Đại diện Công ty Acecook Việt Nam cho biết, đơn vị này đang tính trước nguy cơ đứt gãy nguồn nhập nguyên liệu. Nếu xảy ra, sản phẩm mỳ tôm sẽ bị thiếu hụt một loại nguyên liệu nào đấy. Lúc này, doanh nghiệp phải ngừng sản xuất theo đúng quy định của luật.
Điều chỉnh gia vị và công khai thông tin
Cụ thể, trong mỳ gói có 2 thành phần chính, nguyên liệu chính là bột mỳ và nguyên liệu phụ là các loại gia vị như tỏi, ớt, hành khô, hành sấy,...
Nếu đứt gãy nguồn cung nguyên liệu chính, đương nhiên doanh nghiệp buộc dừng hoạt động. Tuy nhiên, nếu thiếu nguyên liệu phụ do không thể nhập như tỏi, ớt, hành khô, hành sấy... thì Acecook Việt Nam xin đề nghị tiếp tục được duy trì sản xuất và duy trì bao bì hiện tại, tức là vẫn ghi các thành phần phụ nhưng thực tế trong các gói gia vị có thể không có hành khô, tỏi…
“Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, chúng tôi xin gửi báo cáo chi tiết tới các cơ quan quản lý nhà nước, tới Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, hệ thống các nhà phân phối và trên hệ thống website công ty”, đại diện Công ty Acecook Việt Nam kiến nghị.
Theo đúng quy định, nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục sản xuất khi thiếu nguyên liệu nào đó sẽ phải làm lại công bố sản phẩm và bao bì. Các công đoạn này tốn nhiều thời gian, đồng thời, toàn bộ lượng bao bì đã nhập về sẽ phải hủy bỏ, gây lãng phí cho doanh nghiệp.
Bà Bùi Phương Mai - Chủ tịch HĐQT Công ty Vifon - cũng có nỗi lo tương tự khi nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài về không có, nguyên liệu trong nước cũng không.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của xuất khẩu, Vifon muốn tiêu thụ các sản phẩm xuất khẩu tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, trên bao bì lại chỉ có tiếng Anh mà sản phẩm muốn bán nội địa cần có tiếng Việt. Do vậy, công ty xin chủ trương làm nhãn phụ bằng tiếng Việt để dán lên thùng sản phẩm ăn liền.
Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM Lý Kim Chi thông tin, các DN này cũng cấp khoảng 4 tỷ gói Mỳ tôm mỗi năm nên không thể để nguồn cung sản phẩm ăn liền bị gián đoạn do ngừng sản xuất.
“Kiến nghị cho phép doanh nghiệp tìm nguyên liệu gia vị phụ thay thế hoặc điều chỉnh tăng giảm hàm lượng phù hợp mà không ảnh hưởng đến chất lượng, tính an toàn và đặc trưng cơ bản của sản phẩm như trước đây. Doanh nghiệp cam kết tuyệt đối là sự điều chỉnh này không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Đây là giải pháp tạm thời trong ngắn hạn”, bà Chi nói.
Muốn nhưng không dễ
Phản hồi vấn đề trên, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM - bà Phạm Khánh Phong Lan - cho rằng, cần đề phòng trường hợp sau này những doanh nghiệp khác đi thưa kiện thương mại và Acecook, Vifon phải chuẩn bị cho việc đó.
Tinh thần của lãnh đạo TP.HCM là muốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng luật vẫn là luật. Việc cho phép điều chỉnh nguyên liệu mà giữ nguyên bao bì cần quy định rất rõ thời gian chứ không phải được chấp thuận rồi sau này doanh nghiệp làm không đúng.
“Nếu ban hành chính sách thì cũng không thể làm riêng cho Acecook hay Vifon mà phải là chính sách chung”, bà Lan nêu quan điểm.
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng, nếu đi giám định mà ruột trong gói mỳ tôm không đúng như thông tin trên bao bì sẽ đồng nghĩa với hành vi gian lận thương mại.
Ngoài ra, nhà sản xuất thì không phải ai cũng như ai, nếu có gian lận sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Do vậy, đối với việc ưu tiên cho hai doanh nghiệp cung cấp sản phẩm ăn liền lớn này, cần kiến nghị rất rõ và chi tiết.
“Nếu đề xuất không được đáp ứng, có thể ảnh hưởng đến lượng cung sản phẩm cho thành phố là bao nhiêu triệu gói mỳ tôm trong một ngày? Thời gian doanh nghiệp được phép áp dụng là bao lâu? Hội Lương thực thực phẩm cần có văn bản nêu cụ thể kiến nghị”, bà Thắng nói.
Bình luận