Phạm Thị Nhân (SN 1995) cho biết, em bị khiếm thị hoàn toàn khi vừa tròn 6 tuổi. Không thể đến trường như các bạn bè cùng trang lứa khiến em vô cùng buồn bã.
“Em bị sốc một thời gian vì không chấp nhận được sự thật cả quãng đời còn lại mình sẽ không còn thấy ánh sáng. Rồi em nghĩ, chẳng nhẽ mình lại trở thành gánh nặng cho bố mẹ và những người thương yêu mình. Sau đó, em xin bố mẹ tìm lớp học cho em với hi vọng duy nhất là đi học để có kiến thức, để sau này em sẽ trở thành một người có ích cho xã hội.
7 tuổi em may mắn được vào tham gia sinh hoạt và học tập tại Mái ấm ở quận Bình Tân (TP.HCM). Vậy là em đồng ý xa bố mẹ đi học xa nhà. Hồi ấy, mẹ em cũng lo lắng cho em lắm vì với một đứa trẻ bình thường 7 tuổi xa gia đình đã là điều rất khó khăn chứ chưa nói đến đứa trẻ không nhìn thấy ánh sáng như em. Biết bố mẹ băn khoăn, trước khi rời nhà lên thành phố em có hứa sẽ cố gắng thật tốt, sẽ học tập chăm chỉ để bố mẹ không phải lo lắng”, Nhân kể lại.
Ở môi trường mới, Nhân dần dần làm quen các bạn cùng trang lứa có hoàn cảnh giống mình tại trường tiểu học rồi THCS và THPT.
Nhân tâm sự: “Xa gia đình từ khi còn nhỏ, mọi thứ em đều phải học cách tự lập. Cũng có những lúc nhớ bố mẹ, nhớ nhà, tủi thân, chỉ mong được chạy về ngay ôm lấy mẹ nhưng em lại tự dặn mình phải mạnh mẽ để bố mẹ yên tâm. Vậy là em tự sắp xếp sinh hoạt của mình, tự sắp xếp thời gian học tập, mỗi một chặng em sẽ đặt ra những mục tiêu riêng và hoàn thành nó".
Không còn cơ hội nhìn thấy ánh sáng ngoài đời nhưng Nhân bắt nhịp với ánh sáng tri thức rất nhanh. Cô càng học càng ham, càng học càng tiến bộ.
May mắn, nhờ được rất nhiều người giúp đỡ cùng với nỗ lực của bản thân mà năm 2015, em thi đỗ vào Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học quốc gia TP.HCM và trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật, Nhân chia sẻ.
Vốn là cô gái thích âm nhạc và cũng có chút năng khiếu nên Nhân chọn theo học ngành sư phạm âm nhạc tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật.
Đến năm 2019, sau khi tốt nghiệp cao đẳng, Nhân quay lại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn để hoàn thành chương trình văn bằng 2 tiếng Anh, đồng thời lấy chứng chỉ IELTS trước sự ngưỡng mộ của rất nhiều người.
Nhân cho biết, quá trình học tiếng Anh của em cũng không hề dễ dàng vì với người khiếm thị, học thêm thứ ngôn ngữ nữa là phải chấp nhận sự gian khó và chăm chỉ.
Nhân học tiếng Anh như một niềm đam mê. Vốn yêu âm nhạc nên cứ rảnh là Nhân mở các chương trình âm nhạc bằng tiếng nước ngoài để luyện cho mình kỹ năng nghe và nói. Cô gái nghị lực này cho rằng đây là phương pháp để bản thân “tắm” trong ngôn ngữ.
Sau này nhờ khả năng phát âm chuẩn và truyền đạt tốt nên Nhân được nhận làm giáo viên đứng lớp giảng dạy tại một trung tâm Anh ngữ.
Theo chia sẻ của Nhân, việc trở thành giáo viên tại trung tâm Anh ngữ với người khiếm thị gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu soạn giáo án. Nhân thường soạn và chuyển giáo án dạng chữ nổi Braille, sau đó tiếp tục chuyển giáo án sang hình thức PowerPoint.
Trung tâm Anh ngữ cũng hỗ trợ Nhân một cách tối đa khi cử một nhân viên trợ giảng giúp cô trong công việc hằng ngày. Nhờ vậy, công việc dạy học của cô giáo khiếm thị cũng bớt vất vả hơn.
Nhân tâm niệm rằng người khiếm thị đúng là thiếu may mắn nhưng không phải như thế là mọi thứ chấm dứt. Hãy cứ đam mê, hãy cứ cố gắng thì chắc chắn may mắn sẽ mỉm cười với bạn. Quan trọng nhất là đừng bao giờ nằm một chỗ mà khóc lóc, hãy đứng lên ngay từ hôm nay là lên kế hoạch thực hiện những mục tiêu mới, chắc chắn các bạn sẽ thấy cuộc đời này còn vô vàn những điều tươi đẹp.
Bình luận