Mâm cỗ ngày Tết Nguyên đán của người Việt thường được chuẩn bị rất thịnh soạn, đầy đủ. Việc này không chỉ thể hiện cho sự no ấm, hạnh phúc mà còn mong ước có một năm mới đầy đủ và phát đạt. Dưới đây là một số món ăn ngon không thể bỏ qua trong ngày Tết tại ba miền Bắc – Trung – Nam.
Bánh chưng: Bánh chưng là món có lịch sử lâu đời trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Do đó trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Bắc sẽ không thể thiếu món ăn này. Bánh tượng trưng cho mặt đất, được dùng để thể hiện lòng biết ơn của hoàng tử Lang Liêu với Vua Hùng đời thứ 16 và đất trời.
Sự kết hợp hài hòa giữa gạo nếp dẻo, đậu ngọt bùi, tiêu cay nhẹ và thịt mỡ béo ngậy đã tạo nên một hương vị ngày Tết không thể lẫn vào đâu được, một thứ bánh ngon tròn vị. Khung cảnh ngồi đợi nồi bánh chưng chín đã đi vào tiềm thức của người dân miền Bắc mỗi khi Tết đến.
Không chỉ được bày trong các mâm cỗ cổ truyền của người miền Bắc mà món ăn này còn được dùng để làm quà tặng cho người tân hay bạn bè đều được.
Xôi gấc: Xôi gấc được nấu từ gạo nếp ngon và được trộn với gấc tươi rồi cho vào nồi hấp. Sau khi được đun chín thì xôi sẽ có màu đỏ tươi rất đẹp và hấp dẫn. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị dẻo của gạo nếp, vị béo của nước cốt dừa và vị ngọt của đường.
Dưa hành: Trong mâm cơm ngày Tết của người Việt có rất nhiều món ngon, từ cao lương mĩ vị cho đến những món vô cùng giản dị, dân dã. Và một trong những món dân dã nhưng lại có vị trí đặc biệt trong mâm cỗ cổ truyền của người miền Bắc đó chính là món hành muối chua, hay còn gọi là dưa hành.
Với vị chua chua cay nhẹ và được dùng để ăn kèm cùng với bánh chưng hay thịt đông vô cùng ngon. Đây chính là món chống ngán hữu hiệu nhất trong ngày Tết. Cho dù cuộc sống luôn thay đổi nhưng chắc chắn một điều rằng, Việt Nam còn Tết thì sẽ còn bánh chưng và dưa hành.
Giò: Với vị trí trung tâm của mâm cỗ ngày Tết Âm lịch nên giò dường như là một trong những món ăn chắc chắn phải có. Có ý nghĩa là “trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà”, một phần không thể thiếu của ẩm thực Việt.
Món ăn ngon này được làm từ thịt heo, giã nhuyễn trong cối đá và gói bằng lá chuối rồi luộc chín. Những miếng giò trắng mịn, giòn dai, thơm ngon không chỉ là món ăn ngon mà có thể dành tặng cho những thành viên trong gia đình mình.
Bánh tét: Bánh tét có ý nghĩa là sự hội tụ của đất và trời, một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người miền Trung. Nếu miền Bắc có bánh chưng được gói bằng lá dong thì bánh tét miền Trung gói bằng lá chuối.
Mặc dù giống nhau về nguyên liệu nhưng bánh tét được gói lại thành từng đòn hình trụ. Nhờ sự đơn giản của bánh mà người ăn có thể cảm nhận rõ rệt vị ngon của từng nguyên liệu bên trong, rất ngon và hấp dẫn.
Nem chua: Nếu có dịp tới chơi Tết tại miền Trung bạn sẽ được người dân ở đây đãi vài chung rượu và “mồi” là những chiếc nem chua. Món ăn đặc sản này được làm từ thịt heo, sau khi đã được tẩm ướp gia vị, thịt được gói lại trong lá ổi, lá chùm ruột để trong vài ngày có vị chua thanh, giòn giòn, cay cay. Nem chua miền Trung thường mịn màng, hương vị dịu nhẹ và được ăn kèm tép tỏi để cho tăng hương vị.
