Gạo lứt là ngũ cốc nguyên hạt, được loại bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài, để lại phần cám gạo và mầm. Do không phải trải qua quá trình xay, giã nên gạo lứt chứa lượng dinh dưỡng phong phú, giàu vitamin, protein, chất xơ và một số nguyên tố vi lượng như canxi, sắt, kali, natri…
Theo các chuyên gia, tuy gạo lứt rất tốt cho sức khoẻ tim mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tăng cường sức khoẻ của xương và hỗ trợ giảm cân rất hiệu quả, nhưng không phải ai cũng có thể ăn gạo lứt thường xuyên.
Dưới đây là những người không nên ăn gạo lứt.
Người tiêu hoá kém
Gạo lứt cứng và chiều chất xơ hơn gạo trắng nên khó tiêu hoá. Người tiêu hoá kém nếu ăn nhiều gạo lứt sẽ khiến dạ dày phải làm việc vất vả, dễ gây giãn tĩnh mạch và xuất huyết dạ dày. Vì vậy, người tiêu hoá kém hay mắc bệnh về tiêu hoá chỉ nên ăn gạo trắng.
Người thiếu hụt canxi, sắt
Những người thiếu hụt canxi, sắt tuyệt đối không nên ăn nhiều gạo lứt. Thực phẩm này chứa axit phytic, khi kết hợp với các chất khoáng sẽ kết tủa, làm cản trở quá trình hấp thụ của cơ thể.
Người miễn dịch kém
Gạo lứt chứa nhiều chất xơ, việc dung nạp hơn 50 gr chất xơ mỗi ngày sẽ cản trở việc hấp thụ protein, ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan trong cơ thể và hệ miễn dịch. Vì vậy, những người có miễn dịch kém không nên ăn nhiều gạo lứt.
Người hoạt động thể lực nặng
Gạo lứt là thực phẩm thô, thiếu chất đạm, chất béo và cung cấp ít năng lượng nên không phù hợp với người thường xuyên hoạt động thể lực nặng. Theo chuyên gia, những người hay tập luyện thể lực mạnh nên ăn thực phẩm chứa nhiều đạm để bổ sung năng lượng.
Trẻ em tuổi dậy thì
Dậy thì là giai đoạn cơ thể có yêu cầu đặc biệt về dinh dưỡng và năng lượng. Trẻ em đang ở độ tuổi này ăn gạo lứt sẽ không thể cung cấp đủ dinh dưỡng. Thậm chí, lượng chất xơ có trong gạo lứt còn cản trở hấp thụ và khiến cơ thể trẻ thiếu hụt dinh dưỡng.
Người cao tuổi và trẻ nhỏ
Trẻ nhỏ với chức năng tiêu hoá chưa hoàn thiện và người cao tuổi chức năng tiêu hoá suy yếu ăn gạo lứt chứa nhiều chất xơ sẽ gây khó tiêu, tạo gánh nặng lớn cho dạ dày.
Bình luận