Bài 1: Ăn trộm đồ vật của những người đã khuất
Người Bana ở Gia Lai quan niệm rằng: Con người khi chết đi là bắt đầu một cuộc sống mới. Gia đình nào càng khá giả thì hiện vật chia theo càng nhiều.
Chính điều này đã làm nổi dậy lòng tham của những kẻ bất lương đến đào bới trộm mộ. Do vậy, nhiều hiện vật quý bị mất trộm, các khu nhà mả bị đào bới tan hoang, gây nên sự phẫn uất khôn cùng của bà con dân nơi đây.
Đường đi từ thị trấn Kbang đến làng Mơ H’Ra (xã Kon Lơng Khương, Kbang) dài chưa đầy 20km nhưng đường vào đây vô cùng vất vả. Để đến được làng này chúng tôi đã phải đi mấy giờ đồng hồ và phải đi qua một khúc ngầm ngập đến ngang người.
Dù được hưởng nhiều chính sách đầu tư của các cấp chính quyền, nhưng đến nay làng Mơ H’Ra vẫn còn đến hơn 70% số hộ nghèo. Công việc và nguồn thu chính của người dân trong làng là trồng mía, trồng ngô và sắn trên nương trên rẫy.
Người chết được chia tài sản |
Những tài sản mà người chết được mang theo đầu tiên là những thứ mà thường ngày họ vẫn sử dụng như xe đạp, ti vi, phích nước, ghè rượu… để ở dưới chốn âm cung, người thân của họ có đồ dùng sinh hoạt và cũng là thể hiện sự công bằng trong đời sống của người dân tộc thiểu số nơi đại ngàn Tây Nguyên.
Người Bana ở Gia Lai quan niệm rằng: Người chết cũng có cuộc sống riêng, cũng lao động, cũng ăn uống bình thường. Vì vậy, gia đình nào càng khá giả thì hiện vật chia theo càng nhiều.
Chính vì biết rõ tục lệ này nên những kẻ bất lương đang ngày đêm rình rập kiếm lợi từ những ngồi nhà mồ. Do vậy, nhiều hiện vật quý đã bị mất đi. Còn các khu nhà mả bị đào bới tan hoang, tiêu điều.
Của cải chia cho người chết khiến bọn trộm nảy lòng tham |
Cách đây 2 năm, gia đình ông Đinh Văn Nghèo (ở làng Mơ H’Ra, Kon Lơng Khương, Kbang) có người thân mất đi. Theo phong tục của dân tộc Bana, gia đình ông đã chia của cải cho người chết gồm một bộ nồi, bát đĩa và một chiếc ghè cổ.
Trước khi chôn cùng người chết, sợ bị đào trộm, gia đình ông Nghèo đã cẩn thận đập thủng đít chiếc ghè. Hơn một tuần sau, ông Nghèo ra thăm khu nhà mồ đã thấy ngôi mộ bị đào bới tanh bành.
Qua kiểm tra thấy cả bộ xoong và chiếc ghè cổ đã vỡ mà gia đình và người thân từng dùng trước đây đã không cánh mà bay. Chẳng biết làm sao hơn, ông Nghèo đành huy động mọi người trong họ lấp lại ngôi mộ.
Sợ người đã chết giận dữ theo về hành, dù nghèo nhưng gia đình ông Nghèo đã phải làm thịt một con lợn và mua 2 ghè rượu để mời dân làng và làm lễ cúng con ma!
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Nghèo vẫn rất bức xúc: “Nó lấy cái ghè cũ mà mình chôn. Lúc mới chôn là mình đã cử người đến canh gác thường xuyên để nó khỏi đào mả lên để lấy cái ghè cũ.
Thế nhưng hơn 1 tuần sau thì nó đến đào trộm, nó lấy cái ghè cũ rồi mang bán. Việc mất trộm đồ cũng chỉ là chuyện nhỏ thôi, đau xót và uất ức hơn là người thân của mình đang mồ yên mả đẹp lại bị kẻ xấu đào xới lên trục lợi…”.
