• Zalo

Thị trường ví điện tử thách thức người dám đầu tư

Chuyển đổi sốThứ Năm, 11/07/2024 07:58:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Sự khốc liệt của thị trường ví điện tử tại Việt Nam hiện nay buộc các nhà cung cấp phải liên tục làm mới bản thân, nếu không muốn 'dậm chân tại chỗ' và bị đào thải.

Thị trường ví điện tử sôi động hàng đầu Đông Nam Á

Việt Nam được đánh giá là một trong 3 thị trường phát triển ví điện tử năng động hàng đầu Đông Nam Á hiện nay, gia tăng nhanh chóng cả về số lượng ví lẫn người dùng. Theo dữ liệu từ FiinGroup, tính đến cuối 2023, Việt Nam có 36 triệu ví điện tử hoạt động và tới cuối năm 2024, con số này có thể lên tới 50 triệu. Giai đoạn 2018 - 2023, số lượng và giá trị giao dịch thông qua ví điện tử liên tục đạt mức tăng trưởng hai con số, với tốc độ hàng năm lần lượt là 80,4% và 83,5%.

Thanh toán kỹ thuật số bằng điện thoại thông minh ở mức phổ biến nhờ tỷ lệ người dùng smartphone ở Việt Nam cao, dự báo đạt khoảng 82,2 triệu người vào năm 2025. Theo quy hoạch hạ tầng viễn thông của Bộ Thông tin và Truyền thông, mục tiêu đặt ra là tới cuối năm 2024, 100% dân số Việt Nam sẽ sử dụng smartphone. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển điện thoại thông minh và các dịch vụ đi kèm thiết bị này có thể còn tăng nhanh hơn dự báo của các công ty nghiên cứu thị trường.

Người Việt sử dụng tiện ích thanh toán trực tuyến ngày càng nhiều nhờ sự phổ cập của smartphone.

Người Việt sử dụng tiện ích thanh toán trực tuyến ngày càng nhiều nhờ sự phổ cập của smartphone.

Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy 11 tháng đầu năm 2023, thanh toán qua điện thoại nói chung ở Việt Nam đạt gần 7,13 tỷ giao dịch, với giá trị hơn 49,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 61% về số lượng và khoảng 11,7 về giao dịch so với cùng kỳ trước đó.

Dù chưa có số liệu đầy đủ về số lượng ví điện tử ở các nước khác trong khu vực ở năm 2023 cũng như nửa đầu 2024, báo cáo từ Statista dự đoán 3 nước phát triển nhanh về số lượng ví điện tử tại Đông Nam Á gồm Indonesia, Philippines, Việt Nam vẫn duy trì thứ hạng từ năm 2022 tới 2026, lần lượt đạt 215,7 triệu, 69,8 triệu và 67,6 triệu.

Nhìn lại thời điểm cách đây 10 năm, toàn thị trường Việt Nam chỉ có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ví điện tử được cấp phép. Còn hiện nay, đã có trên 40 đơn vị tham gia trên thị trường, tăng gấp 8 lần.

Thị phần trong tay các "ông lớn" quốc nội

Không giống như một số lĩnh vực công nghệ nơi doanh nghiệp ngoại chiếm ưu thế về thị phần, ví điện tử lại là một bài toán đặc biệt khi các hãng hàng đầu hiện nay tại Việt Nam lại là những cái tên trong nước, bất chấp việc gia tăng không ngừng của các nhà cung cấp cũng như số lượng ví.

Theo báo cáo "Người tiêu dùng số - The Connected Consumer" quý I/2023 của Decision Lab phối hợp cùng Hiệp hội tiếp thị di động Việt Nam, Momo là ví điện tử dẫn đầu, sở hữu 68% thị phần. Số liệu đến quý III/2023 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng hi nhận MoMo là kênh thanh toán đứng top 1 chiếm 47% tổng số giao dịch.

Tiếp sau Momo, Zalopay đứng thứ hai với 53% thị phần, Viettelpay chiếm 27%, ShopeePay (Airpay) có thị phần 25%. Hai ông lớn khác là VNPay và Moca chia nhau vị trí thứ 5 và 6 trên bảng xếp hạng với lần lượt 16% và 7%. Đáng chú ý trong số này, Moca đã chính thức "rời bỏ cuộc chơi" từ ngày 1/7, để lại thị phần của mình cho những "tay to" còn lại chia sẻ với nhau.

Thị phần ví điện tử vẫn nằm trong tay những doanh nghiệp của Việt Nam.

Thị phần ví điện tử vẫn nằm trong tay những doanh nghiệp của Việt Nam.

Sự ra đi của Moca, với danh nghĩa là một "bước đi nhằm tái cấu trúc và thực hiện quyết định chiến lược" dù không xáo trộn thứ hạng thị phần vẫn cho thấy sự khốc liệt của một thị trường đầy cạnh tranh đang phát triển không ngừng ở Việt Nam. Mục tiêu giành thị phần tiếp tục đẩy lên vai MoMo, Zalopay, Viettelpay, VNPay... để lôi kéo được những người dùng Moca trước đây về tay mình.

Nhưng sự cạnh tranh không chỉ đến từ chính các ví điện tử với nhau mà còn xuất hiện thêm nhiều "đối thủ" mới, chính là ngân hàng - đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống nay cũng đang đẩy mạnh không ngừng để bắt kịp cuộc đua công nghệ.

