• Zalo

Những đề xuất trước Đại hội Đảng XIII

Tin tức Đại hội ĐảngThứ Ba, 12/01/2021 11:25:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Kỳ vọng nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng sẽ sáng suốt, có chương trình hành động thiết thực hơn, kinh tế hơn, vượt qua các lợi ích nhóm, tiến tới lợi ích của nhân dân.

Bên thềm Đại hội XII của Đảng 5 năm trước, cũng trên báo VTC News có đăng kiến nghị 4 vấn đề cấp bách hàng đầu của tôi đề đạt đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước cần quan tâm. Sau 5 năm nhiệm kỳ của Đại hội XII, kiểm điểm lại tôi rất cảm kích thấy rằng 4 vấn đề đó đều đã được quan tâm, nhưng ở những mức độ khác nhau.

Vấn đề thứ nhất là “Đổi mới chính sách thế nào để tạo ra một xã hội trong sạch (không gian dối, không tham nhũng) làm gương trước tiên là đảng viên, cán bộ đương chức đương quyền nhất là cán bộ thuế quan”, phải chờ đến gần cuối nhiệm kỳ xã hội mới thấy được một số quan chức bị phát hiện và bị trừng phạt.

Vấn đề thứ hai là “Đổi mới chính sách làm sao không bị thất thoát thuế (qua câu kết giữa người mua và người bán; người làm ra tiền và người thu thuế; thuế suất thấp để khuyến khích làm nhiều; thuế suất cao để hạn chế xài nhiều; nghiêm túc truy người/công ty trốn thuế hoặc nhiều hình thức rửa tiền)” thì tuy đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn thất thu nhiều.

Vấn đề thứ ba là “Đổi mới chính sách làm sao tạo điều kiện để mọi người làm ra được nhiều tiền để có thể đóng góp vào ngân sách quốc gia”.

Những đề xuất trước Đại hội Đảng XIII - 1

Giáo sư Võ Tòng Xuân.

Xã hội ta có nhiều việc làm lương cao nhưng khó chọn được người lao động có trình độ, tay nghề thích hợp, vì hệ thống giáo dục và đào tạo của Việt Nam vừa đi sau các nước tiên tiến, vừa bị quản lý kém hiệu quả nên vẫn còn rất nhiều gian dối từ học sinh và thầy cô, đến nhà trường, đến Phòng Giáo dục, lến đến Bộ Giáo dục.

Đặc biệt là đối với phần nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn còn gặp khó khăn vì trình độ quản lý chuyên môn và vì hiện trạng chưa được các bộ, ban, ngành nhà nước thực tâm tạo điều kiện để được tăng khả năng cạnh tranh lành mạnh.

Vấn đề thứ tư là “Áp dụng chính sách phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết nhà nông cùng nhà doanh nghiệp tiếp cận thị trường” chỉ mới được một ít nông dân tiên tiến và hợp tác xã tiên tiến áp dụng theo tinh thần của Nghị quyết 120 của Chính phủ. Còn lại phần lớn nông dân ta vẫn còn làm ăn riêng lẻ, tự phát nuôi trồng, lắm khi không tiêu thụ được sản phẩm, để Nhà nước phải lo giải cứu.

Bước sang năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội XII, đúng lúc không may tất cả cư dân trên quả địa cầu này bị đại dịch COVID-19, hoạn nạn chưa từng có, làm tan vỡ cả hệ thống kinh tế, chồng lên đại họa biến đổi khí hậu làm hư hại mùa màng và cấu trúc hạ tầng, thì Việt Nam lại may mắn có được thời tiết thuận lợi hơn các quốc gia khác trong những giai đoạn tăng trưởng của cây trồng, nhất là vụ lúa đông xuân và hè thu được trúng to, ngoại trừ các diện tích ngọt hóa.

Người dân Việt Nam nhờ vốn có tập quán đeo khẩu trang để chống lại bụi bặm do không khí ô nhiễm, nay với sự kêu gọi của Đảng và Nhà nước các cấp, hầu hết mọi người đều tuân thủ đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch thật hữu hiệu.

Vì thế, người Việt chúng ta rất an bình, sản xuất thặng dư lúa gạo, trái cây các loại, chăn nuôi các loại.

