Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc đang vấp phải một rào cản nan giải: nhân khẩu học. Mặc dù đất nước tỷ dân đang tìm mọi cách để đảo ngược tác động của chính sách 1 con, các chuyên gia cảnh báo đã quá muộn để đất nước tỷ dân ngăn chặn hậu quả dài lâu mà chính sách này để lại.
Các nhà nghiên cứu dự đoán dân số Trung Quốc sẽ đạt đỉnh 1,4 tỷ người vào năm 2029. Tuy nhiên, kế đó sẽ là một cú sụt giảm không thể ngăn chặn kéo dân số xuống còn 1,36 tỷ người vào năm 2050 và làm giảm lực lượng lao động xuống còn dưới 200 triệu người.
Nếu tỷ lệ sinh vẫn không thay đổi, quy mô dân số Trung Quốc thậm chí có thể sẽ bị thu hẹp xuống còn 1,17 tỷ người vào năm 2065.
Báo cáo của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cảnh báo, theo lý thuyết, nếu dân số suy giảm dài hạn, đặc biệt là khi nó đi kèm với dân số già, kịch bản này sẽ gây ra những hậu quả kinh tế và xã hội nghiêm trọng.
Khi được đưa ra vào năm 1979, chính sách một con của Trung Quốc được chính phủ kỳ vọng là biện pháp làm chậm lại tăng trưởng dân số.
Năm 2016, chính sách này được bãi bỏ, nhưng các ca sinh nở vẫn giảm một thời gian ngắn sau đó. Năm 2018, số ca sinh giảm xuống còn 15,2 triệu, một số thành phố và tỉnh còn ghi nhận mức giảm tới 35%.
Tỷ lệ sinh của Trung Quốc hiện tại giảm xuống còn 1,6 con/phụ nữ. Các nhà phân tích lo ngại nó còn có thể chạm mốc 1,18 trong vài thập kỷ tới.
Một hệ lụy khác từ chính sách một con của Trung Quốc là thiếu phụ nữ. Do Trung Quốc vẫn duy trì quan niệm "trọng nam, khinh nữ", cần con trai thừa kế, nhiều bà mẹ từng chọn phá thai nếu siêu âm ra thai nhi là con gái.
Đàn ông Trung Quốc đang nhiều hơn phụ nữ nước này 34 triệu người và dự kiến tới năm 2020, có thể có tới 24 triệu đàn ông độc thân trong độ tuổi kết hôn của quốc gia này không thể tìm được vợ.
Tình trạng này có thể còn tồi tệ hơn, với phụ nữ trong độ tuổi từ 23-31 dự kiến giảm 40% trong giai đoạn 2015-2025.
Theo ông Yuan Xin thuộc Đại học Nam Khai, suy nghĩ về gia đình và sinh nở của những người trẻ tuổi đang thay đổi và các giá trị truyền thống như duy trì dòng dõi thông qua việc sinh nở đang bị suy yếu.
Các yếu tố khác bao gồm chi phí nuôi con cao do giá nhà đất tăng và cạnh tranh về chất lượng giáo dục cùng với việc thiếu cơ sở chăm sóc trẻ ban ngày.
Ông Yi Fuxian, nhà kinh tế học tới từ Đại học Bắc Kinh cho biết, dân số Trung Quốc bắt đầu thu hẹp lại vào năm 2018, kể từ sau nạn đói những năm 1960.
"Có thể thấy năm 2018 là bước ngoặt lịch sử đối với dân số Trung Quốc. Dân số Trung Quốc đã bắt đầu giảm và đang già đi nhanh chóng", ông Yi nói với tờ New York Times.
Lực lượng lao động bị thu hẹp cũng là một trong những tác động tiêu cực với nền kinh tế Trung Quốc. Dân số Trung Quốc ở độ tuổi lao động (15-64 tuổi) đã giảm liên tiếp trong 4 năm sau khi chạm đỉnh năm 2013.
Theo dự báo của chính phủ Trung Quốc, số người cao tuổi của nước này có thể đạt 400 triệu người vào cuối năm 2035, tăng 240 triệu người so với năm 2018. Những con số này ảnh hướng lớn ngân sách của chính phủ do mức tăng lương hưu. Dự đoán tới năm 2050, chính phủ Trung Quốc sẽ phải bỏ ra 20% ngân sách chỉ để chi trả lương hưu.
Những dự báo này càng củng cố thêm nhận định đất nước tỷ dân đã già đi trước khi trở nên giàu có.
Thực trạng tăm tối này khiến các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc phải nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề.
Ở một số địa phương, chính quyền đã bắt đầu cho phép sinh con nhiều hơn số lượng quy định và bóng gió về việc giới hạn về số con sẽ sớm bị hủy bỏ.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đang phối hợp cùng các bộ, ban, ngành khác nghiên cứu và cải thiện các chính sách liên quan đến thuế, việc làm, an sinh xã hội và nhà ở để hỗ trợ thực hiện chính sách sinh con thứ 2.
Các nhà hoạch định chính sách cũng đang tính tới chuyện tăng tuổi nghỉ hưu, kéo dài thời gian nghỉ thai sản...
Dù vậy, giới quan sát vẫn cho rằng Trung Quốc khó có thể thoát khỏi vết xe đổ mà các nước phương Tây gặp phải. Đảo ngược tỷ lệ sinh suy giảm dân số là điều cực kỳ khó khăn.
Trung Quốc đang tìm cách thu hút thêm nhiều lao động nước ngoài hoặc nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, các cách làm này lại gặp nhiều rào cản do Trung Quốc thường không mấy thân thiện với các lao động ngoại quốc.
Theo các nhà phân tích tới từ hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất trên thế giới JPMorgan, mức tăng trưởng của Trung Quốc có thể giảm xuống còn 4,5% vào năm 2030 so với mức hiện tại khoảng 6,5%. Con số này sẽ khiến Trung Quốc gặp vô vàn khó khăn trong nỗ lực soán ngôi siêu cường kinh tế số 1 thế giới mà Mỹ đang nắm giữ.
Sự thu hẹp về nhân khẩu học của Trung Quốc cũng làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP cũng như năng lực tài trợ cho các dự án tham vọng của nước này ở nước ngoài như sáng kiến Vành đai và Con đường. Đảng Cộng sản Trung Quốc từ đó sẽ phải chịu các áp lực ngày càng tăng khi tăng trưởng kinh tế giảm và bất bình đẳng gia tăng.
Bình luận