Tim Page, một trong những nhiếp ảnh gia nổi tiếng về chiến tranh ở Việt Nam, được biết đến nhiều với sự ảnh hưởng lớn trong ngành báo ảnh, cũng như những bức ảnh chiến tranh. Ông qua đời hôm 24/8 tại nhà riêng ở New South Wales, Australia, vì bệnh ung thư gan.
Trước khi mất, ông đang số hóa các tác phẩm của mình, bắt đầu từ khi còn trẻ cho đến lúc có những bức ảnh về cuộc chiến ở Việt Nam. Bộ sưu tập 750.000 ảnh của ông hiện được lưu trữ ở nơi gần ngôi nhà khiêm tốn ở Bellingen trên bờ biển New South Wales, nơi ông sống cùng người bạn đời.
Tim Page sinh ra tại Royal Tunbridge Wells, Kent, Anh, ngày 25/5/1944, là con trai của thủy thủ người Anh đã thiệt mạng trong Thế chiến thứ hai. Ông được nhận làm con nuôi và không biết mẹ ruột của mình.
17 tuổi, ông rời Anh và bắt đầu đi nhiều nơi trên thế giới. Ông sang châu Âu, Ấn Độ, Nepal, rồi đến Lào, khi cuộc chiến ở Đông Dương mới bắt đầu.
Trong thời gian này, ông cộng tác cho United Press International (UPI). Sau đó, ông đưa tin về chiến tranh ở Việt Nam, làm việc chủ yếu cho tạp chí Time and Life, UPI, Paris Match và The Associated Press.
Những bức ảnh về Việt Nam mà ông thực hiện xuất hiện trên nhiều ấn phẩm trong những năm 1960. Theo New York Times, Page có phong cách nổi bật, chụp những bức hình góp phần "định hình" cuộc chiến.
Nói về việc tác nghiệp trong chiến tranh, ông từng cho biết “bạn phải học nhanh, nếu không sẽ chết”.
Giữa đỉnh điểm chiến tranh ở Đông Dương vào những năm 1950 cho đến những năm 1975, 135 nhiếp ảnh gia được báo cáo đã thiệt mạng, mất tích. Page cũng nhiều lần bị thương nghiêm trọng.
Trong quá trình điều trị ung thư vào đầu năm nay, các bác sĩ phát hiện ông còn 10 mảnh đạn nhỏ trong người. Ông không thể chụp cộng hưởng từ khi điều trị.
Là người đề xướng phong cách báo chí gonzo (phóng viên là một phần của câu chuyện, dùng lời kể ở ngôi thứ nhất), Page đã có 9 cuốn sách, hầu hết trong số đó viết về Việt Nam và những hậu quả lâu dài của chiến tranh.
Theo Asia Times, tác phẩm nổi bật nhất của ông là Requiem. Ông là đồng tác giả với phóng viên Associated Press, kiêm cựu chiến binh Horst Faas. Tập sách bao gồm những bức ảnh của các nhiếp ảnh gia và nhà báo đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương.
Năm 2009, Page được mệnh danh là Đại sứ Hòa bình Nhiếp ảnh của Liên Hợp Quốc và gắn bó một thời gian với Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Kabul, dạy nhiếp ảnh cho thanh niên Afghanistan.
Ảnh của Page gây chú ý vì sự kịch tính và "gần" với nguy hiểm. Sau này, ông trở nên gắn bó với Việt Nam, thường xuyên trở lại để làm việc về nhiếp ảnh, chụp ảnh các nạn nhân của chất độc da cam.
Với căn bệnh ung thư, Page nói, sau tất cả những lần thoát khỏi cái chết, ông hiểu rằng lần này sẽ không có sự hồi phục nào.
"Vâng, bạn biết đấy, tôi luôn hồi phục nhưng không nghĩ điều đó sẽ xảy ra lần này”, ông nói vào tháng 5, sau khi được chẩn đoán mắc bệnh.
Bình luận