Tại phiên làm việc chiều 17/11, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi với 443/466 đại biểu tán thành (chiếm 91,91%).
Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) có 16 chương, 171 điều, được đánh giá là có rất nhiều quy định mới so với Luật Bảo vệ Môi trường hiện hành có hiệu lực từ năm 2014.
Một trong những điểm nổi bật trong Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi), đó là chủ cơ sở sản xuất thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng công nghệ tốt nhất hiện có để ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) cũng có nhiều cơ chế để cụ thể hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu, các chính sách về tín dụng xanh để huy động đa dạng các nguồn lực xã hội cho bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Trước đó, sáng 11/11, Quốc hội đã điều chỉnh chương trình, lùi lịch biểu quyết thông qua Luật bảo vệ môi trường sửa đổi tới ngày 17/11, với lý do để cơ quan soạn thảo, thẩm định tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự luật này.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Khoản 3 Điều 29 (Đánh giá sơ bộ tác động môi trường) của Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2021.
Bình luận