Thần Tài trong tín ngưỡng phương Đông là vị thần đảm nhiệm việc trông coi tiền tài cho gia chủ. Ngày 10 âm lịch mỗi tháng là ngày cúng vía thần tài, trong đó mùng 10 tháng Giêng là quan trọng nhất, nhiều gia đình, hộ kinh doanh, chủ cửa hàng, doanh nghiệp chú tâm chuẩn bị cho lễ cúng đủ đầy để thần Tài gõ cửa.
Nguồn gốc ngày vía thần Tài
Tục thờ thần Tài có xuất xứ Trung Quốc, du nhập về Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ 20. Xoay quanh tín ngưỡng ngày là những câu chuyện liên quan khá thú vị. Được biết đến nhiều nhất là câu chuyện về Triệu Công Minh, người đã giúp Khương Tử Nha đánh Trụ Vương.
Sau khi tử trận, Triệu Công Minh được phong làm Chính Nhất Long Hồ Huyền chân quân, thống lĩnh bốn vị thần trên trời là Chiêu Bảo - Nạp Trân - Chiêu Tài - Lợi Thị. Vì thế, ông có nhiệm vụ cai quản tiền bạc, của cải. Mọi người thường thờ cúng thần Tài để cầu mong tài lộc, may mắn sẽ đến với họ.
Theo một tích truyện khác, trong một lần đi chơi uống rượu, thần Tài say quá nên rơi xuống trần gian. Khi tỉnh dậy, thần Tài bị mất trí nhớ, quên mất mình là ai. Sống lang thang và không biết làm việc gì, ông đi ăn xin để sống qua ngày.
Gặp một vị chủ quán tốt bụng, ông được mời vào và ăn một bữa thịnh soạn. Quán đang rất vắng khách nhưng khi ông lão ăn xin bước vào thì bỗng dưng khách ra vào tấp nập. Để ý thấy ông lão vào nhà nào xin ăn thì nhà đó buôn may bán đắt và trở nên giàu có, chủ quán liền giữ lại để việc làm ăn buôn bán được thuận lợi... Vậy nên dân gian mới có câu "thần Tài gõ cửa".
Đến một ngày nọ, thần Tài nhớ ra mọi chuyện và bay về trời. Đó là ngày mồng 10 tháng Giêng. Để tưởng nhớ thần Tài, mọi người chọn ngày này là ngày vía thần Tài, sắm sửa lễ vật dâng cúng và mua vàng để cầu tài lộc may mắn, sung túc cho cả năm.
Cũng có sách viết rằng có một người lái buôn Trung Hoa tên là Âu Minh khi đi qua hồ Thanh Thảo tình cờ gặp Thủy thần, được thần cho một nữ gia nhân tên là Như Nguyện. Âu Minh đem Như Nguyện về nuôi ở trong nhà, từ đó công việc làm ăn mỗi ngày một phát đạt.
Trong một ngày Tết, vì lý do nào đó, Âu Minh đánh Như Nguyện, khiến cô sợ hãi chui vào đống rác và biến mất. Từ đó, Âu Minh làm ăn thua lỗ, chẳng mấy chốc nghèo xác nghèo xơ. Mọi người nhận ra cô chính là thần Tài và lập bàn thờ Như Nguyện. Vì thế nên bàn thờ thần Tài thường nằm ở một góc khuất trong nhà. Trong 3 ngày Tết, mọi người kiêng quét nhà, hốt rác vì sợ làm mất thần Tài đang núp trong đó.
Theo một tích khác, thần Tài nguyên là Bố Đại La Hán, còn gọi là Nhân Yết Đà tôn giả ở Ấn Độ (là một trong 18 vị La hán). Ông là người chuyên bắt rắn, thường mang túi vải to trên lưng vào rừng bắt rắn độc, nhổ bỏ răng độc rồi thả rắn đi.
Người Trung Quốc cho là Bố Đại đầu thai tại nước Lương tên là Phó Đại Sĩ, tính tình vui vẻ, ăn mặc xộc xệch, vai mang cái túi vải to, ai cho gì cũng dồn vào túi rồi đem phân phát cho trẻ em. Do đó, tượng thần Tài thường đứng, có mang túi to, hai tay đưa thẳng lên trời cười thoải mái, tượng trưng cho sự may mắn, thành công.
Ý nghĩa ngày vía thần Tài
Sự tích về thần Tài ngấm vào quan niệm của nhiều người, trở thành một tín ngưỡng dân gian nên cứ vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch, nhiều gia đình, đặc biệt là những người làm kinh doanh lại sắm lễ vật để cúng vía thần Tài mùng 10 âm lịch mỗi tháng, cầu xin làm ăn thuận lợi, phát đạt, thịnh vượng về tài lộc, thuận buồm xuôi gió.
Ngoài ngày vía thần Tài quan trọng nhất trong năm là mùng 10 tháng Giêng, người làm kinh doanh thường làm lễ cúng đầy đủ, cầu xin nhiềumay mắn về tài lộc trong năm.
Trước đây, chỉ những người kinh doanh buôn bán mới mua vàng vào ngày này với mục đích cầu tài lộc. Những năm gần đây, nhiều người Việt cũng theo phong trào đổ xô đi mua vàng trong ngày này với hy vọng sẽ có nhiều tiền của trong năm, vì vàng mang ý nghĩa phú quý, cát tường.
Bình luận