Sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và trở lại với công việc, nghi lễ tiếp theo mà nhiều người nghĩ đến để chuẩn bị chính là lễ cúng vía Thần Tài. Vậy nguồn gốc ngày vía Thần Tài là gì và Thần Tài là ai?
Nguồn gốc ngày vía Thần Tài
Mùng 10 tháng Giêng hằng năm chính là ngày vía Thần Tài, nhiều người làm lễ cúng vị thần này để việc làm ăn trong năm được suôn sẻ, tài lộc đổ về dồi dào. Tục thờ Thần Tài có xuất xứ từ Trung Quốc.
Có khá nhiều truyền thuyết về tục cúng Thần Tài. Theo một sự tích, Thần Tài vốn công tác ở thiên đình, một lần do uống rượu quá say mà sẩy chân ngã xuống trần gian, đập đầu vào đá dẫn đến mất trí nhớ. Quên mất mình là ai, cũng không biết làm việc gì, ông lang thang ăn xin để sống qua ngày.
Một hôm, Thần Tài được một vị chủ quán tốt bụng mời vào cho ăn nhân khi vắng khách. Người chủ nhận thấy từ khi ông lão ăn xin ngồi vào thì thực khách trở nên tấp nập, liền giữ ông ở lại và kể từ đó việc làm ăn phất lên như diều gặp gió.
Một thời gian sau, ông lão ăn xin bắt đầu nhớ lại mình là ai, bèn quyết định trở về thiên đình. Ngày Thần Tài bay về trời là ngày mùng 10, vì thế nên dân gian xem ngày 10 Âm lịch hàng tháng là ngày thần Tài. Ngày mùng 10 tháng Giêng là ngày vía Thần Tài đầu tiên của năm, mọi người chú trọng hơn để suốt năm việc kinh doanh được thuận lợi.
Một truyện khác kể rằng, người lái buôn Âu Minh khi đi qua hồ Thanh Thảo tình cờ gặp Thủy thần, được thần ban cho một nữ gia nhân tên là Như Nguyện. Kể từ khi có Như Nguyện, công việc làm ăn của Âu Minh mỗi ngày một phát đạt.
Một hôm vào ngày Tết, Âu Nguyện mắc lỗi gì đó bị Âu Minh đánh. Cô gái quá sợ hãi bèn chui vào đống rác và biến mất. Từ đó, Âu Minh làm ăn thua lỗ, chẳng mấy chốc nghèo xác nghèo xơ. Âu Minh nhận ra Như Nguyện chính là Thần Tài thì đã muộn. Từ sự tích này mà người ta kiêng quét nhà, hốt rác vào 3 ngày Tết vì sợ làm mất Thần Tài ẩn trong đống rác; bàn thờ Thần Tài cũng vì thế mà thường được đặt ở góc nhà.
Thần Tài là ai?
Ngoài các nhân vật “cổ tích” như đã kể trên, dân gian còn cho rằng Thần Tài vốn là nhân vật có thật được phong thần. Nhiều người cho rằng Thần Tài chính là Triệu Công Minh, một trong những người giúp Khương Tử Nha đánh Trụ Vương, và gọi tên vị này khi cúng.
Theo đó, sau khi tử trận, Triệu Công Minh được phong làm Chính Nhất Long Hồ Huyền chân quân, thống lĩnh bốn vị thần trên trời là Chiêu Bảo - Nạp Trân - Chiêu Tài - Lợi Thị. Ông có nhiệm vụ cai quản tiền bạc, của cải nên được mọi người thường thờ cúng để cầu mong tài lộc, được gọi là Triệu Công Nguyên soái hay Huyền Đàn Nguyên soái.
Thần Tài cũng được cho là Bố Đại La hán, còn gọi là Nhân Yết Đà Tôn giả ở Ấn Độ (một trong 18 vị La hán). Ông là người chuyên bắt rắn, thường mang túi vải to trên lưng vào rừng bắt rắn độc, nhổ bỏ răng độc để chúng khỏi hại người rồi thả đi.
Bố Đại sau đó đầu thai tại nước Lương (Trung Quốc) với tên là Phó Đại Sĩ, tính tình vui vẻ, ăn mặc xộc xệch, vai luôn mang cái túi vải to, ai cho gì cũng dồn vào túi rồi đem phân phát cho trẻ em. Vì thế mà tượng thần Tài thường được tạc với hình ảnh thần mang túi to, hai tay đưa thẳng lên trời cười thoải mái, tượng trưng cho sự may mắn, thành công.
Một quan niệm của người Trung Hoa cho rằng Thần Tài gồm 5 vị tương ứng với 5 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và trung tâm, gồm Trung Bân Tài thần Vương Hợi (trung tâm), Văn Tài thần Tỷ Can (Đông), Phạm Lãi (Nam), Võ Tài thần Quan Công (Tây) và Triệu Công Minh (Bắc).
Trong đó, Tỷ Can là vị trung thần của Trụ Vương, bị hôn quân này hại chết theo lời xúi giục của Đát Kỷ. Phạm Lãi là bề tôi của Việt vương Câu Tiễn, người lập kế dâng Tây Thi cho vua Ngô để phục hưng nước Việt.
Theo một số tài liệu khác, Văn Tài thần gồm có Tài Bạch Tinh quân (Tăng Phúc Tài thần), Tỷ Can (Thủ Tài Chân quân), Phạm Lãi (Đào Chu Công), Phúc Lộc Thọ Tam Tinh (Tam Đa) và Tài Hòa Hợp nhị tiên (hai nữ thần tài của người sản xuất đồ gốm sứ, chạm khắc gỗ, thợ nung vôi và người bán quạt)…
Võ Tài thần gồm có Quan Thánh Đế quân, tức Quan Vũ hay Quan Vân Trường và Triệu Công Minh.
Ngoài ra còn có nhóm Thiên Tài thần (bao gồm Ngũ Hiển Tài thần và Ngũ Lộ Tài thần), Chuẩn Tài thần (Lưu Hải Thiềm) và các Tài thần trong Phật giáo Mật tông như Hoàng Tài thần, Tài Nguyên Thiên Mẫu, Ngũ Tính Tài thần (còn gọi là Ngũ Sắc Tài thần)…
Bình luận