Rất nhiều nguyên nhân khiến nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên phải vay nợ và không thoát được vòng xoáy lãi chồng lãi mà các ông bà "trùm" giăng ra. Có những con nợ không tỉnh táo dẫn đến "trắng tay" trên chính mảnh đất của mình. Đến khi vỡ lẽ, họ đã nhờ tới sự vào cuộc của luật pháp.
Phải thuê lại nhà của chính mình
Ðó là trường hợp oái ăm của ông Quách M. (dân tộc Thái, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Ðắk Lắk). Sự việc bắt nguồn từ món nợ 10 triệu đồng ông M. vay “nóng” của bà Vũ Thị P. (cùng xã) vào năm 2004.
Lãi mẹ đẻ lãi con, ông M. không có tiền trả nên cắt lô đất rộng 600m2 trong vườn cho bà P.; việc tách thửa, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) được hoàn tất vào năm 2005. Đến năm 2007, ông M. định dời nhà đi, trả đất cho bà P. thì bà này gợi ý bán lại với giá 130 triệu đồng. Ông M. đồng ý, lấy GCNQSDĐ khác thế chấp ngân hàng rồi trả 120 triệu đồng cho bà P., còn thiếu lại 10 triệu đồng.
Người phụ nữ này còn viết giấy chuyển nhượng lại lô đất trên cho ông M. nhưng ông này lại giao hết giấy tờ cho bà P. làm thủ tục sang tên đổi chủ. Kết quả, bà P. không đi sang tên như “giao kết miệng” nhưng ông M. vẫn đặt niềm tin, tiếp tục vay tiền “nóng” 40 triệu đồng.
Đến năm 2010, ông M. cộng cả nợ gốc lẫn tiền lãi thành 220 triệu. Bà P. yêu cầu ông M. ký vào hợp đồng thuê lại chính căn nhà của mình với giá 500 nghìn đồng/tháng.
Mãi sau không thấy bà P. giao lại GCNQSDĐ như đã cam kết, ông M. tìm hiểu mới hay, 10 năm qua (từ năm 2007-2015), người phụ nữ trên không làm thủ tục sang tên lại lô đất cho ông. Ông M. bắt đầu khởi kiện, sự việc đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Một chiêu thức nữa khiến nhiều người mất đất là ủy quyền cho người khác giao dịch với ngân hàng, kết quả bị chiếm luôn tài sản. Trường hợp của anh Y Thắt Niê (buôn Yê, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) là điển hình. Cụ thể, đầu năm 2020, anh Y Thắt thế chấp 2 GCNQSDĐ cho ngân hàng vay 500 triệu đồng thời hạn 1 năm.
Tháng 2/2021, Y Thắt muốn mượn 500 triệu đồng của bà H’L.Byă (cùng huyện) để trả nợ ngân hàng, lấy tài sản thế chấp về đi vay nơi khác. Do đó, Y Thắt ủy quyền cho bà H’L. đến ngân hàng lấy 2 GCNQSDĐ và đến Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) huyện Krông Pắc để xóa thế chấp. Bà này trả tiền cho ngân hàng xong, lấy 2 GCNQSDĐ chuyển tên cho người khác.
Anh Y Thắt phát hiện vụ việc khi đầu tháng 6/2021 bà H’L. Byă dẫn theo một nhóm người lạ đến nhà san ủi 2 ngôi nhà cấp 4 của gia đình. Lúc này, Y Thắt mới biết mình bị lừa và làm đơn tố cáo gửi cơ quan điều tra.
“Năm ngoái tôi vay 500 triệu đồng để chữa bệnh cho mẹ tôi. Đến hạn ngân hàng, tôi nhờ bà H’L. cho mượn tiền trả và nhờ bà ấy đi vay ngân hàng khác. Tuy nhiên, sau khi lấy được giấy tờ đất, bà H’L. đã sang tên cho người khác và dẫn nhóm người lại đến phá nhà. Cả nhà tôi phải che mái tôn cạnh nhà vợ chồng chị gái ở. Bố mẹ già ốm, cả nhà không có cái ăn, tôi phải sang Đắk Nông hái cà phê thuê”, Y Thắt nói.