Dưa món: Nếu như miền Bắc trong ngày Tết có dưa hành thì miền Trung lại có dưa món. Được kết hợp từ nhiều nguyên liệu khác nhau như củ cải, cà rốt, dưa leo, đu đủ, củ kiệu,… đã tạo nên món ăn ngon không thể cưỡng nổi.
Mặc dù nghe qua có vẻ đơn giản nhưng để có thể làm được dưa món đầy sắc và vị thì tốn không ít thời gian và sự tỉ mỉ. Lát bánh tét dẻo mềm ăn kèm với dưa món giòn giòn, chua chua đem đến cho người ăn cảm giác lạ miệng rất khó quên, một hương vị rất riêng trong những ngày Tết.
Tôm chua: Một món ăn nữa không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Trung đó chính là tôm chua, đặc sản của Huế.
Vị ngọt bùi của tôm, béo ngậy của thịt, vị cay và thơm của riềng, tỏi ớt, vị chua của khế, chát của vả, hương của các loại rau thơm,… Tất cả tạo nên một “bản hòa tấu hương vị” hấp dẫn khiến bất kì ăn qua một lần sẽ phải nhớ mãi.
Thịt kho nước dừa: Trong vô số các món ăn ngon tại Sài Gòn thì món ăn Tết truyền thống nổi tiếng nhất đối với người dân miền Nam có lẽ chính là thịt kho nước dừa, hay còn gọi với cái tên khác là thịt kho rệu, thịt kho hột vịt.
Những ngày giáp Tết, bên cạnh công việc nấu bánh tét thì các hộ gia đình Nam Bộ còn hay chuẩn bị một nồi thị kho nước dừa to để ăn vào những ngày này. Món này trông rất hấp dẫn, dễ ăn và rất ngon miệng. Nếu bạn muốn thưởng thức món này mà không cảm thấy ngấy thì bạn có thể ăn món này kèm dưa giá.
Củ kiệu tôm khô: Điều đặc biệt ở miền Nam khác hoàn toàn với miền Trung đó chính là củ kiệu không ăn cùng với bánh tét, mà thường ăn kèm tôm khô thành một món riêng. Củ kiệu được ngâm chua ngọt, khi ăn kèm tôm khô thì rắc thêm miếng đường cát sẽ khiến cho món ăn có đủ vị giòn, dai, hăng, mặn, ngọt để cánh mày râu nhâm nhi ngon lành thú vị.
Dưa giá: Với đặc tính mát, vị giòn ngon nên món dưa giá được rất nhiều người lựa chọn để giải nhiệt trong những ngày Tết.
Dưa giá ăn cùng với cơm, cuốn bánh tráng, tuy nhiên thích hợp nhất vẫn là ăn kèm thịt kho hột vịt vì tác dụng giải ngấy rất hiệu nghiệm trong ngày Tết. Thành phần chủ yếu tạo nên món dưa giá bao gồm giá, hẹ, cà rốt, rất bổ dưỡng cho cơ thể.
Lạp xưởng: Một trong những món phổ biến ở miền Nam mà bất kì ai cũng biết đến đó là món lạp xưởng. Cứ mỗi khi Tết, nhu cầu tìm mua lạc xưởng không thể thiếu trong mâm cơm người dân Nam Bộ. Với rất nhiều loại lạp xưởng từ tươi, khô, nạc, tôm, cá…
Lạp xưởng có thể chế biến bằng nhiều cách như luộc, chiên, nướng trước khi ăn. Một trong những cách mà được nhiều người ưa chuộng là chiên bằng nước (không dùng dầu), vừa ngon mà còn an toàn cho sức khỏe.
Bình luận