Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 12/3, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) lên tiếng về trách nhiệm của Bộ trong việc để xảy ra tình trạng xăng dầu lậu, xăng giả kém chất lượng quy mô lớn thời gian vừa qua, bất cập trong quản lý hệ thống phân phối, đặc biệt là việc phân giao hạn ngạch, tổng nguồn tối thiểu.
Ông Trần Duy Đông cho biết: Hoạt động kinh doanh xăng dầu chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Luật Đầu tư, Luật Chất lượng sản phẩm, Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu… Nhiều cơ quan có chức năng quản lý mặt hàng xăng dầu như Bộ Công an, Hải quan, Bộ Tài chính, Biên phòng, Cảnh sát biển, Bộ Công Thương.
Trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ được phân công, chịu trách nhiều về chất lượng, số lượng, pha chế. Các địa phương có trách nhiệm giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn và giám sát chất lượng xăng dầu trên địa bàn của mình.
Theo Nghị định 83, Bộ Công Thương có 3 trách nhiệm chính, gồm: Chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính giám sát việc thực hiện, điều hành giá đối với các thương nhân kinh doanh xăng dầu; đảm bảo nguồn cung cho sản xuất và người tiêu dùng và phát triển hệ thống phân phối, làm thế nào để phục vụ tốt cho sản xuất và tiêu dùng.
Ông Đông cho hay, thời gian qua, kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 83 cơ bản được thi hành, đáp ứng tốt. Tuy nhiên, có một số thương nhân có dấu hiệu, biểu hiện vi phạm Nghị định 83 trong việc duy trì những điều kiện kinh doanh.
Do đó, lãnh đạo Bộ Công thương cho hay, bộ thường xuyên có những đoàn kiểm tra, giám sát và hậu kiểm. Ngay trong cuối năm 2020, Bộ kiểm tra và sẽ có báo cáo để xử lý những thương nhân kinh doanh xăng dầu không đúng quy định.
“Bộ Công Thương luôn yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu đảm bảo thực thi pháp luật đầy đủ trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Bên cạnh đó, Bộ thường xuyên có văn bản yêu cầu thương nhân kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo trách nhiệm và thực hiện nghiêm túc các quy định về kinh doanh xăng dầu, trong đó duy trì điều kiện đầu tư kinh doanh, phát triển hệ thống để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất”, ông Đông nói.
Bộ Công Thương cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để làm tốt trong công tác phòng chống gian lận thương mại, cũng như giám sát hoạt động kinh doanh của các thương nhân kinh doanh xăng dầu.
Đồng thời bộ cũng đang soạn thảo, sửa đổi Nghị định 83 để khắc phục những bất cập, đảm bảo tính minh bạch hơn, tránh tình trạng phát triển không đi vào thực chất và tăng cường phối hợp để thanh tra, kiểm tra mặt hàng xăng dầu.
Bình luận