Với độ phủ ngày càng rộng khắp của hệ thống cung cấp nước máy, số lượng giếng khoan ở Việt Nam hiện nay chỉ còn một phần nhỏ so với vài chục năm trước. Tuy nhiên ở nhiều địa phương, bên cạnh nguồn nước máy sinh hoạt, một số gia đình vẫn duy trì giếng khoan cho nhiều mục đích, và cũng để phòng trường hợp không có nước máy.
Giếng khoan thường được đặt bên ngoài ngôi nhà và khoan sâu dưới lòng đất để lấy nước từ mạch nước ngầm.
Nước giếng khoan mát lạnh, nhưng màu sắc của nó có thể khiến nhiều người băn khoăn. Bên cạnh những giếng khoan cho dòng nước trong mát, nhiều trường hợp khác người sử dụng rất băn khoăn không hiểu tại sao nước giếng khoan có màu vàng và mùi tanh rất khó chịu.
Tại sao nước giếng khoan có màu vàng?
Trước đây, nguồn nước ngầm vẫn còn sạch nên chúng ta có thể trực tiếp sử dụng nước giếng đào, giếng khoan mà không cần có biện pháp xử lý trước. Tuy nhiên ngày nay, sự phát triển các ngành công nghiệp, hoạt động sản xuất nông nghiệp sử dụng nhiều hóa chất và hoạt động sinh hoạt thường ngày của con người đã khiến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây nên hiện tượng nước giếng khoan có màu vàng là sự ô nhiễm kim loại nặng ở mạch nước ngầm, cụ thể là ô nhiễm sắt.
Ion sắt trong nước giếng khoan thường tồn tại dưới dạng Fe2+ hoặc oxit sắt II không kết tủa. Chúng lơ lửng trong nước và khi nước tiếp xúc với không khí, ion sắt sẽ bị oxy hóa và kết tủa khiến nước có màu vàng và mùi tanh khó chịu.
Nước giếng khoan có màu vàng và mùi tanh không thể sử dụng trực tiếp trong sinh hoạt vì nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn làm hỏng các vật dụng, thiết bị trong nhà.
Nhận biết nước giếng bị nhiễm sắt
Nước giếng khoan nhiễm sắt khi mới bơm lên rất trong nhưng lại có mùi tanh nồng, sau khi tiếp xúc với không khí thì chuyển sang màu vàng hoặc nâu đỏ và có váng.
Nước nhiễm sắt có thành phần sắt 2 (Fe2+) cao nên có mùi tanh của sắt, khi nếm có vị chua chua.
Ngoài việc dựa vào màu sắc, mùi vị, bạn có thể áp dụng các phương pháp thử sau để nhận biết nước giếng khoan nhà mình có bị nhiễm sắt hay không.
- Thử với nhựa chuối: Cắt ngang thân cây chuối hoặc bẹ chuối, cho nước giếng khoan lên mặt lát cắt. Nếu phần cắt chuyển màu thì đó là nước nhiễm sắt. Nếu muốn biết kỹ nước nhiễm sắt nặng hay nhẹ, có thể lấy mủ chuối đổ vào thau nước. Thau nước càng đỏ đậm thì càng nhiễm sắt nặng.
- Thử với nước chè (trà): Bạn chỉ cần chuẩn bị một ấm chè ( trà) pha đặc rồi đổ vào thau nước, nếu nước chuyển sang màu tím sẫm nghĩa là tình trạng nhiễm sắt ở mức nặng.
Nước giếng khoan nhiễm sắt có hại gì?
Việc sử dụng nước giếng khoan nhiễm sắt chưa qua xử lý để tắm rửa, ăn uống, giặt giũ... có ảnh hưởng xấu như:
- Gây kích ứng, dị ứng da.
- Gây nhiễm trùng đường ruột, bệnh tiêu chảy cấp, về lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa.
- Gây sỏi thận, sỏi đường tiết niệu do chất độc tích tụ dần trong cơ thể.
- Làm hư hỏng cho các thiết bị trong gia đình như hoen gỉ, tắc đường ống bồn rửa, vòi sen, ấm đun nước… Việc nước giếng khoan nhiễm sắt gây hoen gỉ đường ống, làm rò rỉ nước cũng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập nguồn nước dễ dàng hơn.
- Làm quần áo thường bị ố vàng, tiêu tốn nhiều xà phòng nhưng khó giặt sạch.
Bình luận