• Zalo

Phẫu thuật nhân đạo: Có chuyện lạm dụng tiền từ thiện

Thời sự Chủ Nhật, 31/08/2014 11:37:00 +07:00Google News

Việc ba trẻ chết sau khi gây mê không chỉ đơn thuần là có sai phạm về chuyên môn mà còn đặt ra vấn đề về quản lý hoạt động nhân đạo, từ thiện.

Việc ba trẻ chết sau khi gây mê không chỉ đơn thuần là có sai phạm về chuyên môn mà còn đặt ra vấn đề về quản lý hoạt động nhân đạo, từ thiện trong lĩnh vực khám, chữa bệnh hiện nay. Quản lý hoạt động này như thế nào, ra sao… thì còn nhiều điều phải bàn.

Vụ việc Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật Nụ Cười (OSCA - Hà Nội) phẫu thuật nhân đạo cho trẻ sứt môi, hở hàm ếch làm ba trẻ chết ở BV Quân y 87 Khánh Hòa trong tuần qua đã làm dư luận rúng động.

Bị chi phối bởi cái “tâm”

- Khi hoạt động khám, chữa bệnh (KCB) là hoạt động có điều kiện thì việc KCB nhân đạo phải được thực hiện như thế nào?

TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM: Có hai loại KCB nhân đạo, một loại là có địa điểm cố định (chẳng hạn như trong chùa hoặc nhà thờ…) thì phải xin phép như một cơ sở KCB bình thường khác. Loại thứ hai là đoàn từ thiện đến khám bệnh ở một địa điểm thì phải xin phép theo quy định ở nơi đến, trình chứng chỉ hành nghề (CCHN), kế hoạch… đến cơ quan quản lý y tế địa phương để được cho phép. Khi được phép thì mới tiến hành KCB. Nếu địa điểm mà đoàn đến KCB là một cơ sở y tế thì cơ sở y tế đó phải có trách nhiệm xin phép và chịu trách nhiệm toàn bộ vấn đề chuyên môn xảy ra.

- Ông đánh giá thế nào về thực trạng KCB nhân đạo hiện nay?

Do luật quy định về KCB nhân đạo mới triển khai được thời gian ngắn nên nhiều tổ chức và cá nhân chưa nắm rõ, họ chỉ nghĩ đơn giản là việc làm từ thiện thì không có gì phải khó khăn và Nhà nước phải tạo điều kiện. Thực tế Nhà nước đã tạo điều kiện tối đa để mọi tổ chức, cá nhân tham gia công tác KCB từ thiện nhưng phải đảm bảo an toàn cho người bệnh. Những đối tượng được KCB từ thiện là những người thuộc diện bảo trợ xã hội, yếu thế trong xã hội… nên cần phải được bảo vệ nhiều hơn, nếu họ bị tai biến thì còn khó khăn hơn.
 

Ni cô chùa Ưu Đàm dùng dao lam rạch da thịt bệnh nhân để trị bệnh. Ảnh: Trần Ngọc


Trong thời gian vừa qua, Sở Y tế TP.HCM cũng phát hiện một số điểm khám từ thiện ở cơ sở tôn giáo chưa có giấy phép hoạt động và thậm chí còn thực hiện một số kỹ thuật không được phép, có nơi còn gây tai biến. Khi tiến hành xử lý thì quả thật là trường hợp tế nhị bởi cái tâm của những người làm công tác từ thiện rất tốt nhưng bản thân họ không hiểu được quy định, nếu xử lý không khéo sẽ làm họ nản chí với việc làm công tác từ thiện.

Chúng tôi đã có văn bản yêu cầu phòng y tế quận, huyện thống kê tất cả cơ sở khám từ thiện trên địa bàn (kể cả những nơi chưa có phép) để chúng tôi tham mưu đề xuất tuyên truyền, vận động, thuyết phục họ hoạt động đúng quy định. Đồng thời, chúng tôi hỗ trợ các cơ sở chưa có phép hoàn thành thủ tục và yêu cầu tạm ngưng hoạt động khi chưa được cấp phép.

Thực tế việc quản lý hoạt động chuyên môn của các cơ sở từ thiện này chưa được chặt chẽ và cơ quan quản lý sẽ còn phải hoàn thiện hơn công tác quản lý, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia công tác thiện nguyện trong khuôn khổ quy định pháp luật.

Không phải bác sĩ giỏi muốn mổ ở đâu cũng được

- Có ý kiến cho rằng chỉ cần có CCHN là bác sĩ có thể mổ thoải mái bất cứ ở đâu vì đó là nhân đạo, có đúng vậy không, thưa ông?

- Sai. Theo quy định, tất cả người tham gia công việc liên quan đến KCB phải có CCHN, không chỉ bác sĩ mà cả điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh… Khi đã có CCHN thì cũng không thể hành nghề thoải mái, không thể mổ ở bất kỳ đâu. Luật quy định phải đăng ký hành nghề, cùng một thời điểm chỉ được hành nghề ở một nơi.

Một bác sĩ phẫu thuật giỏi nghề ở bệnh viện lớn chưa chắc đến bệnh viện quận được phẫu thuật vì ngoài con người còn tùy thuộc điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và êkíp phụ giúp. Người phụ trách chuyên môn kỹ thuật của cơ sở KCB phải chịu trách nhiệm chuyên môn về hành nghề của vị bác sĩ tham gia mổ chứ không phải muốn làm gì thì làm.

Một người đã có CCHN muốn mổ ở một bệnh viện nào đó thì bệnh viện đó phải xem xét khả năng chuyên môn rồi làm thủ tục đăng ký ở cơ quan quản lý y tế có thẩm quyền. Khi được cho phép thì người đó mới được tham gia nhưng trong phạm vi chuyên môn được cho phép.

