Táo đỏ khô là loại thảo dược bổ dưỡng được nhiều người yêu thích. Vậy nhưng dùng sai cách cũng không tốt cho sức khỏe.
Tổng quan về táo đỏ khô (táo tàu)
Táo tàu là loại cây ăn quả có thân gỗ nhỏ. Cây có chiều cao khoảng 5 – 12 mét, phân nhiều cành mọc um tùm tỏa ra hai bên giống như một bụi cây, trên cành có thể có nhiều gai. Lá đơn, mọc đối so le trên các cành nhỏ, nhọn ở đầu, sớm rụng.
Cây táo tàu cho ra nhiều hoa nhỏ màu trắng, vàng hoặc máu ánh lục. Quả táo tàu thuộc dạng quả hạch, hình trứng, hơi lõm ở đầu. Khi còn non quả màu xanh lục, vỏ ngoài láng bóng và vị hơi chua. Khi táo già hoặc chín, màu quả chuyển sang sắc đỏ hoặc đen ánh tía, vỏ ngoài co nhúm lại, nhăn nheo, hình dáng trông giống với quả chà là nhỏ.
Theo Đông y, táo tàu khô tác dụng bổ tỳ vị, lợi khí, sinh tân dịch, cường lực, chỉ thấu, bổ huyết, an thần, giải độc dược, điều hòa các loại thuốc.
Chủ trị tỳ vị hư nhược, tiêu chảy, kém ăn, hồi hộp, suy nhược cơ thể, bồn chồn khó ngủ, lở loét ngoài da, táo bón, nghẹt mũi…
Tác dụng của táo tàu theo nghiên cứu hiện đại:
Ngăn ngừa, hỗ trợ điều trị ung thư: Thành phần vitamin C, axit triterpenic và polysacarit trong táo tàu có thể giúp ức chế, tiêu diệt các tế bào ác tính, ngăn chặn không cho ung thư lan rộng.
Tác dụng trên hệ tim mạch: Táo tàu cung cấp nhiều kali giúp ổn định huyết áp, phòng chống các bệnh lý về tim mạch.
Đối với hệ tiêu hóa: Saponin, tritrerpernoid và chất xơ tác dụng ổn định chuyển động ruột, ngăn ngừa táo bón, tăng cường hấp thu các chất dinh dưỡng và cải thiện sức khỏe đường ruột.
Trên hệ tuần hoàn: Chất sắt và photpho trong táo tàu làm tăng sản xuất tế bào hồng cầu, kích thích lưu thông tuần hoàn máu trong toàn bộ cơ thể. Ngoài ra, các chất alkaloid và triterpenoid còn giúp loại bỏ độc tố trong máu, thanh lọc máu.
Kháng khuẩn, chống virus: Flavornoid và vitamin C trong dược liệu có đặc tính kháng khuẩn, chống lại sự xâm nhập của vi trùng, virus cảm cúm xâm nhập vào cơ thể.
Công dụng của táo tàu với hệ miễn dịch: Chất polysacarit khả năng trung hòa các gốc tự do, làm chậm tiến trình oxy hóa trong cơ thể, qua đó cải thiện chức năng hoạt động của hệ miễn dịch.
Ngoài quả, hạt táo tàu cũng có nhiều tác dụng tốt như an thần, chữa mất ngủ, chống co giật, bảo vệ tế bào não, kích thích mọc tóc. Lá táo tàu chữa bệnh trĩ, cải thiện sức khỏe xương khớp.
Tác hại của táo tàu nếu dùng sai cách
Trả lời trên Tuổi trẻ, bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, cảnh báo hiện nhiều người đang sử dụng các vị thuốc bổ trong đông y thành thực phẩm bổ dưỡng nhưng điều đó gây hại cho cơ thể. Chẳng hạn, phong trào ăn táo đen, táo đỏ sấy để bồi bổ và chữa bệnh là lợi bất cập hại.