Những đề xuất trước Đại hội Đảng XIII - 2

vo tong xuan.png

“Tiềm năng của đất nước ta rất lớn nhưng vẫn chưa được khai thác hợp lý”

Giáo sư Võ Tòng Xuân

Cũng đúng vào thời điểm này, Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu có hiệu lực, một dịp để cảnh tỉnh nông dân cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang châu Âu phải dừng thói quen sản xuất không theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh và truy nguyên nguồn gốc, và cũng đúng vào giai đoạn này, trong khi hai vụ lúa của ĐBSCL được thời tiết ưu đãi thì Thái Lan không may bị khô hạn kéo dài nên mùa lúa không đạt sản lượng, đồng thời, do đồng tiền Thái (baht) tăng giá nên gạo Thái bán khó.

May mắn chồng lên may mắn, gạo Việt Nam được quốc tế vinh danh gạo ngon nhất thế giới trong khi các nước khác thiếu gạo ăn, nên khách hàng mua gạo của chúng ta tăng lượng và giá. Các mặt hàng nông thủy sản khác của nước ta cũng xuất khẩu được nhiều hơn.

Đó là những sự kiện sáng chói của nông nghiệp Việt Nam năm 2019-2020 làm cho người dân Việt Nam rất phấn khởi. Tuy nhiên, thật tâm mà nói thì đây mới chỉ là một sự khởi đầu sau hơn 40 năm đất nước sống trong hòa bình. Tiềm năng của đất nước ta rất lớn nhưng vẫn chưa được khai thác hợp lý. Chúng ta còn lãng phí quá nhiều chất xám, đất trồng, nước ngọt, tiền ngân sách.

Chúng tôi kỳ vọng nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng sẽ sáng suốt nhận thức được những lãng phí đó để có những chương trình hành động thiết thực hơn, kinh tế hơn, vượt qua các lợi ích nhóm, tiến tới lợi ích của nhân dân – nhất là nông dân chiếm hơn 70% dân số của nước ta.

Những đề xuất trước Đại hội Đảng XIII - 3

 

Thực hiện tư tưởng của Bác Hồ “nông dân ta giàu thì đất nước ta giàu” là hành động mà mọi đảng viên phải đi đầu. Nông dân giàu nhờ bán hàng hóa nguyên liệu được thông suốt với giá có lợi cao. Được thế là nhờ có doanh nghiệp tài giỏi chế biến những nguyên liệu đó ra những thành phẩm chất lượng cao cho thị trường trong nước và ngoài nước tiêu thụ dễ dàng, đạt được giá cao. Như thế doanh nghiệp thành đạt sẽ làm nghĩa vụ thuế đầy đủ, đóng góp vào GDP của đất nước.

Nông dân nhờ có tích lũy khá hơn nên cũng sẽ đóng góp vào GDP của địa phương khá hơn. Một bức tranh tuyệt tác về nông nghiệp Việt Nam trong thời thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII có thể bao gồm những bố cục sau đây.

Đối với Nhà nước: Để triển khai Nghị quyết 120 một cách bền vững, Nhà nước cần có một chiến lược hợp lý để các địa phương không lúng túng như trong ba năm qua, rốt cuộc thì vẫn hướng về sản xuất lúa.

Theo Nghị quyết 120, Nhà nước sẽ đầu tư cho nông nghiệp theo điều kiện sinh thái của từng vùng lãnh thổ, chấm dứt việc đầu tư chỉ tập trung cho an ninh lương thực như trong 40 năm qua. Trước tiên Nhà nước cần định hướng rõ ràng tiềm năng khai thác cây gì, con gì tại từng vùng sinh thái để nông dân và các doanh nghiệp biết để họ có thể phối hợp hoặc liên kết sản xuất.

Không nên để nông dân tự phát lo sản xuất như trước đây. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thực tâm sản xuất hàng có chất lượng được tiếp cận và xúc tiến thương mại với các thị trường tiềm năng ở các châu lục trên thế giới để họ có thể phối hợp với các địa phương có sinh thái phù hợp để bàn bạc với HTXNN hoặc tập thể nông dân xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu có địa chỉ rõ ràng.  

Đối với nông dân: Nghị quyết 120 là mốc son lịch sử thể hiện sự đổi mới tư duy của Đảng và Nhà nước, không còn bắt buộc nông dân chỉ sản xuất lúa như trước, mà sẽ tạo điều kiện cơ sở vật chất, kiến thiết đồng ruộng, cho nông dân thực hiện những chương trình sản xuất có lợi lớn hơn lúa, với sự liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ đầu ra.