Lĩnh vực phẫu thuật dễ bị lạm dụng

- Hầu hết đơn vị lớn khi thực hiện KCB nhân đạo đều có xin phép. Tuy nhiên, cũng có đơn vị đưa bác sĩ vào mổ, khám “chui” do quen biết, cả nể nhưng bệnh án thì người khác ký tên. Việc này cần được xử lý như thế nào?

Vấn đề được nêu ra là có và chúng tôi cũng đang kiểm tra việc đăng ký hành nghề và sẽ tiến hành xử lý. Nhiều đơn vị cố tình đối phó, họ cho phép người không phải đơn vị mình thực hiện công việc KCB nhưng trong giấy tờ hồ sơ lại ghi tên bác sĩ của đơn vị. Luật cũng đã quy định bác sĩ khi KCB phải có bảng tên nhưng khi vào phòng mổ thì khó ai kiểm soát được.

- “Tài chính” trong nhân đạo là vấn đề đáng quan tâm, theo ông, vấn đề này hiện nay đang còn tồn tại gì?

Phần lớn nhà hảo tâm rất tốt và có tâm nhưng trong thực tiễn vẫn còn một số ít người lợi dụng việc này để “làm ăn”. Họ đứng ra tổ chức khám từ thiện bằng cách kêu gọi tài trợ và mời một số bác sĩ có chuyên môn để đi khám. Thực tế là không nhà tài trợ nào truy vấn đến công tác tài chính cả, không loại trừ một số tổ chức kêu gọi tài trợ từ nước ngoài rồi về tự tiện thực hiện và báo cáo. Luật pháp cũng đã có những quy định về kêu gọi tài trợ và hạch toán nhưng đôi khi họ lách luật.

Theo tôi thì việc thực hiện KCB lĩnh vực phẫu thuật là dễ bị lạm dụng vì chi phí cho phẫu thuật khó kiểm soát.

- Xin cảm ơn ông.

Quá xem nhẹ khám, chữa bệnh từ thiện

PV đã nhiều lần theo chân một hội ở TP.HCM tổ chức mổ cườm cho bà con nghèo ở tỉnh Đồng Nai, TP Cần Thơ… Điều đáng nói là hội này không có chức năng phẫu thuật mắt nhưng vẫn hợp tác với một số bác sĩ chuyên khoa để thực hiện phẫu thuật.

Khi tiến hành mổ mắt cho bà con, hội chỉ liên hệ với địa phương và nhận danh sách do địa phương chọn. Sau đó hội mượn phòng của bệnh viện địa phương rồi tiến hành phẫu thuật. Phòng mổ mắt thuộc dạng tạm bợ nên nguy cơ nhiễm trùng là khó tránh khỏi.

Trước khi mổ mắt, hội không hề sàng lọc hoặc thăm khám bệnh nhân. Thậm chí có bệnh nhân cho biết đang bị tiểu đường nhưng hội vẫn tiến hành phẫu thuật. Sau khi mổ cườm, bệnh nhân chỉ nhận được ít thuốc và kính bảo hộ, không được những người trực tiếp phẫu thuật hướng dẫn và xử lý những tai biến có thể xảy ra.

Tháng 6, PV trực tiếp có mặt tại chùa Ưu Đàm (quận Thủ Đức, TP.HCM) để ghi nhận việc KCB. Mặc dù mang tiếng là KCB từ thiện nhưng người bệnh phải trả tiền thuốc với giá 250.000 đồng/hộp (50 gói). Trong khi đó, chùa Ưu Đàm mua lại thuốc của một cơ sở bên ngoài chỉ với giá 150.000 đồng/hộp.

Bên cạnh đó, cho dù chưa được cấp giấy phép hoạt động nhưng chùa Ưu Đàm chữa bệnh ung bướu bằng cách dùng dao lam rạch khắp người bệnh nhân, tứa cả máu. Người bệnh còn phải bỏ tiền mua dao lam, găng tay với giá 5.000 đồng.
 
Trách nhiệm trong vụ ba đứa trẻ chết ở Khánh Hòa

Đối với sự việc xảy ra ở Khánh Hòa, việc KCB diễn ra ở BV Quân y 87 và theo quy định hiện nay thì nơi nào tổ chức KCB thì nơi đó chịu trách nhiệm. Do đơn vị trên trực thuộc Bộ Quốc phòng nên thẩm quyền xử lý thuộc Bộ Quốc phòng. Luật quy định lãnh đạo cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm mọi vấn đề chuyên môn phát sinh ở bệnh viện. Bên cạnh đó là trách nhiệm quản lý của cơ quan quản lý địa phương. OSCA có thể xem như đơn vị môi giới, dịch vụ…

Luật nghiêm cấm cho thuê, mượn giấy phép hoạt động (GPHĐ), nói cho “thuê địa điểm” đồng nghĩa với cho “thuê GPHĐ” bởi GPHĐ gắn liền với địa điểm, muốn cấp GPHĐ cho một địa điểm nào cũng phải tổ chức thẩm định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người… Không thể có chuyện “cho mượn địa điểm” như vừa nêu. Theo Nghị định 176/2013 của Chính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế) thì cả đơn vị cho thuê, mượn và bên thuê, mượn đều bị xử lý, thậm chí có thể áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước GPHĐ 1-3 tháng.

(Một chuyên gia trong lĩnh vực xử lý vi phạm về y tế)

Theo PLTPHCM
Bình luận
vtcnews.vn