• Zalo

Tác hại của cây đinh lăng ít người biết

Tư vấnThứ Bảy, 13/05/2023 16:10:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Đinh lăng là loại cây quen thuộc được nhiều người biết đến, tuy nhiên rất ít người biết đến tác hại của cây đinh lăng với sức khỏe.

Hầu hết mọi người mới chỉ biết đến tác dụng của cây đinh lăng mà ít người chú ý đến những tác hại của đinh lăng nếu sử dụng sai cách. Dưới đây là tác hại của cây đinh lăng ít người biết.

Những tác hại của cây đinh lăng là gì?

Theo Đông y, mọi bộ phận trên cây đinh lăng đều có thể dùng được, tuy nhiên, mỗi bộ phận sẽ có những cách dùng khác nhau. Chẳng hạn như:

Lá đinh lăng phải mang phơi khô, sao vàng, hạ thổ thì mới có thể dùng làm gối nằm để trị mồ hôi trộm, đau đầu, tăng cường trí nhớ.

Thân cây đinh lăng băm nhỏ, sao vàng, hạ thổ, để sắc nước uống.

Rễ đinh lăng (phần củ nằm dưới) có thể dùng để ngâm rượu uống. Còn đối với cành cây đinh lăng chỉ dùng để làm giống chứ ít khi sắc nước uống.

Người ta thường thu hái đinh lăng vào mùa đông, trên những cây trồng từ 3 tuổi trở lên, đặc biệt phần rễ (củ) cây đinh lăng từ 6 tuổi trở lên sẽ rất quý. Tuy nhiên, trong rễ cây đinh lăng chứa chất ancaloit, nếu dùng nhiều sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt…

Bài viết của TS.BS Trần Bá Thoại - Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam trên Báo Dân trí nêu rõ, cũng là dược chất, chiết xuất của đinh lăng cũng có liều lượng dùng và liều gây độc. Trên chuột, liều chết LD 50 của đinh lăng là 32,9g/kg (nhân sâm 16,5g/kg, ngũ gia bì 14,5g/ kg). Ở liều độc gây xung huyết ở gan, tim, phổi, dạ dày, ruột. Saponin trong đinh lăng có thể gây huyết tán (vỡ hồng cầu). Ở người, uống quá nhiều đinh lăng sẽ bị say, mệt mỏi, tiêu chảy.. Đinh lăng là một thực phẩm chức năng hay thực phẩm thuốc, phần dược chất tập trung ở mủ nhựa phần vỏ thân hay rễ cây. Cần khai thác, sử dụng đúng cách đúng liều lượng.

Ngoài ra, trong rễ cây đinh lăng có thành phần saponin - khả năng tán huyết, đánh vỡ các hồng cầu trong cơ thể. Cho nên uống rượu đinh lăng chỉ nên giới hạn dùng 3-4 ly/1 lần dùng.

Đặc biệt, hiện nay không có nhiều nghiên cứu về lợi ích sức khỏe của cây đinh lăng đối với phụ nữ đang mang thai và cho con bú, vì thế, cần thận trọng khi sử dụng.

Những người đang bị bệnh gan hoặc đang dùng thuốc điều trị các bệnh lý cũng cần tham khảo thêm ý kiến bác sĩ khi sử dụng đinh lăng với mục đích trị bệnh.

Tác hại của cây đinh lăng ít người biết - 1

Đinh lăng nếu sử dụng sai cách có thể gây ra những tác hại không mong muốn với sức khỏe

Những điều cần lưu ý khi sử dụng cây đinh lăng

Để làm thuốc, rễ đinh lăng thu về ở những cây đã trồng được từ 3 năm trở lên, lúc này rễ mềm và cây chứa nhiều hoạt chất.

Rũ hết đất cát, cắt bỏ phần gốc thân, rửa sạch. Đối với rễ chính (rễ to), dùng dao sắc tách lấy vỏ rễ, bỏ phần gỗ. Rễ phụ (rễ con) thì dùng cả. Đem thái mỏng, phơi khô hoặc sấy lửa nhẹ để bảo đảm mùi thơm và phẩm chất của dược liệu.

Khi dùng, để nguyên hoặc tẩm rượu gừng sao qua, rồi tẩm mật ong, sao thơm.

Còn dùng thân cành và lá, thu hái quanh năm, để tươi hoặc phơi, sấy khô.

Một số bài thuốc có đinh lăng thường dùng

Chữa sốt lâu ngày, nhức đầu, háo khát, đau tức ngực, nước tiểu vàng

Vỏ rễ đinh lăng 30g, lá hoặc vỏ quả chanh 10g, vỏ quýt 10g, rễ sài hồ 20, lá tre 20g, rau má 30g, cam thảo dây 30g, chua me đất 20g. Tất cả thái nhỏ, đổ ngập nước, sắc đặc lấy 250ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.

Chữa thiếu máu

Rễ đinh lăng, thục địa, hà thủ ô đỏ, hoàng tinh, mỗi vị 100g, tam thất 20g, tán nhỏ, rây bột mịn, sắc uống ngày 100g.

Chữa bong gân

Lá đinh lăng 80g, vỏ cây gạo 40g (cạo bỏ vỏ đen), chân cua sống 40g, tô mộc 20g, nụ đinh hương 5 cái.

Lá đinh lăng, vỏ gạo, chân cua rửa sạch bằng nước muối, giã nhỏ; tô mộc tán thành bột mịn, đinh hương tán riêng. Tất cả trộn đều, đắp, nẹp cố định và băng lại. Mỗi ngày một lần.

Trên đây là một số bài thuốc từ đinh lăng cũng như những tác hại của cây đinh lăng nếu sử dụng sai cách. Lưu ý, đinh lăng cũng là một vị thuốc Đông y, nếu bạn muốn sử dụng đinh lăng để hỗ trợ điều trị bệnh vẫn cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ.

Thanh Thanh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn