"Một lần nữa nước Nga lại bị đe dọa bởi những chiếc xe tăng Leopard của Đức. Chúng tôi sẽ không gửi xe tăng của mình đến biên giới họ. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ đáp trả", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói hôm 2/2.
Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Nga Vladimir Kolokoltsev cảnh báo, các xe tăng Leopard hiện đại do Đức cấp cho Ukraine sẽ bị "đốt cháy" tương tự các xe tăng "tiền nhiệm" Tiger và Panther - những khí tài từng bị phá hủy trong Thế chiến II.
Tuần trước, Berlin đã thay đổi quan điểm về việc cung cấp thiết giáp hiện đại cho Kiev, cam kết cung cấp 14 xe tăng Leopard 2 cũng như cho phép các nước châu Âu tái xuất phương tiện do Đức sản xuất từ kho vũ khí của chính họ. Số lượng Leopards dự kiến sẽ được vận chuyển đến Ukraine lên tới khoảng 112 chiếc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (25/1) tuyên bố sẽ cấp 31 xe tăng Abrams cho Ukraine. Trước đó, Anh tuyên bố cấp 14 xe tăng Challenger-2 cho Ukraine. Tây Ban Nha cũng có kế hoạch gửi từ 4 - 6 xe tăng Leopard 2A4 do Đức chế tạo tới Ukraine trong thời gian tới. Còn Na Uy, Slovakia, Anh, Ba Lan và Pháp cam kết viện trợ cho Kiev xe tăng do phương Tây sản xuất.
Kiev dự kiến sẽ nhận được tới 140 xe tăng từ 12 quốc gia trong đợt viện trợ vũ khí hạng nặng đầu tiên. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với 300 chiếc xe tăng mà Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố là cần thiết để đẩy lui quân Nga.
Hôm 1/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói việc phương Tây cung cấp vũ khí, bao gồm cả xe tăng, cho Kiev sẽ không mang lại giải pháp cho xung đột Ukraine. Ông nhấn mạnh, việc cung cấp vũ khí cho Kiev là "bước đi mạo hiểm, có lợi cho các ông trùm vũ khí".
Nga nhiều lần kêu gọi phương Tây ngừng “bơm” vũ khí hiện đại cho Ukraine, cảnh báo rằng viện trợ quân sự đang diễn ra sẽ chỉ kéo dài chiến sự và gây thêm đau khổ cho người dân Ukraine.
Bình luận