Trăng máu là hiện tượng thiên văn xảy ra khi Mặt trăng có màu đỏ thay vì màu sáng trắng nhưng thường lệ. Hiện tượng này được cho là thường xảy ra vào thời điểm chuyển giao giữa mùa hè và mùa thu.
Theo Daily Pooper, cụm từ 'trăng máu' không phải là thuật ngữ khoa học tuy nhiên nó thường được sử dụng để miêu tả màu sắc của Mặt trăng khi hiện tượng này xảy ra.
Ngoài màu sắc kỳ dị, trăng máu còn kéo theo nhiều lời đồn, truyền thuyết rùng rợn liên quan đến nó.
Tận thế
Với ánh sáng đỏ do khúc xạ màu sắc qua Trái đất, trăng máu khi xuất hiện thường được cho là dấu hiệu của tận thế.
Trong cuốn sách '4 mặt trăng máu' của mình, mục sư John Hagee, đến từ Texas, Mỹ không ngần ngại cho rằng đó là lời cảnh báo từ bầu trời, bằng cách sử dụng Mặt trăng, Trái đất và Mặt trời để tạo ra các dấu hiệu cảnh báo về ngày tận thế.
Trong thời cổ đại, nhiều truyền thuyết về thiên tai thảm khốc được cho là có liên quan đến hiện tượng trăng máu như động đất, sóng thần hay mùa màng thất thu, dịch bệnh.
Các nhà khoa học lý giải, nguyên nhân của những truyền thuyết trên có thể do khi trăng máu xuất hiện, Mặt trăng ở gần Trái đất nhất nên tạo ra lực hút lớn hơn 42% so với khi nó ở xa Trái đất nhất.
Phát điên
Trong các truyền thuyết về trăng máu, rùng rợn nhất đó là câu chuyện nhiều người sẽ phát điên khi hiện tượng này xảy ra.
Ở nước Anh, vào thời Trung cổ, việc phòng chống tội phạm giết người gắn liền với hiện tượng trăng máu và trăng tròn. Theo đó, tại Bệnh viện tâm thần London, các bệnh nhân sẽ bị cùm chắc trong kỳ trăng tròn.
Thậm chí, thầy thuốc vĩ đại Hippocrates cũng tin rằng có sự liên hệ giữa trăng tròn với việc con người trở nên nguy hiểm, điên rồ.
Tuy nhiên, trang mạng Seeker dẫn nghiên cứu của các nhà khoa học Ivan Kelly, James Rotton và Roger Culver cho rằng, không có mối liên hệ đáng kể giữa hiện tượng trăng máu với thiên tai hay tỷ lệ giết người.
Sự thật
Hiện tượng trăng máu xuất hiện khi Trái đất ở gần Mặt trăng nhất, khiến kích thước của Mặt trăng lớn hơn 8% so với bình thường và trùng với thời điểm xảy ra nguyệt thực một phần, lúc Mặt trăng đi vào bóng của Trái đất khiến nó đổi màu.
Trên thực tế, khi nguyệt thực một phần xảy ra, ánh sáng từ Mặt trời đến Mặt trăng sẽ bị Trái đất che khuất và in bóng đen lên bề mặt Mặt trăng.
Tuy nhiên, khi trăng máu xảy ra, ánh sáng của Mặt trời vẫn đến được Mặt trăng nhưng phải trải qua quá trình khúc xạ ở bầu khí quyển của Trái đất.
Điều này là nguyên nhân dẫn đến ánh sáng đỏ trên bề mặt Mặt trăng và nó hiếm khi xảy ra hơn so với nguyệt thực một phần hay toàn phần.
Bình luận