• Zalo

Sự thật việc nhân viên bệnh viện Việt Đức bị 'tố' coi thường người nhà nạn nhân

Sức khỏeThứ Sáu, 01/07/2016 14:07:00 +07:00Google News

Người nhà bệnh nhân bị tai nạn xe đã lên facebook Bộ trưởng Bộ Y tế 'tố' nhân viên bệnh viện Việt Đức coi thường bệnh nhân, Phó giám đốc bệnh viện này cũng đã có phản hồi.

Mới đây, trên fanpage của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến xuất hiện ý kiến của anh Nguyễn Cường (người nhà bệnh nhân) bày tỏ bức xúc trước quy trình cấp cứu bệnh nhân nhập viện và thái độ coi thường người bệnh của nhân viên bệnh viện Việt Đức.

Theo lời anh Cường, đêm 24/6, anh đưa người nhà là Nguyễn Mạnh Hoàng (34 tuổi, ở Hà Nội) vào bệnh viện Việt Đức cấp cứu do bị tai nạn, ngã xe,

Tuy nhiên, thay vì được các y bác sỹ cấp cứu ngay, thì anh phải ngồi đợi đến 3 người ra hỏi "Có làm sao không?" và yêu cầu ngồi đợi các kết quả chụp X quang, chụp CT và hội chẩn rất lâu. Thậm chí một nhân viên y tế còn có thái độ, mà theo anh Cường là "lấc cấc",

fb

Phản ánh của anh Nguyễn Cường trên fb  Bộ trưởng Tiến.

Sau thông tin ban đầu anh Nguyễn Cường cung cấp, Bộ trưởng Bộ Y tế đã hỏi cặn kẽ cụ thể thông tin từ phía anh Cường để cùng các cộng sự phối hợp giải quyết. 

Trước phản ánh này, Bệnh viện Việt Đức cho biết, ngay sau khi nhận được công văn của Bộ Y tế, Bệnh viện đã tổ chức cuộc họp vào 8h sáng 29/6 dưới sự chủ trì của GS. TS Trịnh Hồng Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện với các phòng ban liên quan.

PGS Sơn cho biết, bệnh nhân Nguyễn Mạnh Hoàng 34 tuổi (nghề nghiệp công nhân – địa chỉ Lĩnh Nam, Thanh Trì, Hà Nội) đến khám vì bị thương sau tai nạn giao thông, được đón tiếp vào lúc 23h45 ngày 24/6/2016 trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, không liệt, xây xát vùng mặt, đau đầu. Bệnh nhân đã được 3 bác sỹ thăm khám, hỏi nguyên nhân vào viện, thăm khám tri giác...

Sau các bước thăm khám ban đầu, bệnh nhân Hoàng được bác sỹ trong kíp trực chỉ định chụp cắt lớp vi tính sọ não, hàm mặt, X quang bàn tay phải, X quang cột sống thắt lưng cột sống thẳng nghiêng để loại trừ các tổn thương có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân.

bvvduc

 Nhiều ca cấp cứu nặng cần được ưu tiên trước, nên lãnh đạo BV luôn mong bệnh nhân thông cảm.

Ngay khi làm xong các thủ tục này, bệnh nhân được nhân viên vận chuyển về phòng cấp cứu, tiếp tục theo dõi các chỉ số sinh tồn, tri giác và các chỉ số khác… Khoảng hơn 2 giờ sau có kết quả phim chụp cắt lớp vi tính cho biết chưa thấy hình ảnh tổn thương sọ não, hàm mặt. Kết quả chụp X quang có tổn thương đốt ngón tay II, ngón V bàn tay phải. Bác sỹ kíp trực đã chỉ định bó bột cẳng tay, sau đó chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Thanh Nhàn với đề nghị theo dõi chấn thương sọ não, chấn thương hàm mặt.

Như vậy, trong khoảng 2 giờ từ khi vào bệnh viện, bệnh nhân đã được đưa đi chụp cắt lớp vi tính, X-quang, theo dõi các chỉ số sinh tồn, tri giác… Dù được bác sĩ chỉ định bó bột nhưng bệnh nhân Nguyễn Mạnh Hoàng không đến bó bột theo chỉ định.

Trước đó, có thể do người nhà bệnh nhân lo lắng, không hiểu chuyên môn nên đã có lời nói thô bạo, gây mất trật tự bệnh viện... Nhân viên bệnh viện cũng đã xin lỗi và hướng dẫn bệnh nhân và người nhà theo đúng quy trình của bệnh viện.

Với trường hợp bệnh nhân Nguyễn Mạnh Hoàng, GS Trịnh Hồng Sơn cho biết, kíp trực đã làm theo đúng chỉ định về chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm trong quá trình chẩn đoán, theo dõi và điều trị cho người bệnh.

CapcuuVietDuc

Tại phòng cấp cứu BV Việt Đức.

Việc phản ánh của người nhà bệnh nhân qua facebook của Bộ trưởng Bộ Y tế là sự hiểu lầm không chính xác của người nhà bệnh nhân. Dù vậy, Bệnh viện sẽ tiếp tục phổ biến việc thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ đối với người bệnh cho nhân viên bệnh viện để phục vụ người bệnh được tốt hơn.

Theo bệnh viện Việt  Đức, thì đây là đơn vị ngoại khoa tuyến cuối, thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân nặng.

Để đảm bảo tính mạng của bệnh nhân, kíp trực cấp cứu thường dựa trên quá trình thăm khám, đánh giá bệnh nhân ở các mức độ nặng, nhẹ, bệnh lý, độ tuổi, yêu cầu gây mê và trên nguyên tắc ưu tiên người già, yếu, trẻ em… để có thái độ xử trí, sắp xếp thứ tự phù hợp.

Bệnh viện Việt Đức cũng cho biết về quy trình tiếp nhận bệnh nhân tại phòng chụp cấp cứu là bệnh nhân được nhân viên vận chuyển đến phòng chụp, tại đây nhân viên chẩn đoán hình ảnh nhận phiếu chỉ định chụp và chụp theo thứ tự từ trước đến sau, riêng bệnh nhân nặng được ưu tiên trước.

Sau khi chụp, kết quả sẽ được bác sĩ đọc trong vòng 30 phút và được nhân viên chuyển chuyển về phòng cấp cứu, người nhà bệnh nhân không phải tự lấy kết quả.

Video: Đang cấp cứu trong viện bị côn đồ chém tới tấp.

Nam Anh
Bình luận
vtcnews.vn