• Zalo

Tận cùng nỗi khổ dân nuôi chồn nhung đen

Kinh tế Thứ Năm, 04/04/2013 06:41:00 +07:00Google News

(VTC News) – Nhiều hộ đang lâm vào cảnh nợ nần hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng vì bỏ vốn tham gia vào mô hình này.

(VTC News) – Những người dân nuôi chồn nhung đen theo mô hình của ông Đoàn Việt Châu đang như ngồi trên đống lửa khi không thể liên hệ được với ông Châu.

Như báo điện tử VTC News đã thông tin về mô hình nuôi chồn đa cấp của ông Đoàn Việt Châu, đến nay, mô hình nuôi chồn đã diễn ra đúng như lời cảnh báo, nhiều hộ nông dân nuôi chồn theo mô hình này đang như ngồi trên đống lửa vì chồn thì đã lớn, quá lứa để xuất, nhưng không thể liên lạc được với ông Châu.

Theo ghi nhận, nhiều hộ đang lâm vào cảnh nợ nần hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng vì bỏ vốn tham gia vào mô hình này.

Ám ảnh hi vọng mong manh

Trở lại xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc - một trong những địa phương tham gia mô hình nuôi chồn nhung đen đa cấp của ông Đoàn Việt Châu - những ngày đầu tháng 4/2013, chúng tôi không khỏi nghẹn lòng khi chứng kiến hoàn cảnh của những hộ gia đình tại đây.

Khu chuồng nuôi chồn nhung đen nhà anh Tư 

Vốn là một cán bộ công an xã thật thà, chân chất, ông Trịnh Xuân Trần ở thôn Vực Lựu, xã Minh Quang từ trước tới nay ông chỉ biết làm tốt công việc của xã, chứ chưa hề biết gì đến làm ăn kinh tế vì thế khái niệm “kinh doanh đa cấp” ông càng không hiểu gì.

Ông nghẹn lời khi chia sẻ với chúng tôi, chỉ làm chỉ đơn giản vì thấy trong làng có người làm và thấy thu nhập cũng ổn, nên gia đình ông cũng quyết định đầu tư theo.

Được biết, nhà ông Trần mua của ông Châu 15 cặp chồn nhung đen với giá 4 triệu đồng/cặp, tức là 60 triệu đồng/15 cặp. Để có được số tiền đầu tư này, ông Trần phải đi vay mượn bà con làng xóm và người thân.

Với hy vọng làm kinh tế sẽ giúp gia đình thoát nghèo đói, làm giàu một cách chính đáng, nên ông Trần nghĩ rằng, chỉ vài ba tháng khi số chồn sinh sôi nảy nở, ông sẽ trả lại được số tiền vay mượn. Ai ngờ, ước mơ làm giàu của ông lại nhanh chóng bị vỡ mộng.

 

Ở trên ti vi, trong chương trình “Nhà nông làm giàu”, người ta cũng khen việc chăn nuôi con này, nên tôi không ngần ngại đi vay mượn một số tiền lớn để đầu tư”.

Ông Trịnh Xuân Trần
 
Ông Trần buồn rầu kể: “Tôi có biết đây là kinh doanh đa cấp, là “lừa đảo” đâu, những người nông dân ở một xã nghèo như chúng tôi thì cứ thấy nhà khác làm rồi, thấy có lãi làm thôi.

Ở trong xã, không chỉ có mình nhà tôi nuôi, trước đó có ông Hùng, ông Tư, ông Thái cũng đã nuôi rồi. Thấy mô hình này phát triển, họ bán được tới 1 triệu/con, giống chồn này nuôi lại không quá vất vả, sinh đẻ lại nhanh.

Ở trên ti vi, trong chương trình “Nhà nông làm giàu”, người ta cũng khen việc chăn nuôi con này, nên tôi không ngần ngại đi vay mượn một số tiền lớn để đầu tư”.

Cũng theo ông Trần, ngoài số tiền 60 triệu đồng bỏ ra mua 15 cặp chồn bố mẹ, ông còn phải bỏ ra thêm 4 lồng sắt để nuôi. Mỗi chiếc lồng này có giá 2,2 triệu đồng/chiếc, tức là ông mất thêm gần chục triệu đồng để làm lồng sắt.

Trước Tết vài tháng, ông Trần xuất được hai lứa chồn con thu về 13 triệu đồng, từ đó đến nay đã hơn 2 tháng ông không bán được cho dù là một con, như vậy hiện tại ông vẫn đang lỗ khoảng 60 triệu đồng.

Cũng theo ông Trần, từ lâu lắm rồi, không thấy ông Châu đến thu mua chồn thương phẩm nữa. Ông Trần cũng không thể liên lạc được với ông Châu, cũng không biết hiện ông Châu đang ở đâu.

“Trước Tết tôi cũng đã thấy nghi ngờ là ông Châu “lừa” chúng tôi rồi, vì đàn chồn bố mẹ tôi mua đã đẻ ra trên ba chục con, đến tuổi xuất bán rồi nhưng năm lần bảy lượt gọi điện không thấy ông Đoàn Việt Châu tới thu mua”, ông Trần bức xúc nói.

Chỉ vào bản hợp đồng, ông Trần nói tiếp: “Thực tế là bây giờ chúng tôi đã có thể kiện ông Châu sai hợp đồng rồi vì trong hợp đồng ghi rõ là khi chồn được 4,6 – 4,7 lạng là phải mua, nhưng giờ có con đã 7 lạng, thậm chí đẻ rồi, nhưng vẫn chưa được thu mua.

Lý do ông Trần chưa ý kiến gì vì ông tin rằng ông Châu sẽ quay trở lại mua: “Tôi vẫn chờ xem cách thanh toán, cách mua của họ (ông Châu – PV) như thế nào?”.

