Sau khi tin ông Joe Biden chiến thắng cuộc bầu cử Mỹ 2020 được truyền thông rầm rộ công bố, các nước trên thế giới liên tục gửi lời chúc mừng ứng cử viên đảng Dân chủ, nhưng một số nhà lãnh đạo vẫn giữ im lặng.
Sự im lặng này báo trước về những thách thức mà ông Biden phải đối mặt trong tương lai cũng như phản ánh phương pháp ngoại giao độc đáo của ông Trump.
Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn giữ im lặng về vấn đề này kể từ khi ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden được truyền thông tuyên bố thắng cử hôm 7/11.
Hôm 9/11, Điện Kremlin cho biết Nga sẽ chỉ đưa ra bình luận sau khi có xác nhận chính thức từ các cơ quan thẩm quyền của Mỹ về chiến thắng của ông Biden.
Tổng thống Putin từng nhiều lần nói rằng ông sẵn sàng làm việc với bất kỳ nhà lãnh đạo nào của Mỹ, và cho biết Nga hy vọng có một cuộc đối thoại với Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ mới để tìm cách bình thường hóa quan hệ hai nước.
Trung Quốc
Chủ tịch Tập Cận Bình có vẻ đang tránh làm phật lòng nhà lãnh đạo tiếp theo của Mỹ. Trong khi các phương tiện truyền thông tiếng Anh kỳ vọng sự cạnh tranh gay gắt giữa Trung – Mỹ tiếp tục dưới thời ông Biden thì Trung Quốc kỳ vọng chính quyền Biden sẽ giúp làm dịu quan hệ hai nước.
Khác với ông Tập, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã nhanh chóng gửi lời chúc tới ông Biden.
Brazil
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro gọi đương kim Tổng thống là "Trump của vùng nhiệt đới" và từng cho biết ông hy vọng rằng ông Trump sẽ tái đắc cử.
Tại một sự kiện hôm 7/11, ông Bolsonaro bình luận ngắn gọn về chính sách đối ngoại và Mỹ, nhưng không nhắc cụ thể đến chiến thắng của ông Biden.
"Tôi không phải là người quan trọng nhất ở Brazil, cũng như ông Trump không phải là người quan trọng nhất trên thế giới, như chính ông ấy từng nói", Tổng thống Bolsonaro nói.
Mexico
Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador hôm 7/11 nói rằng việc chúc mừng sớm là "thiếu thận trọng".
“Tôi muốn đợi đến khi quá trình bầu cử kết thúc”, ông López Obrador nói.
Tổng thống Trump từng nói mối quan hệ của ông với Tổng thống Mexica là "khó tin”. Hai nhà lãnh đạo có mối quan hệ tốt nhờ Tổng thống Mexico nỗ lực ngăn chặn người di cư Trung Mỹ và bày tỏ sẵn sàng đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ.
Triều Tiên
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un từng 3 lần gặp Tổng thống Mỹ Trump, trong đó có 2 cuộc gặp chính thức.
Tuy nhiên, Triều Tiên là quốc gia đã đưa ra nhiều thách thức an ninh lớn đối với lãnh đạo Nhà Trắng trong hàng thập kỷ, bởi vậy nước này có thể sẽ giữ im lặng về kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Một cuộc điều tra cho thấy các phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên từ năm 1996 không đề cập đến người chiến thắng sau cuộc bầu cử.
Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và đất nước ông nhận được nhiều lợi ích từ các chính sách của ông Trump đối với vùng Trung Đông, cũng như với cuộc chiến ở Syria.
Vì nguyên nhân đó, ông Erdogan vẫn chưa gửi lời hỏi thăm đến ứng cử viên Joe Biden khi ông Donald Trump thua cuộc bầu cử. Ngoài ra, ông Erdogan hiện đang trốn tránh các lệnh trừng phạt vì Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, trong khi ông Biden từng kêu gọi Mỹ hỗ trợ các đảng đối lập trong Thổ Nhĩ Kỳ.
“Tổng thống Erdogan... là người cứng rắn, nhưng tôi hòa hợp với ông ấy”, ông Trump nói về Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2019.
Bình luận