Theo các chuyên gia, thời điểm trước 2015 khi hệ thống công nghệ ngân hàng chưa tốt, dịch vụ ví điện tử do các bên thứ ba cung cấp mới có nhiều cơ hội để phát triển. Nhưng nay dư địa đang thu hẹp lại do ngân hàng đi từ lõi thanh toán lên và đang xây dựng ứng dụng và tiện ích, dịch vụ đi kèm với tốc độ phát triển cao. Họ cũng có sẵn tập khách hàng trong tay, chính là người dùng các dịch vụ thanh toán hàng ngày.

Điều này một lần nữa cho thấy sự khốc liệt trên thị trường thanh toán điện tử. Hiện nay, với việc nhiều tiện ích có sẵn trên ngân hàng trực tuyến như thanh toán hóa đơn sinh hoạt phí, nạp thẻ, mua vé dịch vụ, chuyển khoản nhanh... người dùng có thể trực tiếp sử dụng phần mềm ngay trên điện thoại, thay vì phải sử dụng một ứng dụng trung gian (ví điện tử) để nạp tiền từ tài khoản nhà băng sang ví lưu trữ, rồi từ ví mới chuyển sang thanh toán dịch vụ, tiện ích đích.

Không "vặn mình", không thể phát triển

Trong bối cảnh không tự thay đổi chính mình, không ngừng sáng tạo, các ví điện tử có nguy cơ bị co cụm lại trước khi trả lại toàn bộ thị phần thanh toán trực tuyến cho ứng dụng ngân hàng. Hiện nay, ví điện tử trong nước đều có xu hướng biến mình thành những "siêu ứng dụng" và cố gắng tạo dựng tập khách hàng riêng để trụ vững trên thị trường.

MoMo, Zalopay, ShopeePay, VNPay... đều có sẵn hàng loạt dịch vụ thanh toán tiện ích mà người dùng có thể dễ dàng tìm thấy chỉ với vài thao tác chạm. Trong khi MoMo liên tục tự đổi mới sáng tạo bản thân với các nội dung mới, dịch vụ mới, thể hiện tham vọng trở thành siêu ứng dụng bằng cách chủ động đa dạng hóa đối tác liên kết và dịch vụ thông qua M&A cũng như đầu tư vào các công ty khởi nghiệp hoặc công ty khác để phát triển và giữ vững vị thế số một thị trường của mình, thì Zalopay mới đây cũng định hình rõ nét hơn trong kế hoạch trở thành một "siêu ứng dụng" tương tự MoMo, tái thiết thương hiệu, có sự liên kết với rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ, sản phẩm khác nhau trên toàn quốc.

Sự ra đi của Moca để lại thị phần cho những doanh nghiệp khác, nhưng cũng cho thấy sự khốc liệt của thị trường và khả năng đóng ví nếu không chịu thay đổi.

Sự ra đi của Moca để lại thị phần cho những doanh nghiệp khác, nhưng cũng cho thấy sự khốc liệt của thị trường và khả năng đóng ví nếu không chịu thay đổi.

ShopeePay nổi tiếng với khả năng khai thác thế mạnh thương mại điện tử của Shopee - sàn giao dịch thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam hiện nay về doanh thu lẫn doanh số, số lượng giao dịch. Còn VNPay tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là cổng thanh toán tại cửa hàng bán lẻ địa phương và mạng lưới đối tác trên toàn quốc.

Trong số những doanh nghiệp đang nắm thị phần rõ rệt trên thị trường, hiện Viettelpay là "ỳ ạch" nhất, chậm thay đổi mà vẫn bám trụ với tập khách hàng truyền thống của mình là những người đang sử dụng dịch vụ viễn thông Viettel cũng như nhóm khách hàng ở tỉnh, thành nhỏ, địa phương.

Trao đổi với Báo điện tử VTC News, đại diện Zalopay đánh giá thị trường ví điện tử trong nhiều năm qua luôn là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa những thương hiệu lớn, không chỉ về công nghệ thanh toán mà còn ở khía cạnh đầu tư cho mảng tiếp thị, khuyến mãi cho người dùng. "Đối với Zalopay, điều này được nhận định như một thách thức to lớn trong việc xây dựng chiến lược phát triển sao cho bền vững, tránh phụ thuộc vào các dạng thức tăng trưởng nóng mà phần lớn thị trường công nghệ đang theo đuổi", vị này nhấn mạnh. 

Năm 2023, hãng ghi nhận tăng trưởng doanh thu 40% trong khi mức lỗ từ hoạt động kinh doanh giảm 42%, tiếp tục hướng đến các nguồn tăng trưởng bền vững thông qua dịch vụ tài chính mới liên tiếp ra mắt trong thời gian ngắn. 

Nói về thách thức hiện tại, đại diện công ty cho biết đã nhìn thấy thị trường dịch chuyển khi chứng kiến sự xuất hiện và phát triển của VietQR, kéo theo đó là sự nâng cấp nhanh chóng của các ứng dụng ngân hàng. Đây được xem là thách thức cho các doanh nghiệp ví điện tử nói chung, làm thế nào để tạo được lợi thế cạnh tranh không chỉ giữa các ví, mà còn là với những hình thức thanh toán khác cũng đang dần được hoàn thiện theo thời gian. 

Khánh Linh
Bình luận
vtcnews.vn