Hôm nay (21/8), Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và một số nhân sự sẽ rời Đà Nẵng sau khi tình hình dịch COVID-19 tại đây được kiểm soát, dần ổn định.
Trả lời báo chí trước khi rời Đà Nẵng, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng, những ngày căng mình trong tâm dịch Đà Nẵng, đội ngũ y bác sỹ là chiến sỹ, chống dịch bằng cả trái tim, khối óc.
Phong tỏa 3 bệnh viện, thời khắc quyết định
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá tình hình dịch COVID-19 tại Đà Nẵng bước đầu được kiểm soát, dần ổn định là kết quả của cả hệ thống chính trị, đội ngũ y bác sỹ, công an, quân đội, chính quyền và người dân Đà Nẵng.
Tuy nhiên, việc đưa ra quyết định phong tỏa kịp thời 3 bệnh viện lớn ở Đà Nẵng là cực kỳ quan trọng, nó quyết định đến thành bại của cuộc chiến chống dịch COVID-19 lần nay.
“Sau ngày 23/7, ngay khi xác định ca bệnh 416 tại Bệnh viện C, phản ứng đầu tiên của lãnh đạo Bộ Y tế là phong tỏa bệnh viện này. Đây là bệnh viện tiếp nhận, điều trị cho rất nhiều bệnh nhân lớn tuổi nên nếu để lây lan là cực kỳ nguy hiểm, rất đáng lo”, Thứ trưởng Sơn nói.
Tiếp đó, khi nhận được thông tin có trường hợp mắc COVID-19 tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, Bộ Y tế báo cáo trực tiếp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đề xuất Đà Nẵng cách ly cả 3 bệnh viện.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: “Đây là quyết định rất quan trọng, góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm từ 3 bệnh viện này sang khu dân cư xung quanh. Đặc biệt, theo thông tin thì có rất nhiều bệnh nhân điều trị tại 3 bệnh viện này trở về địa phương. Bên cạnh đó còn có hàng triệu du khách đến du lịch Đà Nẵng cũng rời thành phố. Vì vậy, ngoài phong tỏa 3 bệnh viện, chúng tôi tiếp tục đề xuất các tỉnh, thành phố, nhất là Hà Nội, TP.HCM phải giám sát chặt người từ Đà Nẵng về”.
Công việc tiếp theo phải làm ngay là xây dựng “căn cứ địa” cho ngành Y tế Đà Nẵng tại 2 bệnh viện là Bệnh viện dã chiến Hòa Vang (Trung tâm Y tế Hòa Vang) và Bệnh viện Phổi với mục tiêu phải làm sao tổ chức được cơ sở điều trị phù hợp với việc tiếp cận các bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là những ca bệnh nặng.
“Vì vậy, sau ngày 23/7, ê kíp bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai được Bộ Y tế điều vào Đà Nẵng. Những ngày sau, nhiều ê kíp từ các bệnh viện trên cả nước cũng được điều động vào chống dịch.
Trong thời gian chỉ 3 ngày, chúng ta đã hỗ trợ cho Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, Bệnh viện Phổi có được đơn vị hồi sức đặc biệt, tiếp nhận tất cả bệnh nhân từ Bệnh viện Đà Nẵng chuyển đến. Thành lập những ê kíp hồi sức có bác sĩ địa phương, bác sĩ hỗ trợ hoạt động rất trơn tru”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Thứ trưởng nhìn nhận, đó là năng lực lớn của hệ thống y tế Đà Nẵng nói riêng và ngành Y tế nói chung khi chúng ta tập trung nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho Đà Nẵng.
Chống dịch bằng cả trái tim, khối óc
Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ, ông cũng như đội ngũ y bác sỹ, xác định mình là chiến sỹ, chống dịch bằng cả trái tim, khối óc.
“Chúng tôi là người được Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, Thủ tướng phân công vào Đà Nẵng từ ngày 30/7. Chúng tôi hứa với Thủ tướng là khi nào dịch ổn định mới về, vì trách nhiệm và trái tim đối với Đà Nẵng. Chúng tôi mong muốn giúp chính quyền, ban chỉ đạo và người dân Đà Nẵng ổn định, vượt qua dịch”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Theo thứ trưởng, cán bộ y tế cũng là chiến sỹ, có lệnh điều động là sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ. Ông chia sẻ về nhiều câu chuyện cảm động mà ông chứng kiến trong những ngày cùng các y bác sỹ chiến đấu tại tâm dịch Đà Nẵng.
Đó là hình ảnh các y bác sỹ của Trung tâm Cấp cứu 115 trong những bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi đầm đìa mà rất nhiều người đã kiệt sức ngay khi kết thúc công việc. Đó là những buổi họp xuyên đêm, xuyên trưa của ban chỉ đạo, của sở y tế, các bệnh viện.
“Đơn cử như bác sĩ Trần Thanh Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy), 2h sáng đang chữa trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi thì nhận nhận được điện thoại ở bệnh viện khác lại tức tốc lên đường.
Rồi gia một đình ở quận Bình Tân (TP.HCM) dù không có chuyên môn về ngành Y nhưng tình nguyện xin ra Bệnh viện 199 (Bộ Công an tại Đà Nẵng) để giúp đỡ các y bác sỹ. Gia đình bạn ấy ở Bệnh viện 199 từ đó đến giờ, làm công việc vận chuyển và tiếp nhận mẫu để giảm tải cho nhân viên y tế. Đó là những điều trân quý, rất cảm động”, Thứ trưởng chia sẻ.
Như xát muối trong lòng khi bệnh nhân qua đời
Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Đà Nẵng cho biết, tại Đà Nẵng có rất nhiều bệnh nhân nặng, rất nặng, khác những ca trước đây.
“Như bệnh nhân 91 trước đây rất nặng, nhưng đó là một người bệnh khỏe, sau khi được hồi sức, các cơ quan đã hồi phục trở lại. Đối với những người bệnh có bệnh lý nền mạn tính, đặc biệt là các bệnh nhân suy thận mạn, có biến chứng từ tiểu đường, suy tim thì sự xâm nhập của COVID-19 như giọt nước tràn ly”, ông Sơn phân tích.
Thứ trưởng chia sẻ, mỗi lần công bố ca bệnh qua đời, ông và các y bác sỹ thấy như xát muối trong lòng.
“Phải công bố trường hợp bệnh nhân qua đời, chúng tôi thấy như xát muối trong lòng. Chúng ta hoàn toàn không muốn điều đó. Tuy nhiên, thực tiễn dịch bệnh xảy ra trong quần thể người bệnh yếu thế như vậy thì việc tiên lượng không qua khỏi là một thực tế phải chấp nhận. Chúng tôi luôn cố hết sức, phải gắng làm sao áp dụng các biện pháp tốt nhất để cứu chữa cho bệnh nhân”, ông Sơn nói.
Về diễn biến của dịch COVID-19 ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Đến hôm nay chúng tôi rất mừng vì những gì mình kỳ vọng đã đạt được kết quả bước đầu. Chúng ta có thể khẳng định dịch COVID-19 tại Đà Nẵng đã bắt đầu được kiểm soát.
Dịch không thể ngăn chặn trong ngày một ngày hai, vẫn còn diễn biến phức tạp, gay go nhưng với sự quyết liệt của chính quyền, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, của nhân dân Đà Nẵng và của toàn thể nhân dân miền Trung thì chúng ta sẽ chấm dứt được đợt dịch này”.
Bình luận