• Zalo

Sự thật và hiểm họa nuôi chồn nhung đen

Kinh tếThứ Bảy, 15/12/2012 06:52:00 +07:00Google News

(VTC News) - Chi Cục kiểm lâm tỉnh Hòa Bình xác nhận số chồn nhung đen đang được bán ở Nghệ An không có giấy phép đăng ký, người bán đã thực hiện "chui".

(VTC News) - Chi Cục kiểm lâm tỉnh Hòa Bìnhxác nhận số chồn nhung đen đang được bán ở Nghệ An không có giấy phép đăng ký trong khi Cục Chăn nuôi Bộ NN&PTNT khẳng định chưa cấp phép cho việc nhập chồn nhung đen vào Việt Nam làm vật nuôi nông nghiệp.

Như VTC News thông tin, nhiều hộ dân ở xã Quỳnh Bá (huyện Quỳnh Lưu - tỉnh Nghệ An) đang tham gia mô hình nuôi chồn nhung đen. Số chồn nhung đen này được trại nuôi của ông Đoàn Việt Châu ở địa chỉ xóm Mỏ, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình cung cấp với giá 4 triệu đồng/cặp bố mẹ.

Sẽ không có gì đáng bàn nếu đường đi của những con chồn nhung đen này minh bạch và bản hợp đồng ký kết giữa người mua và người bán xuất hiện những điểm đáng ngờ. Trong đó, điểm quan trọng nhất là bao tiêu sản phẩm được nhà cung cấp giống cam kết sẽ thu mua nhưng lại không đề rõ ngày tháng cụ thể.


Cục kiểm lâm Hòa Bình: Chồn nhung ở Nghệ An có vấn đ

Sau khi nhận được phản ánh từ VTC News, ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng phòng quản lý bảo vệ rừng tỉnh Hòa Bình cho biết đã chỉ đạo cán bộ kiểm tra hồ sơ, xác minh số chồn nhung đen đang nuôi ở trang trại của ông Đoàn Việt Châu.

Mặc dù mới đăng ký chăn nuôi ngày 17/12/2012 nhưng ông Đoàn Minh Châu đã xuất bản cả sách hướng dẫn "kinh nghiệm"chăn nuôi
 

Tôi đã liên hệ với ông Châu và ông này thừa nhận có mang chồn vào Nghệ An bán nhưng không làm thủ tục, giấy tờ xác nhận, tự ý bán thốc, bán tháo vào Nghệ An.

Ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng phòng quản lý bảo vệ rừng tỉnh Hòa Bình 
 
Theo đó, đúng như bài báo mà VTC News đã thông tin, ngày 12/07/2012, Chi Cục kiểm lâm tỉnh Hòa Bình ký giấy chứng nhận đăng ký cho ông Đoàn Việt Châu nuôi 2 con nhím và 40 con chồn nhung đen có nguồn gốc từ Thái Nguyên. Từ đó cho đến nay, cơ quan này không cấp thêm giấy chứng nhận nào khác cho ông Đoàn Việt Châu.

"Tôi đã liên hệ với ông Châu và ông này thừa nhận có mang chồn vào Nghệ An bán nhưng không làm thủ tục, giấy tờ xác nhận, tự ý bán thốc, bán tháo vào Nghệ An. Chi Cục kiểm lâm tỉnh Hòa Bình sẽ vào cuộc kiểm tra về hoạt động nuôi cũng như mua bán của người này", ông Minh khẳng định.
"Trước đây ở Hòa Bình có thời điểm bán 6 triệu đồng/cặp chồn giống, hiện nay rẻ hơn và rất nhiều hộ dân đang tham gia nuôi. Tuy nhiên, thị trường rất ế ẩm, thịt thương phẩm bán ra chỉ 300 - 500 ngàn/con có trọng lượng 1,5kg. Người dân cần tỉnh táo cảnh giác vì trước đây cũng từng xảy ra tình trạng tương tự đối với nhím," ông Nguyễn Văn Minh cảnh báo thêm.

