Sáng 9/3, tại Hội nghị cung cấp thông tin đối ngoại được tổ chức định kỳ hàng tháng tại Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền Thông, Ban Tôn giáo Chính phủ ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”.
Ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ giới thiệu nội dung cuốn sách, cho biết đây là bức tranh gần toàn diện về tình hình thực thi, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam.
Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” dày 132 trang gồm 03 chương: giới thiệu thông tin cơ bản về tôn giáo ở Việt Nam; quan điểm của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ đổi mới; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo quy định trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; những quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; thành tựu, thách thức và ưu tiên của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Việt Nam có truyền thống văn hóa lâu đời, có 54 dân tộc với nhiều tôn giáo khác nhau. Hiện nay, ở Việt Nam có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54 nghìn chức sắc, 135 nghìn chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự; có hàng ngàn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung (trong đó có các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam).
Nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, ngay từ Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1946) và các bản Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau này đều luôn khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong các quyền cơ bản của con người. Hiến pháp 2013 hiến định: quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của mọi người.
Thực hiện các nguyên tắc hiến định, Nhà nước Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, dân chủ, công bằng và văn minh. Nhằm cụ thể hoá Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với đời sống thực tiễn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18/11/2016. Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Thực hiện chính sách tôn giáo của Nhà nước Việt Nam, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực: sự trở lại của niềm tin tôn giáo, sự gia tăng số lượng chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo; nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra với quy mô lớn hơn trước thu hút đông đảo tín đồ và người dân tham dự,...
Bình luận