• Zalo

Vi khuẩn 'đục' tay sau khi dùng nước bẩn

Sức khỏeThứ Ba, 15/07/2014 11:10:00 +07:00 Google News

Nhiều trường hợp nhiễm trùng liên quan tới vi khuẩn Aeromonas Hydrophila dẫn đến tử vong.

Kể từ năm 2012 tới nay Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận hơn 11 trường hợp nhiễm trùng liên quan tới vi khuẩn Aeromonas Hydrophila và đã có 7 trường hợp tử vong.


Trong đó, phần lớn các trường hợp có kết quả cấy dịch tổn thương và/hoặc cấy máu thấy mọc vi khuẩn Aeromonas Hydrophila, có tới 8 trường hợp có cơ địa suy giảm miễn dịch (xơ gan, nhiễm HIV…). Có 4 trường hợp có yếu tố phơi nhiễm rõ ràng.

Hình ảnh sưng nề và hoại tử cẳng bàn tay phải do nhiễm trùng vi khuẩn Aeromonas Hydrophila của bệnh nhân P.V.T (nam, 40 tuổi, địa chỉ ở Thái Bình). 
1 bệnh nhân lội cống nước thải, 1 bệnh nhân có làm việc ở khu vực nước ngâm bè tre nứa, 1 bệnh nhân bị ngạch cá làm rách da và có ăn hàu sống, và một bệnh nhân bị ong đốt bàn tay và rửa tổn thưởng bàn tay trong mương nước bẩn.


Gần đây nhất (4/7/2014) Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận bệnh nhân N.H.V (nam, 45 tuổi, địa chỉ ở Hà Nội) trong tình trạng sốc nhiễm trùng nhiễm độc, rối loạn chức năng cơ quan (suy thận), rối loạn đông máu nặng.

Hai cẳng chân, bàn và cẳng tay phải sưng nề và hoại tử. Trước đó 3 ngày bệnh nhân bị ong đốt vào mu bàn tay phải và đã rửa vết thương bàn tay dưới mương nước bẩn. Sau 3 ngày thì xuất hiện sưng nề mu bàn tay phải và có sốt nhẹ. Ngày hôm sau xuất hiện đau nhức 2 bắp chân và khớp gối.

Điều trị tại bệnh viện địa phương 1 ngày thì tổn thương sưng nề bắp chân 2 bên tiến triển nhanh, da chuyển mầu xanh tím và hoại tử. Bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc nhiễm trùng nhiễm độc nặng. Sau đó được chuyển tới Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị. Hiện đang chờ kết quả cấy dịch tổn thương và cấy máu tìm vi khuẩn.


Trước đó, ngày 22/5/2014 bệnh nhân P.X.T (nam, 35 tuổi, địa chỉ ở Bắc Giang) bị vết xước ở mu bàn chân P, sau đó đi lội nước bẩn, 4 ngày sau xuất hiện sưng nề vùng bàn và cằng chân P, bệnh diễn biến nhanh thành hoại tử toàn bộ cằng chân P, và có nhiều vùng sưng nề hoại tử khác trên cơ thể.

Bệnh nhân nhanh chóng đi vào tình trạng sốc nhiễm trùng nhiễm độc nặng, suy thận, rối loạn đông máu. Cấy máu thấy mọc vi khuẩn Aeromonas Hydrophila. Bệnh nhân được điều trị 6 ngày tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương nhưng không thoát sốc. Gia đình xin ngừng điều trị đưa bệnh nhân về nhà.


Cùng kỳ năm ngoái, bệnh nhân P.V.T (nam, 40 tuổi, địa chỉ ở Thái Bình) được chuyển đến Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 12/04/2013. Trước vào viện 4 ngày, bệnh nhân đi bắt cá bị ngạch cá đâm vào mu bàn tay phải (đã lấy được ngạch cá ra) và ăn hàu sống.
 Sau 1 ngày, mu bàn tay phải sưng nề, nóng, đỏ, và bệnh nhân có sốt nhẹ. Ngày thứ 2 sốt cao hơn, tổn thương sưng nề lan lên cánh tay, và bắp chân 2 bên cũng sưng và đau nhức nhiều.

Ngày thứ 3 sau khi bị ngạch cá đâm, bệnh nhân có biểu hiện li bì, các tổn thưng sưng nề bắp chân 2 bên có biểu hiện xanh tím. Vào bệnh viện địa phương trong tình trạng sốc nhiễm trùng nhiễm độc, có hoại tử da và nhiều phỏng nước trên các vùng tổn thương sưng nề.

