịp thời, nghiêm khắc. Các cơ quan quản lý lĩnh vực này cần phải quan tâm hơn để có biện pháp quản lý hiệu quả nhất", luật sư Tùng nhấn mạnh.

Ngày 18/12, Cục Quản lý dược có văn bản khẩn đề nghị Sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn liên hệ với các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thuốc Tamiflu (Oseltamivir) để chủ động lập dự trù, thực hiện việc mua sắm, đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp lợi dụng găm hàng, tăng giá thuốc.

Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi ngày trung bình tiếp nhận từ 100 đến 200 bệnh nhi đến thăm khám với chung biểu hiện như: sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu.

TS. BS Ngô Thiện Hải – Phó Giám gốc Y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em của bệnh viện cho biết, do đang là thời điểm giao mùa, thời tiết khắc nghiệt, nên số lượng bệnh nhi nhập viện do mắc cúm, đặc biệt là cúm A trong hai tuần vừa qua. Cao điểm có lúc lên tới 500 trẻ đến khám một ngày do cúm, tăng 10-20% so với trước.

Từ tháng 11/2019 đến nay, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận khoảng 3.099 trường hợp có chung triệu chứng cúm.

Tamilfu là loại thuốc có chứa oseltamivir thường được chỉ định dùng trong các trường hợp chống virus cúm A và B trong cơ thể. Thuốc được sử dụng để điều trị cúm do virus cúm gây ra ở những người có triệu chứng dưới 2 ngày.

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn