Giới chức quốc phòng Nga đã tuyên bố rút quân khỏi tả ngạn sông Dnieper (tức rút về bờ phía đông con sông này), bao gồm thành phố Kherson, nhằm tránh các tổn thất nếu cố ở lại hữu ngạn của sông. Tuy nhiên, giới chức Ukraine và phương Tây đều tỏ ra cảnh giác, thận trọng trước động thái đó của Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã ra lệnh rút quân khỏi thành phố lớn Kherson sau khi một viên tướng thừa nhận rằng binh sĩ của ông bị ghìm chân trong một khu vực hẹp ở hữu ngạn sông Dnieper trong cuộc phản công của Ukraine.
Phương Tây tìm kiếm động cơ thực sự của Nga
Mặc dù vậy, các quan chức châu Âu nghi ngờ rằng Moskva có một động cơ ngầm nào đó khi công bố việc rút quân.
Một quan chức cấp cao của châu Âu nói: “Vẫn cần xem xét, vẫn cần kiểm chứng. Đây thực sự là một điều khác biệt. Chắc chắn, đó là một diễn biến không tốt cho Nga. Nhưng chúng ta cần phải xem xét điều đó chính xác có ý nghĩa như thế nào đối với phần còn lại của cuộc xung đột quân sự này”.
Một quan chức cấp cao thứ 2 của châu Âu nói: “Điều này gây lúng túng cho phương Tây. Nga gửi cho phương Tây tín hiệu họ muốn có đàm phán. Người Nga họ không rút lui nếu không có nhu cầu thực sự. Họ cố gắng để người Ukraine kẹt trong đàm phán”.
Thời gian qua, quân đội Ukraine đã cố gắng cô lập lực lượng Nga ở Kherson khỏi các tuyến tiếp tế, khiến lực lượng Nga chốt tại đây phải hứng chịu các đòn đánh bằng pháo binh và các cuộc tấn công khác mà hầu như không được tiếp viện, tăng cường.
Một trợ lý cao cấp thuộc đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ chuyên theo dõi các diễn biến quân sự ở Ukraine nói với tờ Washington Examiner như sau: “Họ sẽ tổn thất lớn về nhân lực khi bị giam chân giữa tiền tuyến và con sông sau lưng. Họ sẽ bị tiêu hao lực lượng dần trong vài tuần nữa. Bộ Tổng tham mưu Nga buộc phải rút các binh sĩ này về tuyến sau để bảo toàn lực lượng”.
Bộ Quốc phòng Nga nêu một lý do cho việc rút quân là để giảm thương vong của quân Nga xuống mức thấp nhất trong khả năng của họ.
Tướng Sergey Sorovikin - Tư lệnh các lực lượng Nga ở Ukraine, phát biểu qua truyền hình: “Tôi hiểu đây là một quyết định rất không dễ dàng… Việc này sẽ giúp bảo toàn điều quan trọng nhất, đó là tính mạng các quân nhân của chúng ta, cũng như gìn giữ năng lực chiến đấu của các đơn vị chúng ta. Sẽ không khôn ngoan nếu cố bám trụ tại một khu vực hẹp trên hữu ngạn sông Dnieper”.
Mikhail Podolyak - Cố vấn của Tổng thống Ukraine Zelensky, đăng tải lên mạng xã hội Twitter: “Hành động mới quan trọng. Chúng tôi không thấy dấu hiệu Nga sẽ rời khỏi Kherson mà không thực hiện đòn đánh nào. Lực lượng thân Nga vẫn được bảo tồn trong thành phố. Các lực lượng dự bị đang được đưa về tỉnh Kherson. Ukraine hành động dựa trên dữ liệu tình báo chứ không phải các màn thông báo được dàn dựng trên truyền hình”.
Nga thực hiện sách lược vừa đánh vừa đàm?
Một quan chức Ukraine khác nói: “Nga rút khỏi Kherson là do thực tế: Ukraine được chuẩn bị tốt hơn cho cuộc chiến ở đây. Nhưng đồng thời, việc rút khỏi Kherson có thể là một cái bẫy nhằm vào quân đội Ukraine và những người sống ở đây”.
Ngoài động thái quân sự, Nga còn tiến hành động thái ngoại giao. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, nói: “Chúng tôi vẫn để ngỏ khả năng đàm phán. Chúng tôi chưa bao giờ từ chối việc này. Chúng tôi sẵn sàng thương lượng, tính đến các thực tế đang xuất hiện vào lúc này”.
Trước đây, các quan chức Nga thường khẳng định không nhượng bộ trong vấn đề lãnh thổ trong bất cứ cuộc đàm phán nào. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmintry Medvedev tháng trước còn thậm chí tuyên bố mục đích các hành động của Nga trong tương lai là chuyển hóa chế độ ở Kiev.
Đáng chú ý, các phát ngôn của bà Zakharova xuất hiện sau các thông tin đồn đoán về khả năng đội ngũ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cố gắng dàn xếp một lệnh ngừng bắn ở Ukraine.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan bất ngờ thăm Kiev vào tuần trước, sau đó truyền thông Nga quảng bá một thông tin của truyền thông Italy nói rằng “Mỹ và NATO nghĩ rằng mở các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine là điều khả thi nếu Kiev lấy lại Kherson”, như tóm tắt của Hãng thông tấn Nga TASS.
Trợ lý cấp cao của đảng Cộng hòa (Mỹ) nói: “Tôi cho rằng người Nga biết chiến lược của Mỹ hướng tới hòa hoãn chứ không phải là giúp Ukraine đẩy Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraine”.
Trong khi đó, bản thân Tổng thống Zelenksy đã tuyên bố ông sẽ đồng ý với “một nền hòa bình công bằng, chính nghĩa” kèm với việc khôi phục lại sự kiểm soát của chính quyền trung ương đối với lãnh thổ Ukraine.
Quan chức cấp cao thứ nhất của châu Âu phân tích thêm: “Người Nga đang cố gắng sử dụng điều này làm công cụ để tạo ra sự chia rẽ giữa các đồng minh phương Tây của Ukraine, hoặc ít nhất khiến Ukraine và phương Tây rối tung lên. Để rồi các nước sẽ nghĩ, phải chăng đây là lúc chúng ta thực sự khởi động đàm phán với Nga”.
Bình luận