Bệnh nhân P.V.T đã được điều trị hồi sức tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương 45 ngày bằng thở máy, thuốc co mạch (nâng huyết áp), thuốc kháng sinh, lọc máu liên tục và cắt lọc tổ chức hoại tử nhiều lần. Sau khi hồi phục, bệnh nhân được chuyển tới Viện Bỏng Quốc gia để vá da.


Kinh nghiệm chẩn đoán lâm sàng ban đầu

Bên cạnh nhiễm trùng nặng liên quan tới vi khuẩn Aeromonas Hydrophila, trong những năm gần đây cũng xuất hiện các nhiễm trùng nặng liên quan tới vi khuẩn Streptococcus suis (liên cầu lợn) với đặc điểm bệnh rất giống với nhiễm trùng liên quan tới Aeromonas Hydrophila.

Nhưng 2 loại nhiễm trùng này lại có cách xử trí khác nhau. Trong khi kết quả cấy dịch tổn thương và/hoặc cấy máu không phải lúc nào cũng có thể có ngay hoặc cho kết quả dương tính. Vì vậy, để có định hướng chẩn đoán đúng và tránh để lại di chứng nặng nề, thậm chí tử vong do điều trị muộn và/hoặc sai hướng.


Viêm cân mạc hoại tử là gì?

Viêm cân mạc hoại tử (necrotizing fasciitis) là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây lên. Nó có thể phá hủy da, chất béo và các mô bao phủ cơ trong một thời gian rất ngắn.

Bệnh đôi khi còn được gọi là “vi khuẩn ăn thịt”. Khi bệnh xảy ra trên bộ phận sinh dục, nó còn được gọi là hoại tử Fournier. Nặng hơn, vi khuẩn (đặc biệt là Aeromonas Hydrophila) có thể gây viêm cân mạc hoại tử và hoại tử cơ (myonecrosis).


Viêm cân mạc hoại tử ít gặp nhưng nghiêm trọng. Tỷ lệ tử vong do bệnh nhiễm trùng này rất cao. Nhiều người vẫn bị mắc viêm cân mạc hoại tử ngay cả khi có sức khỏe tốt trước khi nhiễm bệnh.

Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng này cao hơn nếu:
- Có hệ thống miễn dịch yếu
- Có các vấn đề về sức khỏe mạn tính như: đái tháo đường, ung thư, hoặc bệnh lý gan hoặc thận
- Có vết đứt tay trên da, bao gồm cả những vết thương do phẫu thuật
- Mới mắc thủy đậu hoặc nhiễm các vi-rút khác gây phát ban
- Sử dụng thuốc steroid, nó có thể làm giảm sức đề kháng của cơ thể với nhiễm trùng.

Nguyên nhân nào gây viêm cân mạc hoại tử?

Viêm cân mạc hoại tử gây ra bởi nhiều loại vi khuẩn. Một số trong các loại vi khuẩn này cũng có thể gây ra các bệnh nhiễm trùng khác như viêm họng do liên cầu và nhiễm trùng da (bệnh chốc lở). Thông thường các bệnh nhiễm trùng do các vi khuẩn này đều nhẹ.

Nhưng trong một số trường hợp ít gặp có thể gây bệnh nhiễm trùng nguy hiểm hơn, đặc biệt vi khuẩn Aeromonas Hydrophila có thể gây nhiễm trùng rất nặng (viêm cân mạc hoại tử và hoại tử cơ).


Bạn có thể mắc bệnh viêm cân mạc hoại tử khi vi khuẩn xâm nhập vết thương, ví dụ như từ vết đốt của côn trùng, bỏng, hoặc vết cắt trên da. Bạn cũng có thể mắc bệnh trong hoàn cảnh:

- Vết thương tiếp xúc với nước biển, cá nước mặn, hoặc hàu sống, bao gồm cả những tổn thương từ việc xử lý các động vật biển như cua.

- Vị trí phẫu thuật đường tiêu hóa, hoặc trong các khối u, hoặc tổn thương đường tiêu hóa do đạn bắn.
- Căng cơ hoặc bầm tím, ngay cả khi không có rách da.

Vi khuẩn gây viêm cân mạc hoại tử có thể lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc gần, chẳng hạn như chạm vào vết thương của người bị nhiễm. Nhưng trường hợp này ít khi xảy ra trừ khi người có vết thương hở bị phơi nhiễm hoặc tiếp xúc với vi khuẩn, hoặc người phơi nhiễm bị thủy đậu, hoặc hệ thống miễn dịch bị tổn thương.

Các triệu chứng là gì?

