• Zalo

Những cuộc phẫu thuật 'làm lại cuộc đời'

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 28/07/2022 09:54:53 +07:00Google News

Không ít cô gái mắc dị tật “khó nói”, thậm chí mang hình hài nam giới đã được thay đổi cuộc đời, tìm thấy hạnh phúc, có được những đứa con của chính mình.

Một cô gái có giọng nói dịu dàng, vẻ ngoài xinh xắn nhưng bộ phận sinh dục lại mang hình hài nam giới; một phụ nữ mang hình hài nam giới suốt 54 năm cuối cùng cũng tìm tới bác sĩ phẫu thuật “xóa cậu nhỏ” để được trở về đúng giới tính thật… 

Che giấu bản thân vì mặc cảm

Nguyễn Thị Huyền (25 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh - tên nhân vật đã được thay đổi) chia sẻ, từ nhỏ cô đã thấy cơ thể mình khác các bạn cùng trang lứa. Đến tuổi dậy thì, cô gái phát hiện mình không có âm đạo, không có âm hộ, phần âm vật dài 5cm phát triển như dương vật, có khả năng cương cứng; hai môi bé phì đại phát triển có xu hướng như bìu. Cô hoàn toàn không có tinh hoàn, ngực “phẳng lì” như các bạn nam. Thân thể giống nam giới, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn cô nghĩ mình là nữ, bởi gương mặt xinh xắn, giọng nói dịu dàng, đặc biệt có rung động với bạn nam.

Những cuộc phẫu thuật 'làm lại cuộc đời' - 1

Ca phẫu thuật “hoán đổi” giới tính cho bệnh nhân của các bác sĩ Bệnh viện E.

Theo chia sẻ của Huyền, từ nhỏ cô rất xấu hổ. Khi phát hiện bộ phận sinh dục của mình giống nam nhưng lại đi tiểu ngồi, cô không dám cho ai xem và càng mặc cảm, tự ti. Cô giấu tất cả mọi người xung quanh và luôn lo lắng “bí mật” của mình bị người khác phát hiện. Trong sinh hoạt hàng ngày cô luôn phải giấu diếm, cảnh giác từ việc thay quần áo, không để lộ cơ thể mình. Duy nhất trong gia đình chỉ có mẹ biết sự không bình thường của con gái. Bà rất xót xa và thương con, nhưng người mẹ cũng bất lực khi đã đưa con đi thăm khám khắp nơi.

Tình cờ một lần xem trên báo, mẹ Huyền biết về phẫu thuật “hoán đổi” giới tính. Bà đưa con từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, tìm đến Bệnh viện E để thăm khám. Theo chia sẻ của ThS.BS Nguyễn Đình Minh, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Hàm mặt, Bệnh viện E, cô gái tới khám chỉ với mong mỏi bác sĩ giải đáp câu hỏi “tôi là nam hay nữ?”. Qua thăm khám và các xét nghiệm cho thấy, thân thể cô giống nam, nhưng lại có 2 bên buồng trứng phát triển bình thường, có tử cung nhưng teo nhỏ. Bệnh nhân thì muốn là nữ. Vậy, bác sĩ phải trả lời câu hỏi, bệnh nhân là nam hay nữ?

“Trường hợp này niệu đạo lại ở gốc của dương vật, có nhiễm sắc thể XX, xét nghiệm hoóc môn nam nữ đều cao. Bệnh nhân mắc chứng nữ lưỡng giới giả nam, hay còn gọi là hội chứng tăng sản thượng thận bẩm sinh. Chúng tôi xác định bệnh nhân cần phẫu thuật tạo hình để trả về đúng giới tính nữ”, bác sĩ Minh cho hay.

Những cuộc phẫu thuật 'làm lại cuộc đời' - 2

Bác sĩ Nguyễn Đình Minh thăm khám để tạo hình ngực cho trường hợp lưỡng giới giả nam.

Do tính chất phức tạp, ca phẫu thuật tạo hình cho bệnh nhân diễn ra hơn 7 giờ, trong đó khó nhất là mổ tạo hình âm đạo. “Do đây là trường hợp bệnh nhân không có âm hộ nhưng tầng sinh môn hẹp nên kíp tạo hình âm đạo đã phối hợp cùng chuyên gia phẫu thuật tiêu hóa để tạo hình âm đạo phía trước trực tràng và phía sau của niệu quản bàng quang. Khi tạo hình âm vật, các bác sĩ giữ lại vạt cảm giác gồm mạch máu và dây thần kinh để đảm bảo cảm giác cho bệnh nhân một cách tốt nhất”, bác sĩ Minh cho biết.

