Cái nóng, cái oi bức thường khiến mọi người có nhu cầu giải khát cấp tốc. Cốc nước đá vỉa hè tạt vào uống ngay là cách mà mọi người thường làm. Ít ai ngờ nguy cơ mắc bệnh từ đá tinh khiết lại vô cùng lớn.
Vài năm trở lại đây, cứ bắt đầu chớm hè, trên nhiều tuyến phố của Hà Nội lại mọc lên những quán “nước mía sạch”. Vẫn chỉ một chiếc máy ép mía, một vài cây mía đã tước bớt vỏ, ly cốc và vài bộ bàn ghế nhựa... Thế nhưng các quán vỉa hè này vẫn thu hút được rất đông khách hàng.
Theo lý giải của nhiều người, giá cả và chất lượng không phải là tiêu chí để đánh giá nước mía sạch. Mà tiêu chí hàng đầu chính là đá sạch. Cảm quan mà nói, những viên đá trong suốt, hình viên, hình ống khi được thả vào cốc nước mía khiến cho cốc nước giải khát có sự hấp dẫn khó cưỡng, nhất là trong cái nắng oi ả của mùa hè.
Do vậy, thay vì đá cây, đá bào... đá tinh khiết hay còn gọi là đá sạch đang trở thành mặt hàng đắt khách khi dùng để giải khát. Người tiêu dùng yên tâm vì tên gọi đã đành, mặt hàng này lại có giá khá rẻ, chỉ từ 5.000 đồng đến 6.000 đồng một túi 5 kg.
Nhưng sự tinh khiết hay sạch như cái tên gọi đó chỉ là cảm quan của khách hàng và khẳng định của người sản xuất chứ chưa có một cơ sở gì để khẳng định đá tinh khiết là đá sạch. Trên địa bàn Hà Nội, các cơ sở sản xuất đá sạch nằm rải rác ở cả nội và ngoại thành.
Do nhu cầu về mặt bằng không lớn nên các cơ sở thường đặt trong các ngõ nhỏ hoặc tại các thôn, xóm. Tại một số xưởng trong nội thành, hầu hết các cơ sở sản xuất đều chỉ rộng khoảng hai chục mét vuông.
Các xưởng nằm ở ngoại thành thì có diện tích lớn hơn. Nhưng dù lớn hay nhỏ thì các xưởng sản xuất này đều tuân thủ một quy trình làm đá sạch mà nếu được tận mắt chứng kiến thì bất kỳ người tiêu dùng nào cũng rùng mình trước khái niệm “đá sạch”.
Các cơ sở sản xuất dù ở nội hay ngoại thành hầu hết đều được đặt ở những nơi mất vệ sinh như ngõ nhỏ, ven đường, ven những con mương nước. Như xưởng làm nước tinh khiết ở thôn Trung Văn, huyện Từ Liêm thành phố Hà Nội là ví dụ. Xưởng được đặt bên cạnh một con mương đen ngòm, bốc mùi hôi hám; bao tải để vận chuyển đá được phơi ngay lề đường.
Cơ sở sản xuất chỉ được xây dựng tạm bợ bằng tôn, nền nhà đổ xi măng luôn trong tình trạng ẩm ướt, lệt xệt đất cát. Điều đáng nói nhất là nguồn nước. Nước lấy để làm đá tinh khiết được lấy từ giếng khoan của xưởng và được bơm thẳng vào máy làm đá mà không qua hệ thống lọc thẩm thấu ngược và diệt vi khuẩn bằng tia cực tím – một trong những tiêu chuẩn bắt buộc trong quy trình sản xuất đá tinh khiết.
Theo nhân công của xưởng thì trong máy bơm cũng có sẵn bộ lọc, một năm thay từ 2 đến 3 lần muối sinh học, nhưng cũng chẳng ai dám khẳng định có đúng là muối sinh học hay là muối thường. Nhân công tại xưởng không được trang bị các thiết bị bảo hộ thiết yếu như quần áo lao động, găng tay.
Công đoạn đóng đá sau khi ra lò cũng được làm hoàn toàn thủ công nên việc đá bị rơi vương vãi khắp mặt sàn sau đó lại được các nhân viên bốc lên cho vào túi là chuyện bình thường. Thế nhưng đây lại là xưởng có số lượng khách hàng lớn do giá đá ở đây rẻ hơn nhiều cơ sở khác.
Mới đây, trong lần kiểm tra đột xuất một cơ sở sản xuất đá viên ở xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, đoàn kiểm tra Vệ sinh an toàn thực phẩm của Sở Y tế Hà Nội đã phát hiện cơ sở này đóng đá viên thành phẩm vào túi nilông không có nhãn mác.
Theo ông Hàn Tự Do – Phó Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, từ đầu hè năm 2012 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành An toàn vệ sinh thực phẩm đã tiến hành kiểm tra 10 cơ sở nước đóng bình, nước đá trên địa bàn thành phố, phát hiện vi phạm và đình chỉ 3 cơ sở tại huyện Thanh Trì và quận Thanh Xuân do không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc đã chuyển địa bàn.
Sai phạm phổ biến liên quan đến các cơ sở trên là vi phạm về quy chế nhãn mác, điều kiện vệ sinh như: máy sản xuất đá, túi nilông, đá viên thành phẩm để tại các nơi không đảm bảo vệ sinh, nhân viên sản xuất không có găng tay hay trang phục, phương tiện bảo hộ chuyên biệt theo quy định...
