• Zalo

Phụ huynh 'khóc' với văn của trẻ

Giáo dục Thứ Sáu, 30/11/2012 05:18:00 +07:00Google News

Bài văn của con: “Đầu con lợn to bằng đầu bố em, mũi con lợn bẹp gí như mũi bố em, đuôi con lợn giống em vì bố em bảo em là cái đuôi của bố".

Một ông bố kêu trời vì bài văn của con: “Đầu con lợn to bằng đầu bố em, mũi con lợn bẹp gí như mũi bố em, đuôi con lợn giống em vì bố em bảo em là cái đuôi của bố”.



Văn mẫu và những tình huống cười ra nước mắt
 Ngay từ bậc tiểu học đến THPT, học sinh đã phải làm quen với các kiểu văn mẫu
Nhiều phụ huynh cho rằng không có gì đáng ngạc nhiên với văn mẫu vì nếu học sinh làm khác đi sẽ bị điểm kém.
Bài tập làm văn hiện nay của học sinh thường phải theo chuẩn mực chung. Tả cô giáo thì tóc phải đen nhánh, mũi dọc dừa, da trắng mịn; ông bà tóc phải bạc phơ; mẹ phải hiền, dịu dàng; cây bóng mát phải có câu đại loại “tán lá xòe ra như một chiếc ô lớn”.

Tả cánh đồng thì “xanh ngun ngút, bạt ngàn lúa”, hay “lúa đang trổ đòng đòng” mà khi ra ngoài đời bao nhiêu học sinh thành phố không hề biết “đòng đòng” là gì nhưng vẫn tả.

Chính vì khuôn mẫu này nên có những câu chuyện cười ra nước mắt.
Một phụ huynh có con học lớp 2 ở Hà Nội bức xúc: “Cô giáo cho đề bài, hãy tả ông hoặc bà em. Con nhà mình chọn tả ông nội và tả rất thật, rất trong sáng rằng người ông béo, lùn, da ông ngăm đen, đầu ông bị hói vì tóc đã rụng nhiều quá”.
Chị cho biết mình hài lòng về những câu văn tả thực ấy của con, vui khi con biết cách đặt câu như: “Tuy ông em béo nhưng đi lại rất nhanh nhẹn”. Thế nhưng thật không ngờ cháu được 5 điểm với lời phê lạnh lùng của cô rằng tả về ông ngây ngô quá. Cháu phụng phịu cho biết cô giáo bảo tả ông phải râu tóc bạc phơ, ánh mắt hiền từ, giọng nói trầm ấm, dáng đi đã chậm chạp thì mới... hay.
“Tôi không biết phải nói với cô thế nào vì người ông trong bài văn điểm kém và “ngây ngô” ấy mới chính là người ông thực sự và hết mực thân yêu của cháu. Tôi không muốn con tôi tả về ông mình như một ông già xa lạ nào đó. Lẽ nào gần 60 học sinh trong lớp cũng đều có người ông, người bà giống hệt nhau như vậy?” - vị phụ huynh này trăn trở.
Phụ huynh khác thì than thở: “Cô cứ nhất nhất bắt con tôi khi tả về người thân phải kể tên, tuổi, nghề nghiệp y như khai lý lịch. Khi cháu bảo em thấy bác em ở nhà nên không biết bác làm nghề gì thì cô bảo “vẫn phải nghĩ ra một nghề nào đó cho bác”. Vậy là cháu lại phải bịa là bác em làm nghề bác sĩ”.
Tả con vật thì có khuôn mẫu là phải so sánh đầu, tai, mũi, đuôi nó giống cái gì, to bằng gì. Dẫn đến tình huống nực cười như sau: Một ông bố có con học lớp 3 phải kêu trời lên khi con tả con lợn: “Đầu con lợn to bằng đầu bố em, tai con lợn to bằng tai bố em, mũi con lợn bẹp dí như mũi bố em, đuôi con lợn giống em vì bố em bảo em là cái đuôi của bố em”.
Bài văn đúng chuẩn mẫu đến cuối mỗi bài phải nói lên cảm nghĩ của mình theo kiểu “xin hứa sẽ chăm ngoan, học giỏi để vui lòng”. Điều này đã ăn sâu vào học trò đến nỗi có trường hợp sau khi tả xong con bò, một học sinh lớp 4 đã kết luận: “Em xin hứa sẽ học tập theo... con bò để ngày càng học giỏi và chăm ngoan hơn”.
Cứ rập theo khuôn
Phần lớn giáo viên tiểu học sợ học sinh lan man và tả thực quá nên khi hướng dẫn làm tập làm văn, cô thường yêu cầu phải trả lời được đủ các câu hỏi mới đủ ý. Chẳng hạn khi tả cây, học sinh sẽ trả lời hàng loạt câu hỏi như: Cây có tán không? Có che mát không? Lợi ích của cây ra sao với con người?