Bác sĩ Minh cũng cho hay, đây là trường hợp đầu tiên anh và các bác sĩ thực hiện “hoán đổi” từ nam sang nữ. Một ca bệnh rất khó, nhưng đã phẫu thuật thành công ngoài mong đợi. Bởi sau 2 tháng đến khám lại, Huyền đã rất tự tin. Cô được phẫu thuật tạo hình ngực, dáng dấp trở nên mềm mại, nữ tính với vòng 1, vòng 3 đẹp. “Điều kỳ diệu là sau 2 tháng, chúng tôi cho bệnh nhân đi khám chuyên khoa sản, các chỉ số hoóc môn nữ bình thường, khả năng nuôi được buồng trứng bình thường, vẫn tiết được hoóc mon sinh trưởng, khả năng có con được. Đặc biệt, khả năng quan hệ tình dục bình thường. Cô ấy sẽ tìm thấy hạnh phúc như những người khác. Đây là ca hoàn hảo nhất của chúng tôi. Với những trường hợp thế này, nếu phát hiện sớm, bệnh nhân tới Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị bằng hoóc môn nữ. Sau đó, khi lớn, bệnh nhân sẽ phẫu thuật tạo hình âm đạo”, bác sĩ Minh chia sẻ.

Những cuộc phẫu thuật 'làm lại cuộc đời' - 3

Nhiều cô gái mang dị tật “khó nói” và tìm tới bác sĩ Nguyễn Đình Minh để “sửa chữa” khiếm khuyết.

54 năm mới đi tìm lại chính mình

Chị N.T.V mang hình hài nam giới tới tận 54 năm mới tìm đến bác sĩ vì đau hai bên bẹn và lo sợ bị ung thư. Theo chia sẻ của chị V, đến tuổi dậy thì, chị phát hiện mình có hình dạng của người đàn ông: âm vật 4 cm, tinh hoàn ở hai bên bẹn, không có âm đạo, không có hình hài cơ quan sinh dục nữ. Chị có 2 người cậu cũng có cơ quan sinh dục bất thường.

Chính vì vậy mà chị luôn nuôi tóc dài, mặc váy để giấu đi cơ thể chứa đựng sự mâu thuẫn với “kết hợp” cả của nam và nữ. Chịu đựng đến tuổi 54, không lập gia đình, chị định xin con nuôi, chỉ khi bị đau 2 bên bẹn, chị mới tới viện. ThS.BS Nguyễn Đình Minh cho biết: Bệnh nhân có 2 mong muốn là được điều trị vùng bị đau, giải quyết nguy cơ ung thư và phẫu thuật để trở thành người phụ nữ.

Đây là trường hợp nhiễm sắc thể XY của nam giới do rối loạn gene di truyền nên việc phẫu thuật tạo hình có nhiều phức tạp. Người bệnh mắc hội chứng lưỡng giới giả nam, không có tử cung, có tinh hoàn nằm ở hai bên bẹn. Các bác sĩ của khoa Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện E thăm khám tâm lý xác định rõ xu hướng nữ tính và thực hiện đủ xét nghiệm, nhóm điều trị quyết định phẫu thuật đưa giới tính đúng với khai sinh và mong muốn của bệnh nhân.

ThS.BS Minh cho biết thêm, mặc dù trong cơ thể người bệnh mang mâu thuẫn về giới tính nhưng hằng ngày, người bệnh được sống, giáo dục là phụ nữ, có giọng nói, tâm tính dịu dàng, ngoại hình giới nữ. Do đó, phẫu thuật tạo hình giới nữ sẽ hợp với tâm tính, phong cách, cuộc sống của người bệnh suốt 54 năm qua. Bên cạnh đó, hai khối tinh hoàn ẩn không sử dụng đúng chức năng, có thể gây bệnh ung thư cần loại bỏ.

Ca phẫu thuật được thực hiện với các bác sĩ của nhiều chuyên khoa như: Khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học cắt tinh hoàn trong ổ bụng bằng kỹ thuật nội soi; Khoa Ngoại tổng hợp và Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tiến hành tạo hình khoang âm đạo… Theo BS Minh, sau khi xuất viện, người bệnh sẽ phải điều trị bằng hoóc môn để các thuộc tính nữ trội lên. Sau đó, có thể tìm kiếm hạnh phúc, lấy chồng nhưng không thể có con.

Phẫu thuật làm thay đổi nhiều cuộc đời

Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ tạo hình - Hàm mặt, Bệnh viện E đã từng tiếp nhận không ít các ca bệnh mắc dị tật không âm đạo. Đây là một dị tật khó nói và thường bị bỏ qua, nhưng nó lại tước đi cơ hội được hạnh phúc của rất nhiều phụ nữ. Mỗi năm Khoa phẫu thuật thay đổi cuộc đời cho khoảng 20 ca bệnh. 