Hà Nội hiện mới chỉ có 40 cơ sở sản xuất nước đá tinh khiết đã công bố chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nên chắc chắn không thể đáp ứng cho một thị trường rộng lớn gần chục triệu dân. Chưa kể, giá nước đá tinh khiết theo đúng quy trình luôn ở mức cao nên việc thực hiện không đúng quy trình để cho ra sản phẩm không sạch nhưng giá rẻ hơn là lựa chọn của nhiều cơ sở.
Tại TP HCM, tình trạng làm đá “siêu sạch” theo quy trình “ siêu bẩn” cũng diễn ra tràn lan. Nhân công vô tư đi dép bẩn trên miệng những khay chế biến nước đá, những bồn nước cáu bẩn, xung quanh là kiến, ruồi, gián bu vào là hình ảnh thường thấy tại các xưởng sản xuất nước đá tinh khiết ở thành phố này. Khu vực để làm đá thành phẩm nằm gần đường thoát nước, xung quanh đầy rác và nước bẩn.
Có thể tổng kết một quy trình sản xuất nước đá tinh khiết với nhiều cái không như sau: không bảo hộ lao động, không che chắn, nhân viên không đeo găng tay, không khẩu trang, phễu đựng đá không được che đậy. Quá trình vận chuyển nước đá cũng bẩn không kém: đá được ủ trong các bao tải gai cáu bẩn, bốc mùi, vận chuyển trên đường đầy bụi bặm nhưng không được che đậy cẩn thận.
Theo một kết quả khảo sát mới đây của cơ quan chức năng tại TP.HCM, nước đá tinh khiết - loại nước đá tưởng chừng như vô trùng này lại có chất lượng không hề hơn đá cây. Trong khi đá cây chủ yếu dùng để ướp thực phẩm chứ không dùng để uống trực tiếp.
Hiện TP.HCM có khoảng 10 cơ sở sản xuất nước đá tinh khiết được Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM quản lý nhưng trên thực tế hiện phải có tới trên dưới 30 cơ sở, mỗi ngày cung cấp cho thị trường 1.000 tấn đá tinh khiết. Chưa kể còn nhiều hộ gia đình dùng máy sản xuất loại nhỏ, sản lượng từ 55 – 65 kg/ mẻ.
Theo các chuyên gia, nếu đúng quy trình sản xuất đá tinh khiết đạt tiêu chuẩn thì nước phải được lấy từ độ sâu hàng trăm mét, sau đó xử lý qua hệ thống lọc thẩm thấu ngược, diệt vi khuẩn bằng tia cực tím rồi mới cho vào bộ phận làm lạnh.
Ngoài ra, các bộ phận khuôn đá, dao cắt đá, hệ thống máy sản xuất nước đá viên tinh khiết đều phải bằng inox hoặc thiết bị chống gỉ sét, khi bảo quản đá phải có phòng cách ly với bên ngoài. Chiếu với những tiêu chuẩn trên thì có thể thấy rõ các cơ sở sản xuất nước đá hiện nay hầu hết không đáp ứng được yêu cầu.
Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, nước đá không sạch đang là nguồn gây bệnh nguy hiểm, chứa các loại vi khuẩn, vi sinh gây bệnh đường ruột, ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy cấp... Còn theo bác sỹ Nguyễn Thu Ngọc Diệp, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng- Vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, hiện đang vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước đá và kem tăng cao.
Vì lợi nhuận, người sản xuất dễ dàng bỏ qua những yêu cầu tối thiểu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Người sử dụng rất dễ bị nhiễm trùng đường ruột. Các cơ quan chức năng cần giám sát kỹ nguồn nước dùng sản xuất nước đá để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng đường ruột cho người sử dụng, nhất là trẻ em.
Trong môi trường lạnh vi khuẩn chỉ bị kiềm chế phát triển, còn khi đá tan vi khuẩn tiếp tục sống và khả năng gây bệnh sẽ rất cao. Vì thế dùng đá không sạch chế biến thực phẩm và bảo quản thực phẩm đều nguy hiểm cho thực phẩm và sức khỏe con người.
Trong tiết trời oi nóng, cộng với cái nắng gay gắt của mùa hè, đá lạnh khiến con người ta giải khát nhanh nhất nên nhu cầu sử dụng đá càng tăng cao. Thế nhưng không phải quán nước nào cũng có đá sạch để bán. Theo lý giải của người bán, đá cây lâu tan hơn đá viên hay còn gọi là đá tinh khiết.
Các cơ sở sản xuất đá cây thường dùng nguồn nước bơm từ giếng khoan, với những khung sắt đựng đá rỉ sét vàng ố. Cách phân phối loại đá này cũng “bẩn” không kém. Đá cây thường được xếp vào một góc vỉa hè, trùm bạt lên để giữ cho đá khỏi tan.
Các quán trà đá ven đường, hay một số quán giải khát tầm trung thường dùng đá cây, loại đá mà ngành y tế nghiêm cấm sử dụng cho giải khát bởi giá thành của nó khá rẻ. Một cân đá viên đắt gấp đôi gấp ba đá cây, bên cạnh đó đá cây dễ bào nhỏ hơn so với đá viên. Thế nhưng ngay đến chất lượng đá viên cũng còn quá nhiều điều đáng bàn, mặc dù nhiều khách hàng cẩn thận chọn quán nào dùng đá viên mới uống.
Hưng Hường
Bình luận