• Zalo

Tăng giá xăng: Cước taxi nóng lòng "phi mã"

Kinh tếThứ Sáu, 09/03/2012 06:02:00 +07:00Google News

(VTC News) - Đại diện các hãng taxi, vận tải tại Hà Nội và TP HCM đều cho biết sẽ tăng giá cước vận tải sớm nhất có thể.

(VTC News) - Ông Trương Quang Mẫn, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, Tổng Giám đốc khối Vận tải tập đoàn Mai Linh cho biết, dự kiến trong 3 ngày tới cước taxi của hãng này sẽ được điều chỉnh tăng, vì giá xăng tăng ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền của người lao động.

>> Xăng tăng giá, cước vận tải cũng đua theo 5%
>> Xăng tăng 2.100 đồng/lít
>> Lương giảm, xăng tăng dân phải làm sao?

Ngay sau khi liên Bộ Tài chính - Công thương thông báo đồng ý cho các doanh nghiệp được điều chỉnh tăng giá xăng thêm 2.100 đồng/lít (từ 16h ngày 7/3). Gần như ngay lập tức các doanh nghiệp vận tải đã có phương án phản ứng và tính toán phương án tăng giá cước vận tải, trong đó cước taxi sẽ là đối tượng đầu tiên được điều chỉnh tăng.

Cước taxi nóng lòng tăng

Ông Mẫn đưa ra phép tính chi phí, giá xăng tăng sẽ làm chi phí giá thành tăng tương ứng khoảng 10,1%. Với số đầu xe taxi trên 10.000 của Mai Linh, thì đấy là một khoản chi phí không hề nhỏ. Chỉ tính bình quân với 1 xe, 1 ngày chạy 200km, xe sẽ tiêu thụ khoảng 20 lít xăng, như vậy với phần giá xăng tăng thêm đấy sẽ thêm hơn 40 ngàn/ngày, với số xe của Mai Linh đấy là khoản chi phí không nhỏ.

3 ngày tới cước taxi Mai Linh sẽ được điều chỉnh tăng theo giá xăng. 

“Hiện nay Mai Linh có nhiều loại phương tiện nên sẽ điều chỉnh tăng giá cước lên từ 5 - 6,5%, tức là tăng thêm từ 600 đến 800 đồng/km, để bù đắp phần nào chi phí của người lao động, vì hiện nay lái xe phải tự bỏ tiền đổ xăng, nếu không tăng lái xe sẽ phản ứng lại. Chứ không phải nhân cơ hội xăng tăng để tăng cước”, ông Mẫn khẳng định.

Theo ông Mẫn, kế hoạch 3 ngày tới Mai Linh sẽ thực hiện tăng giá cước taxi, theo đúng quy định là thực hiện thay đổi giá cước sau 3 ngày khi thông báo với cơ quan chức năng.

Trong khi đó, đại diện một số hãng taxi khác tại Hà Nội như Taxi ABC, Taxi Nội Bài… đều cho biết, giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng đến chi phí vận tải. Tuy nhiên, trước mắt các hãng này vẫn chưa tính đến chuyện sẽ tăng giá và sẽ tăng bao nhiêu vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó có việc chờ đợi động thái của các hãng taxi lớn khác như Mai Linh, Taxi Cổ phần…

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, sau khi xăng dầu tăng giá, các doanh nghiệp taxi đang như ngồi trên đống lửa vì mức tăng của giá xăng lần này khá cao.

“Các lái xe ăn chia phần trăm doanh thu theo doanh nghiệp và lái xe phải tự chi trả tiền xăng. Việc xăng tăng giá đã tác động ngay vào nồi cơm của lái xe, mỗi ngày lái xe phải trả thêm khoảng 50-70 ngàn đồng, 1 tháng là khoảng 1,5 triệu đồng”, ông Bình nói.

Vì vậy, theo ông Bình, các doanh nghiệp kinh doanh taxi đang phải tính toán để làm sao tiết giảm chi phí lại vừa phải bù ngay cho người lao động.

“Nếu tăng, dự kiến mức tăng thêm sẽ từ 1.700 – 2.000 đồng/km. Một số hãng taxi lớn cũng đang bắt đầu tính đến phương án điều chỉnh giá cước”, ông Bình cho biết thêm.

Trao đổi với PV VTC News, ông Tạ Long Hỷ - Phó Tổng GĐ thường trực Vinasun taxi kiêm Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM cũng khẳng định: Taxi của các hãng tại TP.HCM chắc chắn sẽ tăng. Thời điểm áp dụng có thể là từ tuần tới, bởi lẽ trong tình hình hiện nay, mức lương cơ bản của nhà nước tăng, lãi suất ngân hàng không giảm làm tất cả các chi phí đầu vào của các hãng tăng vọt từ nhiều tháng nay.