Chia sẻ về các bệnh nhân của mình, bác sĩ Minh ấn tượng về trường hợp một cô gái còn rất trẻ quê ở Vũng Tàu được bạn trai đưa ra Hà Nội “sửa chữa” khiếm khuyết. Bạn trai xin tiền mẹ đi chữa bệnh cho bạn gái nhưng lại giấu dị tật của người yêu. Sau khi được BS Minh tạo hình âm đạo thành công, cặp đôi trở về quê nhà. Hơn một năm sau phẫu thuật, họ kết hôn và sống hạnh phúc.

Có rất nhiều cô gái khiếm khuyết được chồng đưa đi “sửa chữa” bộ phận nhạy cảm. BS Minh vẫn nhớ mãi nữ bệnh nhân được chồng đưa đến “nhờ” bác sĩ phẫu thuật tạo hình âm đạo. Đó là một phụ nữ rất xinh đẹp, trước khi đến với người chồng này, cô ấy từng độc thân nhiều năm vì người chồng sắp cưới trước đó đã từ hôn khi biết cô mang dị tật. Cuộc phẫu thuật thành công, cô đã tìm lại được chính mình.

Cách đây không lâu, một cô gái trẻ cũng mang dị tật không âm đạo được gia đình đưa đến gặp bác sĩ Minh để thực hiện phẫu thuật. Theo chia sẻ của cô gái này, trước ngày quyết định phẫu thuật, gia đình cô đã nhận sính lễ ăn hỏi và trì hoãn lại đám cưới 6 tháng để đi chữa dị tật. Sau này liên lạc lại với bệnh nhân, các bác sĩ được biết, cuộc sống vợ chồng họ rất viên mãn. Họ đã làm thụ tinh trong ống nghiệm để sinh con.

Hay trường hợp một cô gái người dân tộc Thái ở Hòa Bình trắng trẻo, xinh đẹp, được chồng và bố đẻ đưa tới viện khám vì không có âm đạo. Vợ chồng họ kết hôn 9 năm và không thể quan hệ tình dục. Khi biết về phẫu thuật này, họ xuống Hà Nội với niềm hy vọng lớn lao. Quả không phụ lòng người, phép màu đã đến, sau phẫu thuật tạo hình âm đạo, vợ chồng họ hạnh phúc viên mãn trong chuyện chăn gối.

Chia sẻ về các trường hợp dị tật âm đạo, bác sĩ Minh cho hay, những cô gái gặp phải tình cảnh trớ trêu này rất khó phát hiện vì cơ thể vẫn phát triển bình thường, nhưng bên trong cơ quan sinh dục lại không có âm đạo, không có khoang trống để quan hệ tình dục.

Dị tật âm đạo có rất nhiều nguyên nhân, thường là hội chứng không âm đạo bẩm sinh. Do bất thường về phát triển của cơ quan sinh dục ở thời kỳ bào thai, nên đứa trẻ sinh ra không có âm đạo và tử cung, hoặc tử cung nhỏ. Có phụ nữ đến khám vì đau bụng, nhưng khi siêu âm thì tử cung nhỏ như “quả nho”. Những trường hợp này, bác sĩ phải cắt tử cung, tạo hình âm đạo. Thậm chí có chị giấu người yêu về dị tật của mình, tới khi kết hôn không quan hệ được, mới nói với chồng và gia đình. Do vẫn có buồng trứng và trứng hoạt động tốt, nên họ đã thụ tinh trong ống nghiệm và nhờ mang thai hộ. Sau khi có con, người chồng dẫn vợ tới bệnh viện để phẫu thuật tạo hình âm đạo.

Các bác sĩ cho biết, hầu hết các trường hợp không âm đạo chỉ khi đến tuổi dậy thì mới phát hiện do không có hiện tượng kinh nguyệt hoặc không thể quan hệ tình dục. Vì vậy, khi nhận thấy những dấu hiệu không bình thường tại bộ phận sinh dục của con ngay từ khi sinh ra, cha mẹ nên cho con đến bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật niệu Nhi để được khám, tư vấn kịp thời. Để tạo hình âm đạo, bệnh nhân cần phải qua 18 tuổi. Chi phí thực hiện các xét nghiệm và phẫu thuật không quá tốn kém, nên những khiếm khuyết này cần sớm được “sửa chữa”. 

(Nguồn: An ninh thế giới)
Bình luận
vtcnews.vn