• Zalo

Dị tật khiến tinh hoàn bé trai thay đổi hình dạng đột ngột

Tin tứcChủ Nhật, 04/04/2021 06:45:08 +07:00Google News

Căn bệnh bẩm sinh này khiến bìu của bé trai thường thay đổi kích thước đột ngột, sưng to vào ban ngày và nhỏ lại lúc ngủ.

Thủy tinh mạc là dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh và bé trai nhỏ. Biểu hiện của bệnh là sự ứ dịch trong khoang màng tinh, tức khoang bao bọc tinh hoàn. Bé có thể bị một bên tinh hoàn hoặc cả hai. Nhưng bên phải được ghi nhận thường gặp hơn.

Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết mới đây, đơn vị này tiếp nhận điều trị cho bé trai ở Kon Tum bị thủy tinh mạc. Trước đó, bệnh nhi được bác sĩ tại phòng khám tư điều trị bằng cách đâm kim vào tinh hoàn để chọc hút dịch. Tuy nhiên, qua chọc 4 lần, tình trạng bìu của bé không cải thiện.

Dị tật khiến tinh hoàn bé trai thay đổi hình dạng đột ngột - 1

Thủy tinh mạc khiến tinh hoàn sưng to, căng bóng và thay đổi hình dạng. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết bệnh nhi này được phẫu thuật lấy khối dịch ra và cột cắt ống phúc tinh mạc thông thương giữa vùng bụng và bìu để phòng ngừa tái phát sau này. Ca mổ diễn ra nhẹ nhàng, nhanh chóng và bé xuất viện sau một ngày.

"Không có bệnh tinh hoàn thủy tinh, chỉ có dị tật thủy tinh mạc", tiến sĩ Thạch nói.

Chuyên gia này cho biết thủy tinh mạc là bệnh do còn tồn tại một ống nhỏ (ống phúc tinh mạc) thông thương giữa ổ bụng và vùng bìu của bé. Điều này khiến nước trong ổ bụng có thể chảy xuống làm bìu bé to lên. Đây là bệnh lành tính, không ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của bé.

Thủy tinh mạc thường to lên vào ban ngày khi trẻ đi đứng, chạy nhảy và nhỏ lại vào ban đêm khi bé nằm ngửa. Việc chọc hút không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của thủy tinh mạc. Nguy hiểm hơn, nó còn tiềm tàng nguy cơ nhiễm trùng vùng bìu tại chỗ, tổn thương tinh hoàn, mào tinh và ống dẫn tinh, viêm phúc mạc, thậm chí gây vô sinh về sau.

Dấu hiệu trẻ mắc thủy tinh mạc là bìu to sau sinh, căng bóng như chứa nước, không đau. Thủy tinh mạc có khả năng tự khỏi khi trẻ khoảng 2 tuổi. Vì vậy, phương pháp phẫu thuật không được khuyến cáo với trẻ nhỏ hơn một tuổi. Những thủy tinh quá to, căng, gây khó chịu cho em bé, bác sĩ sẽ cân nhắc mổ sớm.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn