• Zalo

Sao lại bỏ Hội đồng nhân dân cấp quận, phường?

Thời sựThứ Hai, 24/11/2014 01:47:00 +07:00Google News

(VTC News) – Nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra băn khoăn khi dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương giữ đề xuất bỏ Hội đồng nhân dân cấp quận, phường.

(VTC News) – Nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra băn khoăn khi dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương giữ đề xuất bỏ Hội đồng nhân dân cấp quận, phường.

Sáng 24/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần cân nhắc thận trọng về mô hình tổ chức để phù hợp đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn - Nam Định
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) 
Các đại biểu cũng cho rằng dự thảo Luật phải làm rõ mối quan hệ giữa Hội đồng nhân dân (HÐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) cùng cấp để thể hiện sự gắn kết, thống nhất giữa các cơ quan này dưới một hình thức mới là cấp chính quyền địa phương.

Ðồng thời, dự thảo Luật phải làm rõ sự khác biệt về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở mỗi địa bàn khác nhau.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng Luật tổ chức chính quyền địa phương thực chất là luật HĐND, UBND hiện hành và có bổ sung.

“Đã là chính quyền thì phải có cả HĐND, UBND. Điều đó toát lên tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Không có chuyện chỉ có UBND mà không có HĐND”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn nói.

 

Tất cả các nước đều làm, nước nào trước đây không có HĐND đều chuẩn bị thành lập, trong khi đó, chúng ta lại bỏ đi?
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn
 
Ông Sơn cũng cho rằng vừa qua việc thí điểm không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường là “khá lạ”.

“Hội đồng nhân dân là cơ quan dân cử đại diện cho nhân dân ở địa phương, là thành quả của nền dân chủ. Tất cả các nước đều làm, nước nào trước đây không có HĐND đều chuẩn bị thành lập, trong khi đó, chúng ta lại bỏ đi?”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn băn khoăn đặt câu hỏi.

Vì vậy, ông Sơn cho rằng cần sớm chấm dứt việc thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, phường. Ông Sơn cũng thừa nhận thực tế ở một số nơi, vai trò của HĐND còn nhạt nhòa, chưa phát huy được hết năng lực được giao.

Tuy nhiên, để phát huy được vai trò của HĐND cấp quận, cấp phường, ông Sơn cho rằng “cần quy định cụ thể HĐND cấp quận làm gì, HĐND phường làm gì. Như thế sẽ rõ ra và hiệu quả”.


Cũng có cùng quan điểm này, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nhận thấy trong dự thảo Luật chưa lý giải vì sao không tổ chức HĐND ở quận, phường.


“Nơi có HĐND thì UBND chịu trách nhiệm trước HĐND, còn nơi không có HĐND thì UBND chỉ chịu trách nhiệm trước cơ quan hành chính cấp trên, từ đó gây ra nhiều khó khăn phức tạp trong việc thực hiện các chính sách pháp luật”, đại biểu Thúy nêu quan điểm.

Trong khi đó, đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) cho rằng cần tổ chức HĐND ở tất cả các cấp vì là đây cơ quan quyền lực đại diện cho nhân dân ở địa phương; giám sát thực hiện pháp luật tại địa phương. Nhiều nước đều đề cao quyền giám sát của nhân dân tại địa phương.
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) - Ảnh: Việt Dũng 
Có cùng quan điểm này, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) lý giải Hiến pháp năm 2013 quy định chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính. Vì vậy, mô hình nông thôn, biên giới hải đảo đều phải có UBND và HĐND.

“Cần tuân thủ Hiến pháp mới vì HĐND và UBND tồn tại khi có bộ máy chính quyền địa phương. Nhân dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của mình thông qua các cơ quan dân cử đại diện cho dân như Quốc hội, HĐND”, đại biểu Danh Út kiến nghị.

Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) cũng nêu quan điểm ở đâu có chính quyền thì nơi đó phải có kiểm soát quyền lực. Vì vậy, HĐND phải được tổ chức ở tất cả các cấp. 

Quan điểm này cũng được đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), đại biểu Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cùng nhiều đại biểu khác ủng hộ.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn