• Zalo

Phận người làm 'nghề đi giật lùi' ở biển

Thời sựThứ Hai, 06/08/2012 07:30:00 +07:00Google News

(VTC News) - Người phụ nữ nhỏ bé trên bờ biển mênh mông hì hụi bước... giật lùi, sau mỗi bước đi ấy, chỉ cần nghe tiếng động nhẹ là có thể bỏ túi vài đồng bạc.

(VTC News) - Ngày nào cũng vậy, cứ sáng sớm, người phụ nữ nhỏ bé này hì hụi bước... giật lùi trên bờ biển mênh mông, sau mỗi bước đi ấy, chỉ cần nghe tiếng động nhẹ là có thể bỏ túi vài đồng bạc.


"Nghề đi giật lùi”

Cứ mỗi sáng tinh mơ, khi ánh bình minh bắt đầu le lói trên biển cũng là lúc những giọt mồ hôi của những người phụ nữ làm nghề cào ngao tại bãi biển Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ của họ.

Người dân nơi đây gọi công việc của họ là nghề “đi giật lùi”, đơn giản vì bất cứ ai đi làm nghề cào ngao đều phải đi lùi về phía sau.

Những phận người làm cái nghề không bao giờ đi tiến. 
Từ xa tít, bóng một phụ nữ cào ngao nhỏ bé lui cui đi lại, phía sau lưng chị từng đợt sóng bạc đầu gầm gào thi nhau táp bờ.

Ngày thường, trên bãi biển này có không ít người cào ngao giống chị, nhưng gặp bữa mưa to, họ đã về, chỉ còn chị nán lại cố cào thêm vài đường cào.
Phận người nhỏ bé giữa cồn cát mênh mông. 
Ngư cụ người phụ nữ rất đơn giản - như thể từ ngày ông bà nghĩ ra nó đến nay chưa hề được cải tiến - chỉ là một đoạn sào tre hình chữ Y, có gắn với 1 lưới vợt được đan bằng tre, cứ thế vác ngược lên vai, tì hai càng xuống bãi cát mà kéo.

Chẳng biết cuộc đời có khéo sắp đặt không, nhưng hình ảnh người phụ nữ phải đi giật lùi, cứ lùi mãi rồi lại quay vòng, nhẫn nại vẽ thành những đường cày ngoằn nghèo trên cát ướt.


Gặp con ngao, con sò thì sợi thép căng ngang phía dưới hai càng chữ Y sẽ gợn, phát ra tiếng động. Cứ chốc chốc, bóng người nhỏ bé lại dừng, thò tay xuống cát móc lên một con ngao bỏ vào cái túi lưới treo tòng teng phía trước, như góp nhặt từng đồng bạc lẻ.

Góp nhặt những con ngao nhỏ mong sao có được bữa cơm đàng hoàng cho cả gia đình. 
Ở nghề này, các ngư dân bắt đầu công việc từ rất sớm, khoảng 4h sáng, những người phụ nữ một tay cầm thúng hoặc giỏ, tay kia cầm theo con dao, cái cuốc đi dọc theo bờ biển đào bới cát để tìm sò, ngao.

Những người đàn ông khỏe mạnh thì rủ nhau đi ra vùng nước sâu đến nửa người rồi giăng lưới nạo ngao, bắt tôm, cá.. còn phía trong bờ hầu như là "lãnh địa" của phụ nữ.


Nghề này chủ yếu làm vào những lúc nước cạn, công việc mỗi ngày kéo dài khoảng 4 - 5 tiếng, trung bình mỗi người một ngày thu được 20-30 nghìn đồng, ai may mắn gặp được vùng đất có nhiều ngao thì ngày đó kiếm được khoảng 60 nghìn đồng.

Thế nhưng nhiều hôm trở trời, có ngư dân vất vả khom lưng đào bới nửa ngày mà chẳng thu được là bao nhiêu.


Chị Trần Thị Hồng, 35 tuổi, một người cào ngao tâm sự: “Ở vùng quê này ngoài làm nông ra không có việc gì khác kiếm ra tiền ngoài cái nghề đi giật lùi  này, tôi bắt đầu công việc từ lúc mới 13 tuổi, với “thâm niên” 22 năm trong nghề, tranh thủ lúc nông nhàn cố gắng đào bới kiếm thêm chút thu nhập để chuẩn bị nhập học cho 4 đứa con đang còn tuổi ăn tuổi học”.

Theo chị Hồng, phải dậy từ 4-5 giờ sáng, cào cho đến lúc chân tay tím đen, môi run cầm cập  thì tạm đủ tiền trang trải cho hai bữa cơm một ngày. Chị Hồng muốn đổi nghề lắm, nhưng chẳng biết làm gì, chị chỉ ngại một ngày kia, sức khoẻ không còn đủ để kéo sào cào ngao nuôi con.

Với "thâm niên" 22 năm trong nghề, khuôn mặt của chị đã già đi nhiều so với cái tuổi 35 của mình. 
Cụ bà Phạm Thị Tành, (76 tuổi) lau vội giọt mồ hôi trên khuôn mặt khắc khổ kể: “Nghề này bạc và nghèo, bao đời nay, có ai cào ngao mà giàu được đâu. Mồ hôi và nước biển mặn như nhau, đã có những người bị sóng to cuốn đi trong lúc mải mê cào, ngặt cái, ngày mưa bão chính là thời điểm ngao vào bãi nhiều nhất.

Bà đã làm cái nghề này được hơn 50 năm rồi, đã từng chứng kiến nhiều người cùng cào ngao với mình bị nước cuốn trôi, trong khi những người cào ngao ở gần dường như bất lực nhìn người bị nạn chới với giữa dòng nước xoáy”.

Giây phút thảnh thơi của cụ Tành sau hơn 3 tiếng cào ngao. 

Những vòng quay luẩn quẩn

Trên bãi biển, không phải chỉ có những người phụ nữ, cụ già làm "nghề đi giật lùi" này mà còn có rất nhiều các em nhỏ - những dân chài tương lai.

Gương mặt đen sạm, các em như quá nhỏ bé để vác ngư cụ, tuy nhiên, giống như "cái máu" ở trong người, tất cả các "ngư dân nhí" đều xoay xở ngon lành khi ở dưới biển.


Tuổi đã cao nhưng chưa bao giờ cụ nghĩ đến việc bỏ nghề. Thời gian ngâm mình ở dưới nước của cụ nhiều hơn ở trên bờ. 
Khác với người lớn, lũ nhỏ đi theo tốp, mỗi tốp 3-4 đứa, đứa lớn đi kèm đứa nhỏ, cùng cào trong một khoảng cát gần biển. Cũng như người lớn, có hôm các em cào cả buổi chỉ được vài con ngao nhỏ.

Tất thảy những đứa trẻ ấy vốn chẳng ngán ngẩm những con sóng to, những luồng nước lạnh. Ngâm nước lâu, chân tay đứa nào đứa nấy có màu nhờn nhợt và những vết loét do nước biển “ăn”. Sinh ra trong một làng chài thường lũ con nít biết lao động để kiếm tiền sớm. Em nào đi học buổi chiều thì đi cào ngao vào buổi sáng, đi học về là cầm cái cào chạy ù ra biển, tranh thủ được dăm ba lạng.

Khánh, học lớp 8, tâm sự: “Đi trong nước, lấy chân để xáy cát, em cũng bị đạp mảnh chai mấy lần, nhưng cứ để thế, lâu rồi cũng lành...”. Khánh bảo, buổi tối em thường ngủ sớm để sáng mai dậy cào ngao.

Còn cậu bé Toàn thì kể: “Bọn em đi cào ri, được mấy đem về cho mẹ hết, lúc nào “trúng” lắm mấy đứa em mới dám góp lại mua chai nước ngọt uống cho đỡ chát miệng thôi...”


Nhiều đứa trong số chúng đã bỏ học vì “thích đi cào hơn vì đi cào có tiền”, người dân ở đây bảo, không học thì làm cái nghề "cha truyền con nối" này vậy...

Nắng lên cao, bãi biển bắt đầu thưa người dần, những “thợ” cào ngao lũ lượt ra về. Bóng nắng trải dài trên cát, có những cái bóng dài và bóng ngắn, có những dấu chân to và nhỏ rảo bước trên cát sau buổi lao động mệt nhoài.

Hoàng Thiên Dũng
Bình luận
vtcnews.vn