Hiện theo ông Trần việc tiếp tục nuôi đàn chồn cũng khá tốn kém vì thức ăn cho chúng là cỏ voi, cám lợn con, ngô nghiền.

Vừa chỉ ra khu đất vốn là vườn mía, nay đã thành vườn cỏ voi, ông Trần giọng buồn buồn nói: “Mấy cái thức ăn này tưởng rẻ, nhưng mua cho cả một đàn chồn hàng chục con thì cũng tốn kém lắm, cùng với việc phải nghiền ngô, rất tốn công. Vườn mía nhà tôi cũng phải phá đi để trồng cỏ voi cho chồn ăn”.

Khu chuồng lợn bên cạnh khu nuôi chồn, ông Trần định để mua tiếp chồn về nuôi cũng đang bị bỏ không vì với ông Trần, ông đã bắt đầu “ngấm đòn” rồi, giờ có cho không, ông cũng không dám mang chồn về nuôi nữa.

“Nếu ông Châu không về mua, tôi đành bán thịt thôi. Chắc mỗi con chồn cũng được 100 – 200 nghìn đồng. Như vậy, cả đàn tính ra cũng chỉ được 4 – 6 triệu đồng. Nếu như vậy thì tôi lỗ nặng quá. Số nợ chưa biết sẽ trả thế nào”, ông Trần nhăn nhó nói.

Trước khi chia tay ông Trần để sang nhà một hộ gia đình nuôi chồn khác, ông Trần vẫn gọi với: “Chị đừng viết vội nhé, tôi vẫn muốn im lặng để xem ông Châu có về mua không?”.

Câu nói của ông - Ám ảnh chúng tôi mãi cả chuyến đi vì một hy vọng thật mong manh nhưng đó lại là tất cả gia sản của một người nông dân cả đời chỉ biết lao động, kiếm tiền chân chính. Nếu ông Châu không về mua, số tiền ông Trần đang nợ chưa biết đến bao giờ có thể trả hết?

Ở nhà xập xệ, nuôi trăm con chồn

So với ông Trần, gia đình anh Trương Văn Tư ở xóm Xạ Hương, xã Minh Quang còn bi đát hơn rất nhiều. Căn nhà cấp 4 xập xệ, không tường rào, nhưng vẫn đầu tư xây dựng một khu chuồng trại nuôi chồn với quy mô hàng nghìn con.

Chúng tôi đến nhà anh Tư, nhưng anh đi vắng, theo anh Long, một cán bộ ở xã Minh Quang, nhà anh Tư khó khăn lắm, để có tiền mua đàn chồn này thì anh phải đi vay nợ bà con và cả ngân hàng nữa.

 

Các hộ nuôi chồn nhung đen trong xã, ai cũng mong ông Châu, nhưng có nhà nào bán được đâu. Nhiều nhà lo lắng đến mất ăn mất ngủ, nợ nần chồng chất mà vẫn phải nuôi hy vọng ông Châu sẽ quay lại mua.

Ông Long, cán bộ xã
 
Anh Tư mua của ông Châu khoảng 50 cặp chồn để tham gia mô hình mất hơn 200 triệu đồng, mặc dù bán được tới 5 lứa chồn con nhưng anh thu lại chưa nổi 50 triệu nên vẫn lỗ hơn 150 triệu.

Từ sau Tết Quý Tỵ đến nay, anh Tư cũng chưa bán được con chồn nào, mặc dù trong chuồng hiện có tới trên dưới 90 chồn con đã quá tuổi xuất bán.

Cũng như hứa với ông Trần, ông Châu cũng nhiều lần hứa với nhà anh Tư là sẽ về mua chồn nhà anh. Khi nào về mua chồn nhà ông Hùng (đại diện mô hình Đoàn Việt Châu tại Tam Đảo) thì đến bắt luôn một thể.

Nhưng đến nay, vẫn không thấy tin tức gì của ông Châu. “Các hộ nuôi chồn nhung đen trong xã, ai cũng mong ông Châu, nhưng có nhà nào bán được đâu. Nhiều nhà lo lắng đến mất ăn mất ngủ, nợ nần chồng chất mà vẫn phải nuôi hy vọng ông Châu sẽ quay lại mua”, anh Long, cán bộ xã nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng ở thôn Tân Long, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, người thay mặt ông Đoàn Việt Châu quản lý, theo dõi tại địa bàn Vĩnh Phúc cho biết đã từ bỏ mô hình của ông Đoàn Việt Châu từ trước Tết.

Theo ông Hùng, so thấy lịch mua chồn của ông Châu thất thường, không đúng hẹn, nên ông Hùng quyết định dừng, không theo tiếp mô hình nữa.

“Số chồn còn lại của tôi sẽ đành để bán thịt cho các khách sạn, nhà nghỉ tại khu du lịch Tam Đảo, xem có gỡ được đồng vốn nào, hay đồng đó”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, chuồng trại nuôi chồn ông cũng đã tháo gỡ, chuẩn bị chuyển sang nuôi chim bồ câu.

Để tìm hiểu rõ sự việc, chúng tôi đã cố liên lạc với ông Đoàn Việt Châu theo cả 2 số điện thoại mà ông vẫn hay dùng, nhưng đều không có tín hiệu liên lạc.

Trong khi đó, theo thông tin từ một số người nuôi chồn tại Bắc Giang theo mô hình của ông Đoàn Việt Châu, hiện nay ông Đoàn Việt Châu đang cố gắng làm tất cả những gì có thể để phát triển thị trường phía Nam nhằm giải nguy cho thị trường miền Bắc và miền Trung nhưng xem ra khó có thể cứu vãn được tình hình.

Còn nữa…


Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn