Sáng 15/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà báo cáo làm rõ nhiều vấn đề trước Quốc hội.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, qua báo cáo của các địa phương, chỉ số đánh giá cho thấy kết quả về mục tiêu cấp giấy chứng nhận sử dụng đất đạt 97%. Chỉ số về tiếp cận và sử dụng tài nguyên môi trường tăng 0,27% theo từng năm.
Chỉ số mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với công tác quản lý của ngành tăng 13% so với năm 2016.
Liên quan đến Luật Môi trường sửa đổi, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Luật sẽ thực hiện theo chủ trương thay đổi và cải cách toàn diện của Bộ Chính trị.
"Qua ý kiến của Bộ Chính trị thấy rằng cần phải sửa toàn diện. Chúng ta biết thực tế sửa Luật Đất đai bao giờ cũng đi với một việc, đây là vấn đề hệ trọng liên quan đến kinh tế - xã hội, chính trị.
Bởi vậy thông thường là có nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương đi trước và qua 6 lần sửa thì chúng ta đều cụ thể hóa nghị quyết của Đại hội và đều có một nghị quyết của trung ương đi trước để chuẩn bị cho việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai năm 2003. Đây là lý do mà Bộ Chính trị đã có chỉ đạo sửa đổi toàn diện, thận trọng", ông Hà khẳng định.
Vẫn theo người đứng đầu Bộ TN&MT, Chính phủ, Quốc hội cũng đã cân nhắc về thời điểm, nội dung, phương pháp. "Ngay bây giờ Chính phủ cũng đã hai lần đưa ra nội dung và phương pháp. Ban Chỉ đạo hiện nay cũng đang tiếp tục thực hiện, vừa đánh giá, vừa tổng kết Nghị quyết 19, vừa sửa đổi toàn diện về nội dung.
Hiện nay, chúng tôi cũng đã có nhưng phải đánh giá kỹ hơn. Nên khi có nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về chính sách pháp luật đất đai cho giai đoạn 2021-2030 thì Chính phủ chắc chắn sẽ có ngay trên bàn dự thảo Luật Đất đai để trình Quốc hội", ông Hà cho biết.
Bộ trưởng Hà nhấn mạnh: "Quan điểm chỉ đạo đã được Bộ Chính trị khẳng định là đầu tư môi trường từ trong chủ trương dự án, coi môi trường là chủ yếu, không hi sinh môi trường. Cũng giống như Thủ tướng đã nói là lấy môi trường làm mục tiêu phát triển kinh tế”.
Bày tỏ mong muốn nhận được các ý kiến từ người dân, ông Trần Hồng Hà cho biết, tinh thần chống ô nhiễm môi trường phải như chống dịch COVID-19 vừa qua.
"Cũng như tinh thần truyền thống của dân tộc khi chống giặc thì vấn đề môi trường hiện nay, ô nhiễm là một kẻ thù, chúng ta phải có quan điểm đảm bảo môi trường và chống ô nhiễm môi trường như chống giặc.
Tôi nghĩ trên tinh thần đó, đoàn kết của nhân dân, cử tri, đại biểu sẽ giúp cho Luật Bảo vệ môi trường thực tế là một luật đưa vào cuộc sống để đảm bảo chất lượng cho sức khỏe người dân", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Về vấn đề xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt, người đứng đầu Bộ TN&MT cho biết luật sẽ quy định người gây ô nhiễm thì phải trả tiền, người sử dụng dịch vụ vệ sinh môi trường thì phải chi trả.
Nhà nước cam kết sẽ xử lý những vấn đề của môi trường do lịch sử để lại nhưng người dân phải đóng vai trò đồng hành. Người thải rác nhiều thì đóng tiền nhiều, trên cơ sở định lượng, số lượng.
"Việc xử lý này người dân tham gia trực tiếp sẽ có lợi về vấn đề bảo đảm môi trường. Thứ hai nữa sẽ có lợi về mặt kinh tế, bởi chúng ta thu được tài nguyên từ chất thải tái chế, tái sử dụng.
Thứ ba, Chính phủ sẽ rất thận trọng, tức là sẽ có lộ trình bài bản và đồng thời chúng ta sẽ có nhiều phương thức trên kinh nghiệm quốc tế để tính toán, định lượng và có lộ trình để hỗ trợ kịp thời cho những người dân yếu thế và khó khăn.
Đồng thời những chính sách này sẽ do chính người dân và địa phương bàn bạc. Khi chính sách này triển khai sẽ có sự tham gia và vai trò chủ đạo của các tổ chức như hội Phụ nữ, đoàn Thanh niên, cựu chiến binh...", ông Hà nói.
Liên quan đến tài nguyên nước, ông Hà nhấn mạnh, dù lượng nước mưa và lượng nước mặt chảy trong nội địa và quốc tế khá phong phú nhưng thực tế nước ta phụ thuộc đến 63% lượng nước từ nước ngoài chảy vào. Theo ông, tỉ lệ lượng nước được người dân Việt Nam sử dụng nội địa cũng thấp hơn so với thế giới.
Tác động kép của biến đổi khí hậu cũng là thách thức đối với ngành trong việc phân bổ tài nguyên nước. Theo người đứng đầu ngành tài nguyên, điều này còn phụ thuộc vào vấn đề kinh tế - xã hội, cần có sự đồng bộ để phát triển bền vững.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, về mùa khô, nguồn nước chảy về hạ lưu có thể thiếu trầm trọng, dẫn đến việc tiềm ẩn nguy cơ về mất an ninh.
“Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới về Việt Nam cũng cho biết, thể chế về nước của chúng ta đang có vấn đề. Chúng ta chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa đầu tư để đảm bảo hạ tầng, chưa có chính sách kinh tế tài chính.
80% lượng nước sử dụng hiện nay dành cho nông nghiệp, trong khi hiệu quả sử dụng trên 1m3 nước mới chỉ đạt có 2,37 USD, trong khi thế giới là 19,57 USD, Lào là 2,57 USD”, ông Hà cho biết và nhấn mạnh cần nghiên cứu, xem xét lại hiệu quả khai thác để nâng hiệu quả sử dụng nguồn nước dành cho nông nghiệp.
Về nguyên nhân, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ yếu do yếu tố chủ quan và cần làm rõ thể chế để rõ hơn về trách nhiệm quản lý nguồn nước trong ngành nông nghiệp. Ông đồng thời nhấn mạnh về nguồn lực đầu tư và vấn đề hạ tầng, đặc biệt là quan trắc dữ liệu.
Bình luận