Một phụ huynh kể con gái chị chọn cây hoa đại, làm theo dàn ý của cô nên có những đoạn như sau: "Cây không có tán, rất ít lá nên không thể che mát được, lợi ích của cây đó là...".
Tương tự với thể loại văn viết thư. Thư gửi cho người thân hay thư làm quen cũng chả khác nhau là mấy. Để chuẩn bị kết thúc bức thư thì phải có câu “Thư viết đến đây đã dài, mình xin dừng bút”. Vậy là có không ít bài văn kiểu viết thư mới có vài dòng nhưng cũng để câu: “Thư viết đến đây đã dài”.
Nhiều trường ở Hà Nội đã cẩn thận đến nỗi yêu cầu học sinh phải có thêm cuốn vở “chuẩn bị tập làm văn”. Ở cuốn vở này, học sinh làm đi làm lại một bài văn để cô sửa cho đến khi nào thật đúng ý cô thì lúc đó bài làm mới được viết vào vở tập làm văn chính thức.
Phải học thuộc lòng
Học thuộc lòng các bài văn mẫu để làm bài thi là tình trạng rất phổ biến ở các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông hiện nay. Nhiều phụ huynh có con học tại một trường tiểu học quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết gần đến kỳ thi, cô giáo cho học sinh khoảng 4 đến 5 đề trong chương trình. Lúc đầu các cháu tự làm, sau đó bố mẹ đọc và sửa lại rồi chuyển cho cô giáo (bắt buộc phải có chữ ký của phụ huynh chứng tỏ đã đọc sửa).
Lúc này, cô giáo lần lượt đọc, sửa, rồi trả lại cho học sinh. Các em bắt buộc phải học thuộc lòng những bài văn này và đến các kỳ thi các em chỉ còn mỗi một việc là chép bài văn này ra. Có trường hợp phụ huynh phản ứng, không cho con học thuộc lòng thì con lại khóc lóc, vào lớp sợ cô la vì cô bắt từng bạn đứng lên trả bài xem có thuộc không.
Mọi thứ đều có khuôn nên học sinh cứ thế áp vào và sẽ đạt thành tích như mong muốn của giáo viên, nhà trường. Thế nên mới có chuyện lớp nào cũng đa số là học sinh giỏi. Chỉ có điều, cảm xúc thật của học sinh khi viết văn chẳng còn nữa, bảo sao học sinh ngày nay không yêu thích và hào hứng với môn văn?
Gia đình bắt buộc phải có đủ ba, mẹ
Có mặt tại Trường tiểu học Phan Văn Trị, quận 1, TP.HCM vào giờ tan trường ngày 28/11, một nhóm học sinh lớp 5 cho biết nếu tả thầy cô, phần mở bài phải là: “Vào năm học trước em đã từng được học thầy/cô...”.
Khi tả về mẹ, sẽ lần lượt chọn một trong 2 vế mà cô giáo đã hướng dẫn: mắt tròn xoe hoặc đen nhánh, mũi cao cao hoặc dọc dừa, dáng đi nhè nhẹ hoặc chậm rãi. Khi được hỏi, vậy nếu không tả mẹ mà tả ba thì làm sao, các học sinh này trả lời ngay: “Nếu tả ba thì thêm vào: tính cách cứng rắn, còn những phần khác thì vẫn tả như cũ”.

Khi tả về người bạn để lại nhiều ấn tượng, các học sinh cho biết sẽ theo trình tự sau: “Năm nay bạn ấy trạc tuổi em hoặc cao hơn em cái đầu. Bạn ấy là một người chăm chỉ, tốt bụng, hay giúp đỡ người khác”.
Chị N.N.L - phụ huynh học sinh lớp 2 Trường tiểu học Hòa Bình (quận 1, TP.HCM) - ấm ức: “Cô giáo cho đề bài tả các thành viên trong gia đình em. Bé nhà tôi tả ngoài Bi và mẹ thì gia đình còn có ông, bà ngoại, cậu, dì nhưng cô giáo không chịu mà yêu cầu cháu tả thành viên gia đình bao gồm ít nhất 3 người ba, mẹ và con.

Nói thật là, vợ chồng tôi đã ly dị từ lâu rồi, cháu đang ở chung với tôi, nhà có 2 mẹ con bây giờ cô bắt như vậy tôi chả biết nói sao. Tôi chỉ mong được đọc những câu văn thể hiện tình cảm của con để nếu có gì sẽ điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống của cháu”.
 Một số ý kiến khác về vấn đề dạy Văn theo khuôn mẫu
Phải để học sinh phá cách
“Nếu quá gò theo dàn ý lại mất đi tính sáng tạo của học sinh. Tôi cho rằng đây cũng là điều cần phải thay đổi trong những năm tới. Có thể dạy một số dàn ý chu toàn nhưng vẫn phải để cho các em phá cách, phân tích theo chiều sâu khía cạnh của một vấn đề chứ không nhất thiết bắt học sinh phải thật toàn diện cả bài mà mất đi sự sắc sảo mang dấu ấn cá nhân”.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt tiểu học
Lệch lạc

“Sách giáo khoa, sách hướng dẫn của giáo viên đã có hướng dẫn cụ thể về cách làm một bài tập làm văn. Ngay giáo viên cũng được đào tạo về phương pháp giảng dạy. Vậy mà dù thanh tra, kiểm tra rất nhiều lần nhưng giáo viên vẫn để tái diễn tình trạng này. Có thể nói rằng, những thầy giáo, cô giáo dạy học sinh làm bài rập khuôn theo văn mẫu là những giáo viên lệch lạc”.
Cô Lê Ngọc Diệp - Trưởng phòng GD tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM

Theo Thanh Niên

Bình luận
vtcnews.vn