Dân làng kể chuyện liên tục bị "mộ tặc" xâm phạm mồ mả tổ tiên |
Theo người dân nơi đây, bọn trộm cắp mò đến đào bới mồ mả để lấy cổ vật và của cải như vàng bạc, chiêng đồng và đặc biệt là gỗ sưa đỏ làm quan tài của người đã về nơi thiên cổ. Điều này khiến cho những người dân ở nơi đây hết sức hoang mang.
Không chỉ đào trộm mộ, mà trong khu nhà mồ của làng Leng Dôr (xã Đăk Pơ) có hơn 200 ngôi mộ thì hầu hết đều đã bị đào bới.
Chúng tôi đến khu nghĩa địa của làng Leng Dôr vào một buổi chiều giữa tháng 11-2012. Phía cuối khu nghĩa địa vọng lên tiếng gào khóc não nề của nhiều người. Tìm hiểu ra thì được biết đó là gia đình bà Đinh Thị H’Phiên (ở làng Leng Dôr, xã Đắc Pơ, huyện Đắc Pơ) đang xây dựng lại ngôi mộ cho người thân của gia đình do mới bị đào trộm.
Bà H’Phiên gạt nước mắt chỉ vào ngôi mộ đang được xây dựng kiên cố nói: “Đây là mộ của cậu ruột của tôi chết cách đây hơn 5 năm, nhưng vừa qua cũng bị kẻ trộm đào lên để tìm lấy tài sản và cổ vật”.
Bà H'Phiên đau lòng kể với phóng viên chuyện mộ cậu bị trộm đào bới |
Những chiếc ghè cổ đó, giờ trước khi chôn theo chúng tôi đập hết, không để nguyên nữa. Thế nhưng mấy năm nay bọn trộm cắp vẫn đào bới khiến cho người dân ở đây rất hoang mang…”.
Việc kẻ xấu đến đào trộm mồ mả đã lan ra nhiều địa phương khác như một thứ dịch bệnh đáng sợ đối với người dân ở các huyện Đắc Pơ, Kbang. Điều đáng sợ hơn là kẻ xấu đào bới từ những ngôi mộ được an táng từ hàng chục năm đến những ngôi mộ mới được an táng chưa kịp phân hủy ở nhiều ngôi làng như làng H’ven, làng Kuk Đăc, Kuk Kông.
Theo ông Đinh Pó, trưởng làng Leng Dôr (xã Đắc Pơ, huyện Đắc Pơ) thì trước đây khoảng 10 năm về trước, việc chia của cải cho người chết là theo phong tục của người địa phương. Những tài sản chôn theo cũng rất quý như chiêng đồng, ché cổ, dao dựa, xoong nồi…
Và ở nơi đại ngàn Tây Nguyên này, nhất là khu vực các huyện Kbang, Đắc Pơ, thị xã An Khê, việc người dân sử dụng cả cây gỗ huỳnh đàn, sưa đỏ khoét giữa thành chiếc quan tài để an táng người thân là chuyện bình thường.
Khi ấy những loại gỗ này cũng chỉ giống như những loại gỗ bình thường khác. Nhưng mới đây, giá cả loại gỗ này quá đắt đỏ nên kẻ xấu đã tìm đến đào trộm rồi âm thầm vận chuyển về xuôi tiêu thụ.
“Hiện tại bà con ở các địa phương rất mong chính quyền các cấp và ngành chức năng vào cuôc để ngăn chặn kẻ xấu đến đào bới. Bà con nơi đây đau xót hoang mang lắm mỗi khi chứng kiến ngôi mộ người thân của mình bị xới tung lên. Sau đó phải tiếp tục làm lễ cúng ma, xây mộ lại tốn rất nhiều tiền bạc. Bà con luôn mong muốn kẻ xấu sẽ bị bắt giữ để người thân của họ yên ổn nơi chín suối”. Ông Đinh Pó nói.
Còn tiếp…
Theo Báo Gia đình và Cuộc sống
Bình luận