Các loại gỗ đã và đang được coi là “đắt như vàng” đều là những loại tốt, nhưng tại sao chúng có giá tới hàng triệu, hàng tỷ đồng thì không ai lý giải nổi.
Cho đến này chưa có công trình nghiên cứu nào chứng minh được độ quý hiếm và giá trị thực sự của những loại gỗ này, nhưng những đồn thổi về công năng và độ quý hiếm đã tạo ra một nhu cầu lớn trong giới sưu tập.
Gỗ sưa có ma lực tâm linh...
Nhiều người tin rằng: cây sưa mang một giá trị tâm linh rất lớn. Ngày xưa khi các vị vua chúa băng hà, người ta thường lấy gỗ sưa để đóng quan tài, mài gỗ cây sưa thành bột để rắc vào bên trong quan tài với niềm tin rằng linh hồn người nằm trong quan tài sẽ sớm được siêu thoát.”.
Tuy nhiên, GS Nguyễn Lân Dũng – Chủ tịch Hội các ngành sinh vật Việt Nam cho biết, xét về giá trị lâm nghiệp thì cây Sưa cũng chỉ giống như nhiều loại cây khác, cây gỗ sưa đơn giản chỉ là một loại cây lâm nghiệp có giá trị về gỗ.
Gỗ Sưa hay còn được gọi là cây Huê, mọc rất thưa thớt trong tự nhiên, chủ yếu trên các vách lèn đá vôi hiểm trở. Cây sưa thường có lõi to, săn chắc, không bị nứt, cong vênh, lại có hoa văn đẹp.
Thế nhưng, gỗ sưa từng được đồn bán với giá 11 tỉ đồng một mét khối, có lẽ vì cái giá trên trời ấy mà nhiều người đã bất chấp tính mạng và cả pháp luật để băng rừng vượt núi để săn lùng.
Những người có kinh nghiệm lâu năm đi rừng chia sẻ rằng thực sự họ không biết gỗ này dùng để làm gì chỉ biết các đầu nậu Trung Quốc gom hàng với giá cao để kiếm lời, giá sưa đẩy lên cao chót vót một phần là do các thương lái tranh giành lẫn nhau từng lạng gỗ, thậm chí họ không bỏ sót cả gỗ rác và mùn cưa.
Thuỷ tùng: Thần dược từ thời tiền sử
3 năm trước rộ lên tin đồn gỗ thuỷ tùng hay còn gọi là thông nước có thể chữa được cả bệnh ung thư và hàng trăm bệnh nan y khác. Ngoài ra gỗ thủy tùng rất tốt vì nó không bị mối mọt, có màu nâu đỏ với viền màu vàng rất đẹp nên được ưa chuộng để xây nhà, làm đồ mỹ nghệ, đồ dùng cao cấp.
Do được biết loài cây này rất hiếm, vân gỗ lại đẹp nên dân chơi đồ gỗ bỏ nhiều tiền để sưu tầm tạo nên cơn sốt gỗ thủy tùng.
Theo một tay buôn thủy tùng thì các thân gỗ lớn đều được các đại gia ở nơi khác mua lại, thân càng lớn, vân đẹp thì giá trị càng cao. Nhu cầu thủy tùng rất lớn nên các vựa gỗ luôn nằm trong tình trạng cháy hàng.
Hiện nay, trên thế giới chỉ còn sót lại 2 quần thể cuối cùng ở huyện Ea H’Leo và Krông Năng, tỉnh Đắc Lắc với khoảng 280 cây. Người dân khắp nơi kéo nhau hai khu bảo vệ thủy tùng cuối cùng này ngày đêm đào bới, săn tìm khiến cho loài cây này rơi vào nguy cơ tuyệt chủng.
Thuỷ tùng có tên trong sách đỏ Việt Nam và những hành vi khai thác, vận chuyển và mua bán thủy tùng đều phải xử lý hình sự.
Trầm Hương: Loài cây bí ẩn
Trầm hương sinh ra từ cây dó bầu, nhưng không phải cây dó bầu nào cũng có thể sinh ra trầm. Trong rừng tự nhiên từ 1.000 đến 1.500 cây dó bầu mới có một cây có trầm. Trầm hương là một vị thuốc hiếm và đắt trong Ðông y, vị cay, tính hơi ôn, vào 3 kinh tỳ, vị và thận, có tác dụng giáng khí nạp thận, bình can tráng nguyên dương, chủ yếu chữa các bệnh đau ngực bụng, nôn mửa, bổ dạ dày, hen suyễn, bí tiểu tiện. Ngoài ra còn có tác dụng giảm đau, trấn tĩnh.
Trầm tập trung chủ yếu ở 6 nước: Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Indonesia, Malaysia, trong đó trầm Việt Nam có dược lý tốt nhất, nhà khoa học Nhật Bản và Trung Quốc cũng xác nhận trầm Việt Nam có nhiều hoạt chất mà trầm các nơi khác không có được. Có lẽ cũng vì thế mà các thương lái Trung Quốc luôn ráo riết săn lùng trầm hương Việt Nam, điều này khiến Trầm Hương có mức giá không tưởng.
Năm 2008, dư luận xôn xao bàn tán về chuyện cây trầm hương trong vườn nhà bà Mai Thị Nguyệt, tỉnh Quảng Nam có giá 1 tỷ đồng . Một số người đi rừng tìm trầm lâu năm còn cho rằng cây trầm này thậm chí giá trị còn hơn thế vì đã tích tụ được một khối lượng lớn kỳ nam (từ 10.000 đến 20.000 cây có trầm mới có một cây có kỳ nam).
Gỗ đổi màu, mốt mới của các đại gia
Cũng giống như thời trang, thay đổi từng năm từng mùa, gu sưu tập đồ gỗ của giới nhà giàu Việt Nam cũng đang đổi mới đa dạng và phong phú hơn. Nếu như trước đây sưu tập gỗ sưa, thuỷ tùng hay trầm hương là sành điệu thì cái tên được giới sưu tập đồ gỗ nhắc đến nhiều nhất hiện nay là gỗ đổi màu.
Gỗ đổi màu là loại gỗ có khả năng đổi màu theo ánh sáng và nhiệt độ và thường dùng để chế tác các đồ vật trang trí trong nhà như lộc bình, tượng hay lọ hoa. Ban đầu gỗ có màu trắng xám nhạt, sau khi cây được bóc vỏ vài ngày thì gỗ chuyển sang màu xanh thẫm hoặc xanh ngọc với vẻ ngoài bóng đẹp như đá, nhưng vẫn nổi rõ đường vân với hoa văn đẹp như thủy tùng. Dân trong nghề còn gọi cây này với những cái tên khác nhau như: trắc xanh, trắc tía, bách xanh, tắc kè, kỳ đà…
Cơn sốt gỗ đổi màu bùng phát mạnh mẽ nhất ở huyện Krông Năng tỉnh Đắk Lắk. Chủ một xưởng mộc ở xã Cư K’lông cho biết một khúc gỗ khoảng nửa mét sau khi chế tác thành phẩm có giá khoảng vài triệu đồng tuỳ theo độ đẹp của vân gỗ và màu sắc biến đổi. Còn cặp lục bình cao khoảng 1,5 mét thì có giá 30 triệu đồng.
Bất chấp mọi quy định và xử phạt của cơ quan chức năng, người dân vẫn đổ xô vào rừng khai thác trái phép với khối lượng lớn sẽ dẫn đến tận diệt loại cây này, gây thiệt hại tài nguyên rừng và làm mất tính đa dạng sinh học của các khu rừng trên địa bàn.
Theo Vietnamnet
Bình luận