Ngày 17/12, bác sĩ Cao Thanh Ngọc, phụ trách Khoa Nội - Cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, bệnh viện vừa điều trị một bệnh nhân bị loãng xương nặng khi còn rất trẻ.
Đó là chị T.T.X., 38 tuổi. Chị X. nhập viện do đau lưng nhiều và khó đi lại do gầy yếu, suy kiệt, teo cơ tứ chi. Cách đây 4 năm, chị đã điều trị lupus ban đỏ với triệu chứng đau các khớp và nổi ban ở vùng mặt kèm theo loét miệng, rụng tóc.
Dù được bác sĩ kê toa và dặn tái khám nhưng chị X. không khám lại mà cầm toa thuốc mua uống dài hạn. Hậu quả là thời gian gần đây chị thấy đau vùng lưng nhiều kèm ăn uống kém, sụt cân, mất ngủ.
Tại BV ĐHYD TP.HCM, các bác sĩ chẩn đoán người phụ nữ này bị loãng xương nặng, gãy xẹp nhiều đốt sống ngực, đốt sống thắt lưng. Bệnh nhân còn bị tiểu đường, suy thượng thận do tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc có chứa corticoids.
Sau một thời gian khá dài điều trị và giảm sau đó cắt liều corticoids, cũng như điều trị bệnh loãng xương, tiểu đường chị X. bắt đầu giảm đau, đường huyết ổn định, cân nặng cải thiện, xương không gãy thêm.
Nhiều người vẫn nghĩ loãng xương là bệnh phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh và người lớn tuổi. Nhưng ngày nay, bệnh đã “phủ sóng” đến những người trẻ.
Loãng xương ở người trẻ là loãng xương thứ phát do nhiều nguyên nhân như: Bệnh lý nội tiết, bệnh thận mạn, những bệnh mãn tính về khớp hoặc bệnh tự miễn như lupus, viêm khớp dạng thấp, hoặc hội chứng kém hấp thu, sử dụng các loại thuốc làm mất xương như Corticosteroid, thuốc chống co giật…
Bên cạnh đó, nhiều người trẻ lười vận động, sử dụng nhiều chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá… các bạn nữ lại thích ăn kiêng, có thói quen che chắn quá kỹ mỗi khi ra ngoài nên da không có điều kiện tiếp xúc với ánh nắng mặt trời dẫn đến bị thiếu vitamin D trầm trọng.
Tất cả những yếu tố này làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu, trao đổi chất của cơ thể, cũng như làm mất cân bằng giữa quá trình tạo xương, hủy xương và có thể dẫn đến loãng xương.
Loãng xương gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khiến người bệnh đau đớn, mệt mỏi kéo dài, có thể dẫn đến gãy xương, tăng nguy cơ tàn phế và thiệt mạng. Đặc biệt, trường hợp loãng xương ở người trẻ, đang trong độ tuổi lao động, thì càng ảnh hưởng lớn đến công việc và sự nghiệp của người bệnh.
Bình luận