• Zalo

Tin hot 0h: FIFA rúng động vì nghi án "chạy World Cup"

Hậu trườngThứ Ba, 10/05/2011 10:07:00 +07:00Google News

(VTC News)-Tổ chức quyền lực nhất của bóng đá thế giới đang đứng trước một trong những xì căng đan lớn nhất từ trước tới nay.

(VTC News)- Cựu chủ tịch FA Lord Triesman trong một phiên họp tại thượng viện Anh mới đây đã lên tiếng tố cáo các quan chức cấp cao của FIFA nhận tiền hối lộ trong quá trình bỏ phiếu để chọn ra quốc gia đăng cai World Cup 2018.

Cựu chủ tịch FA Lord Triesman nguyên là trưởng ban vận động đăng cai World Cup 2018 của Anh. Năm ngoái, đảo quốc sương mù đã lọt vào vòng xét tuyển cuối cùng và được đánh giá là một trong những ứng cử viên nặng kí song rốt cuộc họ chỉ có vỏn vẹn 2 phiếu. Theo cáo buộc của Triesman , phó chủ tịch FIFA ông Issa Hayatou người Cameroon và chủ tịch liên đoàn bóng đá Bờ Biển Ngà, ông Jacques Anouma đã được Qatar, nước đã giành được quyền đăng cai World Cup 2022, "biếu" 1,5 triệu USD.

Lord Triesman cáo buộc 4 thành viên của ủy ban thường trực FIFA có những hành động "sai trái và không đúng luật". Ảnh từ trái qua từ trên xuống: Triesman (ảnh lớn), chủ tịch LĐBĐ Nam Mỹ Nicolas Leoz, chủ tịch LĐBĐ Brazil Ricardo Teixeira, chủ tịch LĐBĐ Thái Lan Worawi Makudi.

Ngoài ra, cáo buộc còn chỉ ra những hành động "sai trái và không đúng luật" của 4 thành viên khác trong ủy ban chấp hành của cơ quan quyền lực nhất làng túc cầu thế giới.
Ông khẳng định phó chủ tịch FIFA Jack Warner đã gợi ý về khoản tiền "lót tay" lên tới gần 3 triệu USD để xây dựng một trung tâm giáo dục tại Trinidad và khoảng 700.000 USD để giúp Haiti mua bản quyền phát sóng World Cup.

Những người còn lại là Nicolas Leoz, chủ tịch liên đoàn bóng đá Nam Mỹ, Worawi Makudi, chủ tịch liên đoàn bóng đá Thái Lan và Ricardo Terra Teixeira, chủ tịch liên đoàn bóng đá Brazil. Tất cả đều ra yêu sách đối với Triesman nếu Anh quốc muốn có phiếu bầu của họ..

Trước đó, năm 2010, 2 quan chức FIFA là Amos Adamu, cựu giám đốc ủy ban thể thao quốc gia Nigeria và Reynald Temarii nguyên chủ tịch liên đoàn bóng đá châu Đại Dương đã bị đình chỉ công tác do dính líu tới những vụ "đi đêm" trong quá trình bỏ phiếu để chọn ra các quốc gia đăng cai ngày hội bóng đá thế giới năm 2018 và 2022. Như vậy, tính tới thời điểm này, đã có ít nhất 8 người, chiếm 1/3 số lượng các ủy viên thường trực của FIFA, "dính chàm".

Trước lần tái tranh cử chức chủ tịch FIFA lần thứ 4 khoảng 3 tuần, Sepp Blatter phải đối mặt với xì căng đan lớn nhất trong lịch sử tổ chức.

Các bằng chứng về khoản hối lộ 1,5 triệu USD từ Qatar được cung cấp bởi báo Sunday Times sẽ sớm được các nghị sĩ công bố. Trước tình hình này, chủ tịch ủy ban thường trực FIFA, ông John Whittingdale đã viết một bức thư khẩn cấp gửi cho chủ tich FIFA Sepp Blatter đề nghị mở ngay một cuộc điều tra. Và Lord Triesman hứa sẽ hợp tác toàn diện với các cơ quan điều tra.

Chủ tịch đương nhiệm Blatter sẽ phải đối phó với một tình huống đầy thách thức, có lẽ là xì căng đan lớn nhất từ trước đến nay của tổ chức. Và nó đến chỉ 3 tuần trước khi ông bước vào chiến dịch tranh cử ghế chủ tịch FIFA lần thứ 4. "Tôi chưa thể trả lời các thành viên của ủy ban thường trực. Tôi không thể nói tất cả họ đều là thiên thần hay ác quỷ. Nhưng tôi cam đoan lương tâm tôi hoàn toàn trong sáng", Blatter chỉ có thể nói được như vậy trước giới truyền thông trong thời điểm nhạy cảm này.

Trước cáo buộc của Triesman, Mike Lee, cựu giám đốc truyền thông của Premier League, UEFA và là người được cử sang Qatar hỗ trợ chiến dịch vận động đăng cai World Cup 2022 cho đất nước Tây Á tuyên bố anh không hề biết tới bất cứ khoản phí "bôi trơn" nào. "Tôi đã làm việc hết sức mình cho chiến dịch của Qatar và đã có cuộc nói chuyện dài với ngài chủ tịch và giám đốc ủy ban vận động đăng cai. Không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy cáo buộc kia là đúng".

Thủy Kính

Bình luận
vtcnews.vn