• Zalo

Phong tục ăn Tết của người Hoa ở Sài Gòn

Đời sốngThứ Sáu, 04/02/2022 08:39:00 +07:00Google News
(VTC News) -

TP.HCM là nơi tập trung đông người Hoa sinh sống, đã từ lâu văn hóa của người Hoa như một phần đặc trưng của mảnh đất Sài thành, trong đó có tục ăn Tết.

Hiện, TP.HCM có trên 500.000 người Việt gốc Hoa sinh sống rải rác ở các quận, huyện, nhưng tập trung đông nhất ở quận 5, quận 6 và quận 11. Qua nhiều thế hệ, cộng đồng người Hoa vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống rất riêng của mình. Đồng bào Hoa ở Sài Gòn cũng có Tết Nguyên đán trùng với ngày Tết truyền thống của người Việt.

Phong tục ăn Tết của người Hoa ở Sài Gòn - 1

Một phần của khu phố người Hoa ở Sài Gòn. (Ảnh: vntrip.vn)

Những ngày trước Tết

Khi thời gian năm bước sang tháng Chạp, người Hoa chọn ngày tốt để quét, dọn dẹp nhà cửa, làm lễ tạ thần. Đó là lễ đáp tạ Trời, Phật, ông bà đã cho gia đình một năm bình an.

Cúng xong, người ta mang vật cúng chia cho họ hàng, người quen, gọi là chút quà thơm thảo. Nhà này mang vật cúng cho nhà kia và ngược lại. Đây cũng là cách làm cho tình thân thêm gắn bó.

Sau đó, tới lễ đưa ông Táo. Khác với người Việt cúng đưa ông Công, ông Táo vào tối 23 tháng Chạp, người Hoa ở TP.HCM thường tiễn ông Táo về trời vào sáng 24 tháng Chạp. Vật cúng ông Táo thường có các món ngọt như kẹo thèo lèo và quýt.

Trong tiếng Hoa, “quýt” đồng âm với “cát” (cát tường nghĩa là may mắn). Người ta hy vọng ông Táo sẽ tâu những lời tốt lành, mang lại may mắn cho gia đình.

Phong tục ăn Tết của người Hoa ở Sài Gòn - 2

Ngày Tết, người Hoa thường treo rất nhiều đèn lồng đỏ để cầu mong một năm may mắn. (Ảnh: vntrip.vn)

Đón giao thừa

Trong nhà người Hoa ở Chợ Lớn (chủ yếu khu vực quận 5) thường dán câu đối liễn. Đến ngày 30 Tết, người ta thay câu đối liễn mới, giấy đỏ chữ vàng, nội dung thường mang thông điệp tốt lành như Xuất nhập bình an, Kim ngọc mãn đường, Tân xuân đại cát… Với những gia đình làm ăn buôn bán tại nhà, nội dung câu đối liễn thường là Nhất bổn vạn lợi, Khai trương hồng phát, Sinh ý hưng long…

Ngoài ra, người ta còn dán chữ “Xuân” và “Phúc” ngược trên cửa, chữ “ngược” tiếng Hoa đọc là “đáo”, nghĩa là Xuân đến, Phúc đến.

Chiều 30 Tết, trẻ con sau khi tắm sẽ thay bộ quần áo mới màu đỏ, màu may mắn theo quan niệm của người Hoa rồi đi chúc tết ông bà, cha mẹ và nhận tiền lì xì.

Giao thừa cũng là ngày đoàn tụ gia đình. Tối giao thừa, các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau ăn bữa cơm đoàn viên thịnh soạn. Cũng giống như người Việt, người Hoa đón giao thừa lúc 12h đêm ngày cuối cùng của tháng Chạp (thường là 30 Tết). 

Người Việt ở Sài Gòn thường có mâm ngũ quả gồm: mãng cầu, quả sung, quả dừa, đu đủ và xoài, ý muốn trong năm mới “cầu vừa đủ tiền xài và sung túc, hạnh phúc''. 

Còn người Hoa thường có quýt, bánh bao, bánh tổ. Tiếng Hoa gọi bánh bao là “phát bao”, bánh tổ là “niên cao”. Tựu trung đều mang ý nghĩa ước mong cho năm mới, gia chủ được may mắn, phát tài, năm mới sẽ tốt hơn năm trước.

Người Quảng Đông ở Sài Gòn cúng giao thừa còn có giò heo, cải xà lách xanh sống. Tên những thứ này khi đọc lên thường có ý nghĩa tốt lành. Heo đọc là “trư”, đồng âm với “châu”, ý là “châu long nhập thủy“, châu báu đầy nhà. Cải xà lách tiếng Quảng Đông đọc là “phát soi”, đồng âm với “phát tài”.

Phong tục ăn Tết của người Hoa ở Sài Gòn - 3

Bánh tổ - món bánh đặc trưng ngày Tết của người Hoa ở khu Chợ Lớn, quận 5, TP.HCM. (Ảnh: Mai Cát)

Mùng 1 “Tết mẹ”

Sáng mùng 1 Tết Nguyên Đán, con gái người Hoa đã có chồng ở riêng sẽ cùng chồng con về nhà ngoại chúc Tết, nghĩa là ăn “Tết mẹ” trước. Sau đó, họ mới “Tết cha”, rồi đến thăm họ hàng, người thân. Điểm này không giống với tập quán của người Việt là “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ”.

Mùng 4, người Hoa sẽ đón ông Táo về. Sang mùng 7, họ sẽ ăn bảy loại cải nấu chung. Trong xã hội nông nghiệp xưa, việc ăn các loại cải phong phú với hy vọng trong năm mới, mùa màng sẽ được bội thu. Nét đặc trưng ẩm thực ngày Tết này vẫn được họ duy trì cho tới ngày nay. 

Người Hoa thường ăn Tết đến rằm tháng Giêng tức ngày Tết Nguyên tiêu. Tết Nguyên tiêu là một lễ trọng đại trong đời sống của người Hoa.

Trong ngày này, mọi người nô nức đi lễ chùa cầu phúc và trong khu vực dân cư cộng đồng người Hoa rất rộn ràng, náo nhiệt bởi các lễ nghi như các đám rước diễu hành qua phố, đội lễ nhạc cổ truyền, kèn trống vang lên, đèn hoa trang trí rực rỡ…

MAI CÁT (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn