Dẫn chứng việc những ngày gần đây châu Âu và nhiều nước châu Á đang phải tái đóng cửa, giãn cách xã hội trở lại, Thủ tướng khẳng định COVID-19 thực sự khiến thế giới điêu đứng. Trước cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới chưa từng có trong lịch sử, Thủ tướng cho rằng Chính phủ đã phản ứng kịp thời, đưa ra những đối sách hợp lý.
Chưa đón khách du lịch quốc tế
Mặc dù nhu cầu phát triển du lịch rất lớn nhưng Việt Nam quyết định chưa thể mở cửa trở lại với khách nước ngoài.
"Nếu bình thường, như năm nay, chúng ta đón 21 triệu khách quốc tế, doanh thu trên 60 tỷ USD. Song năm nay, hoàn toàn chúng ta không làm được gì. Tôi bị phản đối vì không cho khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam. Nhưng phải cương quyết làm vì tình hình dịch bệnh hiện nay đáng lo quá.
Chúng ta phải chấp nhận điều này để bảo vệ sức khỏe con người, chấp nhận tình hình này để kiểm soát tốt dịch bệnh. Chúng ta tạo điều kiện cho những khách đầu tư, nhà ngoại giao, quản lý, công nhân lành nghề, nhưng có sự kiểm soát, cách ly, chứ không phải vì kinh tế mà bỏ qua việc đề phòng bảo vệ nhân dân", Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh, dù rất coi trọng kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân song vẫn phải kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, không thể chủ quan lơ là, kể cả trong năm 2021.
Dù COVID-19 bủa vây song nhờ cách làm sáng tạo nên Việt Nam giữ được sản xuất, là một trong hai nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (cùng Trung Quốc) tăng trưởng dương. Ở ASEAN, Việt Nam là nước duy nhất tăng trưởng dương, là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi tốt nhất hiện nay.
Dẫn chứng nền kinh tế Thái Lan âm 8.5% dù tung ra gói hỗ trợ khổng lồ, Thủ tướng tái khẳng định Việt Nam phải duy trì chính sách tài khoá hợp lý, để tránh lạm phát, qua đó vẫn chống COVID-19 và giữ được đà tăng trưởng cho đất nước.
"Quy mô nền kinh tế Việt Nam năm ngoái vượt Malaysia, năm nay vượt Singapore về số tuyệt đối. Nếu quyết tâm, đoàn kết, khát vọng của chúng ta mạnh mẽ hơn thì tương lai không xa, Việt Nam có thể cạnh tranh với Philippines và đặc biệt là Thái Lan.
Chúng ta phải có khát vọng vươn lên. Toàn dân tộc, toàn đất nước phải phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại tốt chứ không phải để tình trạng quy mô thấp", Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng cho rằng hiện đời sống kinh tế của đất nước đã được nâng cao rất nhiều. “Nhiều người mua ô tô dễ như mua cái xe máy, thậm chí bây giờ có những nhà mấy ô tô. Tôi vẫn nhớ cách đây hai mấy năm, tôi đi Thái Lan, thấy nước họ có điện thoại di động mà tôi ước mơ, nhưng bây giờ thì đã khác, mọi thứ phát triển quá nhanh”, Thủ tướng nói.
Ông cho rằng nếu không bị tác động của COVID-19, thì với tiềm lực hiện nay, nền kinh tế của của Việt Nam còn tăng trưởng tốt hơn nữa.
Phương án chống đại dịch hợp lý
Về cách chống dịch COVID-19, Thủ tướng phân tích lại hai phương án chống dịch ở hai giai đoạn khác nhau.
“Lần một là giãn cách xã hội trên cả nước, điều quan trọng nhất là chúng ta làm sớm, rất kịp thời và ngăn chặn được. Chúng ta coi chống dịch như chống giặc nên toàn dân, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Làm như vậy cũng là cần thiết.
Đợi 2 dịch tái bùng phát sau 99 ngày. Tưởng rằng đã vượt qua nhưng không ngờ lại tái dịch ở trung tâm du lịch là Đà Nẵng, rồi lan ra cả nước. Phương thức chống dịch lần này khác lần thứ nhất. Chúng ta thần tốc khoanh lại khu vực có dịch chứ không thực hiện giãn cách xã hội toàn quốc. Nếu ta làm theo phương thức cũ thì chắc chắn kinh tế năm nay âm rồi", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết thế giới đánh giá cao cách làm của Việt Nam song không thể chủ quan bởi New Zealand, dù là ốc đảo, sau 102 ngày vẫn có người mắc COVID-19. Dịch có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và Chính phủ luôn sẵn sàng xử lý mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nếu có ổ dịch mới.
Thủ tướng cũng cho biết, đợt dịch bệnh vừa rồi nông nghiệp là then chốt của nền kinh tế. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đặc biệt là năm nay còn xuất khẩu gạo ngon, Đồng bằng Sông Cửu Long được mùa lúa gạo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu một số thông tin kinh tế đáng chú ý, trong đó đầu tư xã hội chiếm hơn 34% GDP là nền tảng để phát triển; xuất khẩu tăng hơn 2,24% trong bối cảnh khó khăn hiện nay; xuất siêu đạt kỷ lục gần 18 tỷ USD và dự kiến hết tháng 12 sẽ đạt 20 tỷ USD; chính sách tiền tệ, tỷ giá sẽ cố gắng giữ vững. Đặc biệt lần đầu tiên Việt Nam mua dự trữ tới 92 tỷ USD ngoại hối, đây là mức kỷ lục từ trước tới nay.
Bình luận