Mảnh đất chỉ có giá… 30 triệu đồng
Tại Gia Lai, mùa này, những cơn nắng khô khốc phả từng hơi nóng hừng hực như chính sự nghèo đòi phủ lên từng ngôi làng ở xã Ia Pếch, huyện Ia Grai. Ngồi bên những căn nhà tuềnh toàng, Rơ Mah Ek (30 tuổi) và Rơ Mah Võ (44 tuổi, trú cùng xã Ia Pếch) thở phào nhẹ nhõm khi hay tin kẻ lừa đảo Trần Thị Kim Phú (46 tuổi) đã bị công an bắt giữ. May mắn, những mảnh đất hai người này cầm cố cho Phú để vay tiền chưa bị kẻ này bán đi.
Số là Rơ Mah Ek đang cần tiền để mở trang trại. Ek không có đất nên sang nhà chú ruột Rơ Mah Lul mượn sổ đỏ đem đến vay Phú 60 triệu đồng. Thời hạn vay 5 năm. Ông Rơ Mah Võ, hàng xóm, thấy vậy cũng đem một sổ đỏ đến vay Phú 30 triệu đồng.
Lợi dụng người dân tộc thiểu số (DTTS) ít kiến thức, Phú lên UBND xã Ia Pếch “nhờ” Chủ tịch xã và cán bộ địa chính ký giả hợp đồng sang nhượng để được đứng tên hai sổ đỏ. Dưới sự “bảo chứng” của UBND xã và Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Ia Grai, Phú nghiễm nhiên được đứng tên hai sổ đỏ trên chính mảnh đất của ông Lul (chú Ek) và ông Võ.
Có sổ đỏ mới, Phú và người cháu tên P. đến Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Gia Lai (Vietcombank Gia Lai) vay 1 tỷ đồng. Đến hạn, không thấy Phú và người cháu trả nợ, năm 2020, phía ngân hàng làm đơn tố cáo. Vào cuộc điều tra, Công an tỉnh Gia Lai bắt giữ Phú về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; ông Rơ Châm Mlanh, Chủ tịch UBND xã Ia Pếch bị khởi tố về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” khi tự mình ký, trình hồ sơ lên cấp huyện để cấp sổ đỏ cho kẻ lừa đảo.
“Nếu chú mình mất đất, mình ân hận lắm, chắc phải bỏ xứ mà đi. Cứ nghĩ Phú là người tốt, cho mượn tiền giúp đỡ bà con trong thôn chứ ai nghĩ là kẻ lừa đảo”, Rơ Mah Ek kể và vẫn chưa tin đó là sự thật.
Nhắc đến nạn chiếm đất của người DTTS ở Gia Lai phải kể đến “đường dây” lừa đảo chiếm đoạt 29 hecta đất của người dân DTTS tại xã Ia Grăng khi có 17 nghi phạm tham gia.
Theo hồ sơ mà chúng tôi có được, nghi phạm Lương Văn Tuấn (43 tuổi) và vợ Phạm Thị Oanh (cùng trú xã la Bã, huyện Ia Grai) biết nhiều hec ta đất của các hộ gia đình DTTS ở hai thôn Orê 1 và Orê 2 (xã Ia Grăng, huyện Ia Grai) chưa làm được sổ đỏ.
Cặp vợ chồng này “thuê” Lê Xuân Bằng (39 tuổi, trú xã Ia Grăng) làm một sổ đỏ với giá 22 triệu đồng/hecta đất. Để làm được sổ đỏ thật, Bằng “cấu kết” với Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Grăng và Lê Thị Thắm - Công chức Địa chính - Xây dựng xã Ia Grăng làm giả, ký chứng thực các hợp đồng chuyển nhượng. Sau đó, trình Văn phòng Đăng ký đất đai huyện để hợp thức hóa, ra phôi các sổ đỏ.
Lê Xuân Bằng và đồng phạm làm được 14 sổ đỏ trên 29 hecta đất, “thản nhiên” đem đến 6 ngân hàng trên tỉnh Gia Lai vay 6,3 tỷ đồng, rồi tìm cách rời khỏi nơi cư trú.
Hành vi của Lê Xuân Bằng và đồng phạm không qua được mắt công an tỉnh Gia Lai. Từ tháng 8 đến tháng 11/2021, 15 nghi phạm trong đường dây này đã bị Công an tỉnh Gia Lai bắt giữ, 2 nghi can khác đã nhanh chân bỏ trốn, dính lệnh truy nã.
Vì hợp thức hóa sổ đỏ cho những kẻ lừa đảo, nhiều cán bộ của Phòng đăng ký đất đai (ÐKÐÐ) chi nhánh huyện Ia Grai và UBND xã Ia Grăng đã bị bắt giam, khởi tố.
Bình luận