Tại thị trường Việt Nam, Fahasa và Phương Nam là hai nhà sách có quy mô lớn nhất với hàng chục cửa hàng sách trên cả nước. Hai nhà sách này thuộc sở hữu và vận hành của Công ty cổ phần Phát hành sách TP.HCM và Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam (mã chứng khoán PNC).
Cuộc đua nhà sách lớn nhất cả nướcTrong năm 2017 vừa qua, Fahasa cho biết đơn vị đã khai trương thêm 10 nhà sách mới tại các tỉnh thành như Tây Ninh, Trà Vinh, Cà Mau, Cam Ranh – Khánh Hòa… nâng tổng số nhà sách đạt trên 100 cửa hàng, lớn nhất cả nước. Tính đến cuối tháng 3/2018, Fahasa có tổng cộng 102 nhà sách tại 44 tỉnh thành với hơn 2.500 nhân viên. 100% các tỉnh miền Tây Nam bộ và các tỉnh miền Trung đều đã có mặt của đơn vị này.
Trong khi đó, với hàng chục cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc cùng hệ thống cửa hàng book cafe, nhà sách Phương Nam là một trong số những đơn vị cung cấp đầu sách lớn tại Việt Nam cùng với Fahasa. Riêng năm 2017, đơn vị này cũng đã mở mới thêm 11 nhà sách mới tại Vincom Yên Bái, Royal City Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Long…
Đây cũng là 2 đơn vị có doanh thu bán sách lớn nhất cả nước. Năm vừa qua, Fahasa đã thu về tổng cộng 2.737 tỷ đồng doanh thu, tăng 337 tỷ, tương đương 14% so với năm 2016 và vượt 7% kế hoạch cả năm. Đây cũng là con số tăng trưởng cao nhất trong 5 năm gần đây của doanh nghiệp này.
Doanh thu hàng năm của Phương Nam cũng đạt trên dưới 500 tỷ đồng, con số rất ít nhà sách có thể đạt được hàng năm. Đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong đó là doanh thu từ sách và văn hóa phẩm tổng hợp.
Hai số phận trái ngượcDoanh thu cùng tăng trưởng mạnh hàng năm, nhưng lợi nhuận của Fahasa và Phương Nam lại trái ngược với nhau.
Cụ thể, năm 2017, với doanh thu mỗi ngày đạt gần 7,5 tỷ đồng, Nhà sách Fahasa ghi nhận 603 tỷ lợi nhuận gộp, tương đương biên lợi nhuận trên 22%. Nhưng việc duy trì hệ thống 102 cửa hàng đã khiến chi phí bán hàng của nhà sách này tăng cao, lên tới 529 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng là 62 tỷ... Kết quả, Fahasa chỉ ghi nhận 26 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 13% so với năm trước.
Trong nhiều năm trước đó, doanh thu của nhà sách lớn nhất TP.HCM đều đạt trên dưới 2.000 tỷ đồng và mang về cho công ty mẹ hàng chục tỷ đồng lãi ròng. Hiện, tỷ lệ sinh lời trên vốn điều lệ của công ty vào khoảng 24%.
Năm nay, Fahasa dự kiến doanh thu dta5 2.900 tỷ đồng và 27,5 tỷ đồng lợi nhuận, cùng tăng 6% so với thực hiện năm 2017.
Còn tại Phương Nam, trong khi doanh thu vẫn tăng trưởng đều đặn hàng năm thì chi phí vận hành, quản lý doanh nghiệp, mà chủ yếu là chi phí lãi vay, đang "bào mòn" lợi nhuận.
Năm 2017, nhà sách này ghi nhận 606 tỷ đồng doanh thu, tăng 12% so với năm trước và lợi nhuận gộp đạt 178 tỷ đồng tăng 9%, hệ số biên lợi nhuận gộp trên 22%. Nhưng chi phí bán hàng tăng đột biến lên 200 tỷ, chủ yếu là chi phí nhân viên và chi phí dịch vụ mua ngoài, cộng với hơn 44 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp và lãi vay đã trừ thẳng vào lợi nhuận.
Kết quả, doanh thu tăng nhưng Phương Nam phải báo lỗ trước thuế hơn 67 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước công ty lãi 3,5 tỷ đồng). Đây cũng là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử kinh doanh của nhà sách này.
Trong quý I/2018, Phương Nam cũng ghi nhận doanh thu tăng 28%, đạt 157 tỷ đồng, nhưng tiếp tục lỗ trước thuế 1,6 tỷ đồng. Hiện lỗ lũy kế công ty đã lên tới 108 tỷ, trong khi vốn điều lệ là 110,4 tỷ đồng.
Tình hình tài chính khó khăn với khoản nợ vay ngắn hạn đến cuối quý I tới 159 tỷ, Phương Nam đã trình cổ đông kế hoạch tăng vốn lên 300 tỷ đồng để lấy tiền trả nợ. Tuy nhiên, kế hoach này cổ đông không thông qua, buộc Phương Nam phải chuyển nhượng một phần vốn nắm giữ tại Công ty CJ CGV Việt Nam (doanh nghiệp quản lý và vận hành cụm rạp chiếu phim lớn nhất tại Việt Nam) để lấy tiền trả nợ.
Giá trị chuyển nhượng dự kiến 160 tỷ đồng, sẽ được Phương Nam ưu tiên thanh toán khoản nợ cho đối tác CJI, bao gồm cả nợ gốc và một phần nợ lãi sẽ đến hạn vào ngày 30/6 tới đây.
Theo kế hoạch, năm 2018, nhà sách này dự kiến thu về 800 tỷ đồng doanh thu tăng 32% so với năm qua và đạt 20 tỷ đồng lãi trước thuế, để chấm dứt tình trạng lỗ ròng thời gian qua.
Bình luận