Các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột sau một tổn thương. Bạn có thể cần được chăm sóc y tế ngay lập tức nếu thấy cảm giác đau tại tổn thương đang hoặc đã cải thiện qua 24 – 36 giờ, nhưng sau đó đột ngột đau tăng trở lại và trở lên tồi tệ hơn. Đau có thể tồi tệ hơn nhiều so với kích thước hoặc phạm vi của vết thương hoặc tổn thương. Bạn cũng có thể có các triệu chứng sau:

- Da đỏ, sưng nề, và cảm giác nóng khi chạm vào tại tỏn thương
- Sốt và gai rét
- Buồn nôn và nôn
- Tiêu chảy

Nhiễm trùng có thể lan rất nhanh. Nó có thể nhanh chóng đe dọa tính mạng. Bạn có thể rơi vào tình trạng sốc nhiễm trùng nhiễm độc và có tổn thương da, lớp mỡ dưới da, và các mô bao phủ quanh cơ (tổn thương này được gọi là hoại tử), hoặc thậm chí có hoại tử cơ. Viêm cân mạc hoại tử có thể dẫn tới suy tạng và tử vong.

Viêm cân mạc hoại tử được chẩn đoán như thế nào?

Bác sĩ sẽ chẩn đoán nhiễm trùng của bạn dựa trên triệu chứng xuất hiện đột ngột như thế nào và nhiễm trùng lan nhanh ra sao. Mô nhiễm khuẩn có thể được lấy để làm xét nghiệm cấy (phân lập) vi khuẩn.

Bạn cũng có thể cần chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để tìm kiếm các tổn thương cơ quan hoặc để tìm hiểu cũng như đánh giá nhiễm trùng đã lan rộng tới mức độ nào.


Bệnh được điều trị như thế nào?

Việc điều trị sớm viêm cân mạc hoại tử rất quan trọng. Điều trị càng sớm thì khả năng hồi phục và tránh được các biến chứng nghiêm trọng như cắt cụt chi hoặc tử vong càng cao. Bạn có thể được điều trị tại các khoa cấp cứu, khoa hồi sức bệnh truyền nhiễm, hoặc các khoa hồi sức tích cực khác trong bệnh viện.

Các biện pháp điều trị bao gồm:

- Phẫu thuật (cắt lọc) để loại bỏ các mô và dịch bị nhiễm khuẩn nhằm ngăn chặn sự lan truyền của nhiễm trùng. Phẫu thuật hầu như luôn luôn cần thiết. Hầu hết bệnh nhân cần một vài lần phẫu thuật để kiểm soát nhiễm trùng. Cắt cụt chi hoặc cắt bỏ tạng có thể được thực hiện để cứu sống bệnh nhân, tùy thuộc vào mức độ nặng của nhiễm trùng và nhiễm trùng đã lan rộng tới đâu.

- Điều trị thuốc (kháng sinh): thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn gây ra nhiễm trùng
- Các biện pháp hồi sức để điều trị biến chứng như sốc nhiễm độc, suy hô hấp, và suy cơ quan
- Liệu pháp oxy cao áp: liệu pháp này có thể giúp ngăn chặn tổn thưởng/hủy hoại mô và thúc đẩy việc lành bệnh

Có thể áp dụng các biện pháp dự phòng nào nếu bạn ở gần người mắc bệnh hoặc bạn có yếu tố nguy cơ mắc bệnh?

Viêm cân mạc hoại tử rất hiếm. Vi khuẩn gây bệnh thường không gây nhiễm trùng trừ khi chúng xâm nhập vào cơ thể qua vết cắt hoặc các tổn thương rách da khác.

Nếu bạn đã tiếp xúc gần với người bị viêm cân mạc hoại tử, bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh cho bạn để giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng. Nếu bạn nhận thấy bất cứ dấu hiệu nhiễm trùng nào (như đau, sưng nề, đỏ, hoặc sốt) sau khi tiếp xúc gần với người bị viêm cân mạc hoại tử, hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức.

Để giúp ngăn ngừa bất cứ loại nhiễm trùng nào, hãy rửa tay thường xuyên. Và luôn giữ gìn các vết thương trên da như vết cắt, vết xước, vết bỏng, vết loét, và vết đốt… được sạch sẽ.

» Ăn tiết canh dê, doanh nhân suýt mất mạng
» Ăn tiết canh lợn: Sướng một lần, mất một đời
» Tiết canh vịt trộn … phân, quý ông thi nhau chén
» Tết ăn tiết canh: Người chết, người cắt chân

ThS. BS. Lương Quốc Chính

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai/Từ Bacsinoitru
Bình luận
vtcnews.vn