Bộ NN&PTNT: Không cấp phép chồn nhung 

Để làm rõ hơn về những điểm nghi vấn về nguồn gốc chồn cũng như sự thật trong những thông tin mà ông Đoàn Việt Châu "tung" ra cho bà con nông dân ở xã Quỳnh Bá (huyện Quỳnh Lưu - tỉnh Nghệ An) và các lãnh đạo phòng - ban Huyện, Sở, PV VTC News đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo  Cục Chăn nuôi Bộ NN&PTNT.

Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, chồn nhung đen thực chất có tên gọi là Guinea pig và khẳng định: "Chưa cấp phép cho việc nhập chồn nhung đen vào Việt Nam làm vật nuôi nông nghiệp".

Theo lời ông Giao, vào khoảng tháng 6 – 7/2006, Viện Chăn nuôi có đề xuất xin nhập một số con chồn nhung đen về Việt Nam với mục tiêu là khảo nghiệm, đánh giá, xem xét khả năng thích nghi và ảnh hưởng như thế nào đến môi trường với vật nuôi xung quanh.

Chồn nhung đen  đang được các hộ ồ ạt nuôi tại các tỉnh với kì vọng làm giàu
Đến tháng 12/2006, Viện Chăn nuôi vẫn chưa nhập được về và phải xin gia hạn đến tháng 3/2007. Sau đó, Viện Chăn nuôi được phép nhập khẩu 200 đôi chồn nhung đen giống bố mẹ (khoảng 400 con) từ cơ sở giống Công ty Hắc đồn Đạt Kim Sinh, huyện Hoành, thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc về nuôi khảo nghiệm tại Trạm Nghiên cứu đà điểu thuộc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội).

 

Chồn nhung đen người dân đang nuôi hiện nay chưa có tên trong danh sách các vật nuôi nông nghiệp, không rõ nguồn gốc và chưa có kết quả khảo nghiệm của các cơ quan chuyên môn báo cáo về Bộ NN&PTNT.
Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi
 
Tuy nhiên, đến nay, đã qua 71 tháng (gần 6 năm) kể từ ngày gia hạn nhập khẩu và qua 68 tháng hết hạn thời gian nhập khẩu, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, Viện Chăn nuôi chưa có báo cáo kết quả nhập khẩu và báo cáo kết quả nuôi khảo nghiệm gửi về Cục Chăn nuôi.


“Tôi khẳng định chồn nhung đen người dân đang nuôi hiện nay chưa có tên trong danh sách các vật nuôi nông nghiệp, không rõ nguồn gốc và chưa có kết quả khảo nghiệm của các cơ quan chuyên môn báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”, ông Giao nhấn mạnh.

Như vậy, đến nay loài động vật này vẫn chưa có căn cứ đánh giá mặt tích cực, cũng như tác hại của chồn nhung đen (lây lan dịch bệnh, sự phá hoại mùa màng), ngoài ra cũng chưa có căn cứ để kết luận về giá trị dinh dưỡng và chất lượng thịt của vật nuôi này.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên VTC News, tiến sỹ Võ Văn Sự, Viện chăn nuôi, lại cho rằng, chồn nhung đen đã được đưa vào Việt Nam từ thời Pháp thuộc. Trước đây, chồn nhung đen được dùng làm động vật nghiên cứu trong y học và cũng được xem là sinh vật cảnh.

Đến năm 2005, Hội đồng khoa học của Bộ Nông nghiệp phát triển và nông thôn đã phê duyệt cho Viện Chăn nuôi nhập giống này và năm 2007 chồn nhung đen chính thức được nhập vào nước ta, hoàn toàn hợp pháp và đã qua tất cả các khâu kiểm dịch.

Về sự mâu thuẫn này, Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định: “Nếu có thông tin là đã cấp chứng nhận thì Viện Chăn nuôi đã sai. Chúng tôi cũng đã gửi công văn yêu cầu Viện Chăn nuôi báo cáo cụ thể”.

Cũng theo ông Giao, để đề phòng các rủi ro và tác hại từ việc chăn nuôi chồn nhung đen, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tuyên truyền cho người dân hiểu được mặt tiêu cực từ việc tự phát nuôi chồn nhung đen khi chưa có kết quả khảo nghiệm của cơ quan chuyên môn là tiềm ẩn rủi ro, vì vậy chưa phát tán rộng rãi. Nhóm PV VTC News
Bình luận
vtcnews.vn