Không phải khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, nông sản Việt Nam mới nhận “quả đắng”. Các chiến dịch “giải cứu” nông sản “được mùa mất giá, được giá mất mùa” lặp đi lặp lại đã nhiều năm.
Người nông dân hoang mang, doanh nghiệp xuất khẩu lo lắng. Nhưng vì sao thực trạng này vẫn tái diễn, khi Việt Nam liên tục mở rộng thị trường nhờ tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
“Cửa” mở nhưng “vào” không dễ
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết, các FTA mà điển hình EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam) mở ra những cơ hội vô cùng lớn cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam như gạo, cà phê, hoa quả… Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang châu Âu hiện còn khiêm tốn, chưa phản ánh đúng lợi thế sản xuất của Việt Nam.
Lý giải điều này, ông Nguyên cho rằng, châu Âu là thị trường tiềm năng song phức tạp và có tính chuyên nghiệp cao. “Điều kiện để sản phẩm nông sản vào một thị trường bất kỳ thường là thuế quan và kỹ thuật. EVFTA dỡ bỏ hàng rào thuế quan nên chúng ta chỉ cần quan tâm đến quy định kỹ thuật. Châu Âu là thị trường yêu cầu cao về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, về dư lượng hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật…”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nói thêm, hiện diện tích rau, quả của Việt Nam trồng theo tiêu chuẩn châu Âu (Global G.A.P.) rất ít, chỉ khoảng 5%. “Yếu tố quan trọng đầu tiên để sản phẩm nông sản vào được thị trường châu Âu là chất lượng. Bên cạnh đó, nghiệp xuất khẩu cũng phải tuân thủ các luật và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu (EU)”, ông Nguyên nói thêm.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính) cho rằng các FTA mà Việt Nam đã ký là cơ hội “vàng” cho xuất khẩu nông, thuỷ sản. Tuy nhiên để vào được các thị trường này, có rất nhiều tiêu chuẩn mà nông sản Việt Nam phải đáp ứng.
“Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế ở mức cao, chủ động tham gia và đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới... Tính đến nay, chúng ta đã tham gia ký kết 13 FTA và đang đàm phán 3 FTA nữa. Như vậy là cửa mở rất rộng. Nhưng anh có vào được không, điều kiện của anh đáp ứng đủ không mới là vấn đề. Với nông sản tiêu chuẩn hàng đầu phải là vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm…”, ông Long nói.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá nhấn mạnh “rào cản lớn nhất của nông sản Việt Nam hiện nay là chưa đảm bảo tiêu chuẩn của các thị trường thế giới”. Chất lượng hàng nông sản hiện nay chủ yếu mới đáp ứng được thị trường “dễ tính”, còn thị trường chất lượng cao thì chưa được. Đây là lí do vì sao chúng ta ký rất nhiều FTA nhưng nông sản thì vẫn “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
“Nếu nông sản sạch, vệ sinh an toàn đảm bảo, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… thì xuất khẩu đi đâu cũng được. Hiện nay nông sản của ta chủ yếu đi vào thị trường Trung Quốc, do tiêu chuẩn lại không quá khắt khe, cầu lại lớn. ”, ông Long nói thêm.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này cho rằng việc nông sản Việt lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến ngành sản xuất này đối mặt với nhiều rủi ro.
Không thể “giải cứu” mãi
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng những chiến dịch “giải cứu” một số hàng nông sản áp dụng trong thời gian qua chỉ là giải pháp tình thế, không giải quyết được tận gốc vấn đề. Thậm chí về lâu dài sẽ lợi bất cập hại, khiến người dân ỷ lại, trong khi chất lượng sản phẩm nông sản không được nâng lên.
“Chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Chúng ta cũng đã tham gia rất nhiều FTA. Nên không thể nào cứ tiếp tục “giải cứu” dưa hấu, cam, thanh long… theo cách hiện tại”, ông Long nói.
Cùng quan điểm, theo TS Phạm Chi Lan, việc giải cứu nông sản chỉ là giải pháp ngắn hạn, vô tình biến một căn bệnh cấp tính thành mãn tính đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.
“Tôi rất chia sẻ với người nông dân. Nhưng theo tôi nên chấm dứt giải cứu ở một ngưỡng nào đó chứ không thể áp dụng mãi được. Ngần ấy năm giải cứu mà không thiết kế được chiến lược mới, không thay đổi được, đó là vấn đề. Nếu cứ tiếp tục giải cứu thì nó sẽ còn lây lan ra nữa, làm hại cả cơ thể ngành nông nghiệp Việt Nam”, chuyên gia nói.
Cách nào chấm dứt “bài ca giải cứu”?
Các chuyên gia cho rằng để giải bài toán “được mùa mất giá, được giá mất mùa” cho nông sản, cần thiết phải quy hoạch lại nền nông nghiệp, áp dụng các công nghệ tiên tiến, xây dựng các thương hiệu nông sản sạch, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu…
Video: Covid-19 tạo sức ép cho nông sản đa dạng hóa thị trường
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nỗ lực đa dạng hóa thị trường, trong đó có đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu, tận dụng cơ hội từ EVFTA. Tuy nhiên, đây là một trong những thị trường có nhiều quy định khắt khe về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm nên các doanh nghiệp xuất khẩu cần đáp ứng tốt các yêu cầu.
“Để có thể xuất khẩu mặt hàng rau quả vào thị trường EU, ngoài vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch, các sản phẩm của doanh nghiệp Việt phải đạt chuẩn GlobalGAP. Những điều này Chính phủ không thể giúp được mà buộc doanh nghiệp phải nỗ lực đáp ứng”, ông Nguyên nói.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, việc mở rộng thị trường xuất khẩu là rất cần thiết trong bối cảnh hiện tại. “Chúng ta cần tham gia chuỗi giá trị quốc tế, mở rộng liên kết và mở rộng thị trường sang những nền kinh tế khác ngoài Trung Quốc”, ông Long nói.
Bên cạnh đó, nền nông nghiệp phải thực hiện liên hoàn các quá trình gồm nhiều khâu từ khâu chọn giống, sản xuất, tiêu thụ, đến khâu chế biến….
“Nhiều nông dân vẫn làm theo phong trào, không ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, không kết hợp với nhà nước. Các khâu chọn giống, sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ… chưa được làm một cách đồng bộ. Chính vì vậy mà giá cả và chất lượng nông sản không có tính cạnh tranh trong thị trường khu vực và trên thế giới”, chuyên gia này cho biết.
Bình luận