Dự đoán của nhiều doanh nghiệp taxi cho thấy, rất có thể mức cước taxi tại TP.HCM sẽ phải điều chỉnh ít nhất là thêm 2.000 đồng/km

Cước xe khách chưa điều chỉnh

Với xe khách đường dài, ông Trương Quang Mẫn cho biết, hiện nay hãng này đang cân nhắc lại tính lại giá cước vì đây đang là thời gian thấp điểm, nhu cầu đi lại không cao trong khi thị trường cạnh tranh rất mạnh.

Theo ông Mẫn, hiện nay vận tải đường dài không chỉ chịu mình chi phí dầu, mà còn phải chịu nhiều chi phí khác như phí cầu đường, chi phí khai thác cũng khá lớn trong khi sản lượng không tăng.

 Nếu tăng, vé xe khách sẽ tăng tối đa 5% so với hiện nay.

“Vừa qua giá dầu tăng 1.000 đồng/lít, nên chúng tôi đang cân nhắc lại khả năng có tăng hay không. Vì rõ ràng mình tăng giá cước lượng hành khách sẽ giảm, khi các hãng khác có giá rẻ hơn”, ông Mẫn cho hay.

“Hiện nay Mai Linh có trên 350 đầu xe khách đường dài đang khai thác, giá dầu là doanh nghiệp phải chi phí, trước mắt chúng tôi đang cố gắng để cắt giảm, tiết kiệm những chi phí khác, hoặc sắp xếp lại mô hình để hoạt động được hiệu quả, giảm chi phí, tránh phải tăng giá”, ông Mẫn khẳng định. 

Còn ông Lưu Hồng Hoàng, Giám đốc xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội thì chia sẻ: “Hiện nay xí nghiệp cũng như các doanh nghiệp vẫn đang họp bàn tìm cách tháo gỡ khó khăn. Trong thời điểm này, việc tăng giá cước ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến người dân nên cần tính toán thận trọng”.

Ông Hoàng thừa nhận, với mức tăng giá này cũng không phải tác động quá lớn đến chi phí đầu vào. Song từ lâu nay mọi chi phí khác tăng, các doanh nghiệp vận tải khách vẫn cố giữ giá. Giờ không tăng thì sẽ lỗ mà nếu tăng nhiều quá cũng dễ bị... hiểu lầm.

Về khả năng tăng giá cước, ông Hoàng cho rằng, nếu tăng có thể chỉ tăng thêm tối đa là 5% so với giá hiện tại. Tuy nhiên, nếu lộ trình tăng giá được cơ quan chức năng chấp thuận thì cũng phải 1 tuần nữa việc áp giá mới mới được thực hiện với mức tăng giá từ 2-5%.

Đại diện công ty CP vận tải Phương Trang ngày 8/3 cũng vừa thông tin, vào tuần tới, đơn vị này cũng sẽ tính toán lại giá cước vận chuyển 15 tuyến, bao gồm 10 tuyến về các tỉnh Miền Tây và Đồng Bằng Sông Cửu Long, 5 tuyến đi về Miền Trung. Mức tăng cụ thể sẽ được tính toán chi tiết, sau đó công bố rộng rãi trong tuần tới, với mức tăng thêm có thể từ 5 – 12% so với mức cước hiện tại. Các tuyến từ TP.HCM đi Nha Trang và Đà Lạt sẽ chắc chắn áp dụng theo mức giá cũ.

Còn tại 1  trong những bến xe quy mô lớn nhất Việt Nam, Phó GĐ Bến xe Miền Đông – ông Thượng Thanh Hải đã nói rằng cho tới hiện giờ, vẫn chưa có doanh nghiệp vận tải nào bán vé ở bến xe thông báo tăng giá vé. Lí do ông Hải đưa ra là do hiện giờ đang là giai đoạn thấp điểm của hành khách đi lại, nên các doanh nghiệp vận tải buộc phải có sự tính toán để tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa các đơn vị.

Các Công ty vận tải khác ở địa bàn TP.HCM cũng đều thông tin với VTC News rằng, giá cước chắc chắn sẽ tăng thêm khoảng từ 7 – 10%, vì với giá xăng tăng như hiện tại, chi phí cho mỗi chuyến hàng mà họ thực hiện đã phải tăng thêm khoảng 1 triệu đồng/chuyến.

Lê Việt - Việt Dũng

Bình luận
vtcnews.vn