Bác sĩ Hướng phân tích, đại táo - còn được gọi là táo tàu, táo đen, hồng táo - là vị thuốc rất thông dụng trong y học cổ truyền, được mệnh danh là "đệ nhất" trong các sản phẩm đại tư bổ.
Theo dược học cổ truyền, đại táo vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ trung ích khí, dưỡng huyết an thần, thường được dùng để chữa nhiều mặt bệnh.
Vì thế, trong hầu hết các thang thuốc đông y thường có vài ba quả táo. Táo bổ nhưng không được dùng nhiều, bởi táo thuốc loại chua, ướp ngọt, sấy khô ngoài chất bảo quản thì ăn nhiều sẽ hại đến tỳ vị, đặc biệt là dạ dày và đường ruột.
Hơn nữa, táo là vị thuốc "dược bổ", không phải là chất nuôi dưỡng cơ thể nên bồi bổ cũng phải được thực hiện theo y học cổ truyền, nhận rõ sự khác biệt giữa hư, thực, hàn, nhiệt và âm dương khí huyết của từng cá thể để rồi trên cơ sở đó lựa chọn vị thuốc, bài thuốc có tính ôn (ấm), nhiệt (nóng), hàn (lạnh), lương (mát) và có tác dụng bổ khí, bổ huyết, bổ âm, bổ dương cho phù hợp theo biện chứng luận trị.
Việc nghe theo quảng cáo, dùng không đúng, hoặc dùng quá nhiều sẽ gây hại cho cơ thể.
Còn theo lương y Hoàng Duy Tân, nguyên phó chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai, Việt Nam chưa thấy báo cáo về tác hại của việc lạm dụng đại táo. Nhưng tại Trung Quốc, báo cáo của Y viện Bắc Kinh cho thấy, những năm vừa qua tổng cộng có 7 ca sỏi táo dạ dày được điều trị nội trú bằng bài thuốc "Gia vị tiểu thừa khí thang". Trước khi điều trị, các bệnh nhân đều có bệnh sử ăn quá nhiều táo và bị sỏi táo trong dạ dày.
Biện chứng đông y cho là ăn quá nhiều táo ngưng tụ thành ra tích (khối u). Phép trị là tiêu đạo công tích, gồm các vị: Chế xuyên phác 9g, Sinh sơn tra 15g, Thần khúc 15g, Sinh mạch nha 15g, Chỉ thực 9g, Sinh địa hoàng 9g, Binh lang 15g.
Mỗi ngày sắc một thang, chia hai lần uống. Sau năm ngày bắt đầu đi ngoài ra táo, sau đó một tuần tổng cộng đã thải hơn một chục cục to bằng hạt đào, uống thuốc hai tuần thì ra sạch. Kiểm tra dạ dày thấy hết cục, loét cũng khỏi.
Báo Trung Quốc cũng nêu trường hợp một cô gái 18 tuổi, mua 1kg đại táo rồi vừa chơi game vừa ăn một lúc hết 1kg đại táo. Sau đó cô gái đau bụng dữ dội, phải nhập viện và soi thấy trong ruột có khối u gây tắc ruột. Mổ ra, các bác sĩ thấy khối u được hình thành do nhục của đại táo kết dính lại.
Trước đó, một người đàn ông 57 tuổi do bụng trên đau chướng đầy một tháng mà vào viện. Một tháng trước bệnh nhân ăn táo tươi ước 40-50 quả và hai quả thị, ăn xong thì thấy bụng đau kéo dài, đầy chướng khó chịu, nửa tháng nay bệnh càng nặng.
Nội soi dạ dày có ba cục to bằng hạt đào cho đến bằng nắm tay, mật độ không đều, có thể di động, có hình ảnh vết loét ở bờ cong nhỏ. Chẩn đoán là sỏi táo dạ dày và loét ở bờ cong nhỏ.
Bình luận