Bây giờ “trái banh đã được Nhà nước đưa vào chân của nông dân”, người nông dân phải quyết định để thoát nghèo bền vững. Những chương trình sản xuất lớn như vậy nhất thiết phải được sản xuất trên qui mô lớn cần sự đổi mới tư duy của bà con nông dân xã viên: cần phải dồn đất ruộng manh mún của mình để địa phương hoặc doanh nghiệp đầu tư kiến thiết lại đồng ruộng ngay hàng thẳng lối để dễ dàng áp dụng công nghiệp hóa nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản xuất.

Nếu nông dân không chịu dồn điền, khư khư giữ mãi vị trí manh mún của ông bà để lại thì sẽ tiếp tục nghèo mãi như ông bà mình.

Những đề xuất trước Đại hội Đảng XIII - 4

Mô hình cánh đồng lớn giúp giảm giá giá thành sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân.

Đối với doanh nghiệp: Cần nhận thức rằng xuất xứ rõ ràng của nguyên liệu sản phẩm và chất lượng ngon và an toàn vệ sinh là những tiêu chuẩn tối thiểu mà doanh nghiệp phải cam kết với khách hàng. Với sự hòa giải của nhà nước địa phương, doanh nghiệp và nông dân phải cố gắng khắc phục những trở ngại để cùng hợp tác một cách nhiệt tình và thành thật mới có thể đạt đỉnh điểm của những tiêu chuẩn nêu trên.

Rất có thể những thương lái hiện nay không chỉ đơn thuần thu mua nguyên liệu của nông dân để bán lại cho doanh nghiệp, mà còn là đầu mối của những chuỗi cung ứng nguyên liệu của nông dân sản xuất theo đúng quy trình của doanh nghiệp.

Nhà nước cần tạo mọi điều kiện ưu đãi thuận lợi cho doanh nghiệp - nguồn đóng góp vào GDP cho quốc gia - để doanh nghiệp phát triển và hoạt động thành công trên mọi thương trường.

Nông nghiệp và nông dân Việt Nam dưới tác động của lực lượng doanh nghiệp Việt Nam đã vực dậy ngôi thứ của Việt Nam trên thị trường thế giới trong năm 2020, sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng của nước ta trong thời kỳ kế tiếp của lịch sử nếu bắt đầu từ nhiệm kỳ Đại hội XIII, Đảng và Nhà nước tiếp tục có chính sách thiết thực hơn như chúng tôi nêu trên đây. Đất nước ta có đủ chất xám để tham gia thực hiện.

Trong thời đại biến đổi khí hậu, nguồn nước ngọt ngày càng giảm, chúng ta có thể vẫn giữ vững an ninh lương thực trong khi có thêm nhiều rau quả nhiệt đới độc đáo cho xuất khẩu mà không lãng phí nguồn nước ngọt hiếm hoi nhờ biết chuyển định hướng nông nghiệp. Được như thế, chắc chắn nông dân ta sẽ giàu, mà “nông dân giàu, thì đất nước ta giàu” như Bác Hồ đã nói từ năm 1947.

GS-TS Võ Tòng Xuân, Anh hùng Lao động, được biết đến nhiều nhất nhờ sự đóng góp của ông giúp đưa Việt Nam từ một nước nhập khẩu gạo thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới.

Ông từng giữ các chức vụ: Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ; Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL; Hiệu trưởng ĐH An Giang và hiện là Hiệu trưởng ĐH Nam Cần Thơ.

Giáo sư đang đảm đương chương trình trồng lúa ở châu Phi, chương trình “4 nhà và cây lúa”, chương trình cây mía ở Tây Ninh, dự án khu công nghệ cao ở Hậu Giang.

Giáo sư nhận rất nhiều danh hiệu, trong đó có Huy chương Công trạng Nông nghiệp Pháp, Bằng tưởng lệ của Thủ tướng Canada về "Phụng sự và đóng góp vào khoa học thế giới",...

Ngoài ra, ông cũng là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, như Quỹ Rockefeller, Viện Quản lý châu Á và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế…

GS.TS Võ Tòng Xuân
Bình luận
vtcnews.vn